ES xin chia sẻ đến bạn đọc tổng hợp các sai phạm thường gặp về thuế kế toán cần lưu ý để tránh bị xử phạt hoặc ấn định thuế. Nội dung bài viết như sau:
Các sai phạm về thuế có thể dẫn đến hậu quả doanh nghiệp chịu phạt khi cơ quan thuế phát hiện, hoặc đóng thuế theo mức ấn định của cơ quan thuế. Dưới đây là các trường hợp phổ biến nhất mà kế toán cần lưu ý.
I. Doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu
#1. Đối với hoạt động nhập khẩu
+ Doanh nghiệp nhập khẩu nhưng không kê khai hoặc kê khai không chính xác ở khâu nhập khẩu nhằm trốn thuế GTGT, thuế TNDN;
+ Doanh nghiệp nhận nhập khẩu ủy thác cho cá nhân người nước ngoài không phải thương nhân để trốn thuế GTGT, TNDN;
+ Tờ khai hải quan không ghi tên đơn vị ủy thác, không có hợp đồng ủy thác, doanh nghiệp ấn định thuế GTGT theo hàng tự doanh.
#2. Đối với quản lý và sử dụng hóa đơn
+ Doanh nghiệp hủy hóa đơn đầu ra nhưng không lập biên bản hủy, hoặc có lập nhưng biên bảnkhông nêu rõ lý do hủy;
+ Mua hóa đơn để tạo chi phí giả, hóa đơn bỏ trốn, sử dụng hóa đơn vận chuyển bất hợp pháp;
+ Thanh toán bằng tiền mặt đối với các hóa đơn mua vào trên 20 triệu, hủy hóa đơn không có liên 2 làm tăng doanh thu, hóa đơn mang tên cá nhân (trừ hóa đơn điện nước vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào), chi phí mua vào không đủ hóa đơn, chứng từ.
#3. Đối với kê khai, tính nộp thuế
+ Doanh nghiệp kê khai sai thuế đầu ra của hàng hóa, dịch vụ, thực hiện chương trình khuyến mại, sử dụng hàng hóa làm hàng mẫu nhưng chưa đăng ký với Sở Công thương;
+ Phân bổ thuế GTGT đầu vào không tương ứng với doanh thu không chịu thuế;
+ Kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các chi phí không phục vụ sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến xác định thu nhập chịu thuế TNDN, kê khai tăng số thuế được khấu trừ (kê trùng, hóa đơn giả,...);
+ Hóa đơn điện nước mang tên cá nhân được khấu trừ thuế GTGT đầu vào nhưng không được tính là chi phí được trừ khi xác định thuế TNDN khi không đủ hợp đồng thuê, chứng từ thanh toán...;
+ Không kê khai thuế TNCN hoạt động đầu tư vốn, lãi vay cá nhân, tiền hoa hồng môi giới;
+ Kê khai thiếu thuế TNCN của nhân viên đại lý;
+ Chưa kê khai đầy đủ thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài đối với các chi phí phát sinh thuế nhà thầu.
#4. Đối với các chi phí nội bộ doanh nghiệp khác
+ Chi phí khấu hao TSCĐ không phục vụ sản xuất kinh doanh, khấu hao vượt mức quy định (khấu hao nhanh không quá 2 lần khấu hao đường thẳng);
+ chi phí lãi vay không phục vụ hoạt động kinh doanh nhưng vẫn hạch toán;
+ Chi lương không đúng theo HĐLĐ, khai khống chi phí tiền lương bằng cách tăng thêm các khoản thưởng, phụ cấp không có trên hợp đồng hoặc thực tế không chi trả, chi lương không đủ hóa đơn chứng từ hợp lý.
Bạn đọc tham khảo bộ hồ sơ lương hợp lý và đầy đủ nhất tại đây!
+ Chi phí trang phục (không quá 5 triệu đồng/năm/người đối với chi trang phục bằng cả tiền và hiện vật), chi phụ cấp ăn trưa vượt mức quy định (tối đa 730.000 đồng/người/tháng), các khoản chi có tính chất phúc lợi vượt quá 1 tháng lương thực hiện;
+ Ghi nhận doanh thu, chi phí sai thời điểm, phân bổ chi phí mua hàng không tương ứng với giá trị hàng xuất bán;
+ Trích dự phòng nợ phải thu, dự phòng hàng tồn kho không đúng quy định.
Xem thêm Thông tư 48/2019/TT-BTC về trích lập các khoản dự phòng tại đây!
+ Kê khai sai chênh lệch tỷ giá;
+ Chi phí hao hụt nguyên vật liệu không đúng quy định;
+ Hạch toán tiền chậm nộp thuế vào chi phí;
+ Chi phí bán hàng đối với chi bù giá hàng tồn kho theo hình thức chi tiền mặt không đúng quy định;
+ Chi phí khác đối với chi phí kiểm kê hàng thiếu (mất hàng).
II. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản
#1. Lợi dụng chênh lệch về thời điểm phát sinh doanh thu, chi phí
- Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không lập hóa đơn, khai thuế GTGT, thuế TNDN tạm tính tạm nộp theo tiến độ thu tiền trên hợp đồng;
- Doanh nghiệp xây dựng không lập hóa đơn hoặc lập không đúng thời điểm phát sinh doanh thu;
- Chủ đầu tư yêu cầu doanh nghiệp xây dựng xuất hóa đơn GTGT để khai khấu trừ thuế không đúng thời điểm;
- Xác định doanh thu không cùng thời điểm bàn giao BĐS đi vào sử dụng;
- Đã bàn giao BĐS tuy nhiên không xuất hóa đơn, cố ý kéo dài đến khi hoàn thành toàn bộ dự án mới xuất hóa đơn và hạch toán;
- Không lập hóa đơn đối với phần khách hàng chưa thanh toán nhưng đã bàn giao bất động sản;
- Trường hợp hợp đồng tách ra phần giao nhà thô riêng và phần hoàn thiện riêng: không lập hóa đơn khi giao nhà thô mà chờ hoàn thiện mới lập hóa đơn.
#2. Thực hiện mua bán qua lại nhằm lách thuế TNDN
Doanh nghiệp chuyển nhượng BĐS cho cá nhân với giá thấp hơn giá thị trường (chịu thuế 20% trên lợi nhuận), cá nhân tiếp tục bán lại cho chủ đầu tư với giá cao hơn giá thị trường (thuế 2% trên giá bán). Cơ quan thuế phát hiện ấn định số thuế phải nộp.
#3. Chuyển lợi nhuận làm giảm số thuế phải nộp
TH1: Doanh nghiệp thực hiện các giao dịch không theo giá thị trường đối với các bên liên quan (hoặc cá nhân, nhóm cá nhân điều hành doanh nghiệp nhưng để người thân đứng tên chịu trách nhiệm pháp lý) nhằm mục đích:
- Chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp áp dụng thuế suất TNDN phổ thông sang doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế TNDN;
- Chuyển lợi nhuận từ doanh nghiệp đang lãi sang doanh nghiệp lỗ nhằm giảm số thuế TNDN phải nộp.
TH2: Chuyển lợi nhuận từ bên cho vay sang bên đi vay lợi dụng sự chênh lệch giữa thời điểm xác định doanh thu tính thuế TNDN và thời điểm xác định chi phí được trừ, cụ thể:
Trong một chuỗi các doanh nghiệp được thành lập phát sinh giao dịch cho vay tiền hoặc mượn tiền với doanh nghiệp đi vay là doanh nghiệp thực hiện dự án BĐS:
- Đối với bên đi vay: chi phí đi vay được vốn hóa và tính vào chi phí xác định thu nhập chịu thuế TNDN khi dự án hoàn thành và phát sinh doanh thu;
- Đối với bên cho vay: kê khai nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động tài chính phát sinh ngay trong năm.
#4. Gian lận thuế
TH1: Tổ chức, cá nhân thành lập một chuỗi doanh nghiệp nhằm mục đích giả tạo chi phí và số thuế GTGT được khấu trừ từ các nhà thầu chính, phụ và doanh nghiệp làm dự án, trong đó có một nhà thầu phụ sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
TH2: Doanh nghiệp khoán toàn bộ công việc cho các đội thi công không có tư cách pháp nhân, các đội thi công hợp thức hóa khoản tiền thực nhận bằng việc sử dụng hóa đơn, chứng từ thanh toán bất hợp pháp, chi phí lương khống.
#5. Hạch toán sai
TH1: Hạch toán chi phí liên quan trực tiếp đến hợp đồng xây dựng đang thi công dở dang vào chi phí SXKD trong kỳ, hạch toán các chi phí không liên quan đến hoạt động của hợp đồng xây dựng vào chi phí hợp đồng.
TH2: Hạch toán chi phí hợp đồng xây dựng không tương ứng với công việc hoàn thành.
TH3: Hạch toán vốn hóa chi phí lãi vay trong trường hợp quá trình đầu tư xây dựng TSCĐ bị gián đoạn (trừ trường hợp sự gián đoạn đó là cần thiết), theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 16, trường hợp này doanh nghiệp được tạm dừng vốn hóa.
TH4: Hạch toán chi phí hao hụt, tổn thất, tháo dỡ vào giá vốn thành phẩm. Theo quy định tại Chuẩn mực kế toán số 02, khoản này phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh tại thời điểm phát sinh hao hụt, tổn thất, tháo dỡ.
#6. Kê khai sai thuế
TH1: Không khai doanh thu chuyển nhượng quyền sử dụng đất (giá đất được trừ) vào tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT và không phân bổ thuế GTGT đầu vào dùng chung cho sản xuất hàng hóa dịch vụ chịu thuế hoặc không chịu thuế GTGT đầu ra
TH2: Xác định giá đất được trừ và giá tính thuế GTGT không đúng quy định
TH3: Kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với những hóa đơn thi công xây dựng được lập theo số tiền tạm ứng.
TH4: Tính giá thành thành phẩm BĐS hoàn thành bàn giao không phù hợp.
TH5: Không phân bổ chi phí quản lý cho hoạt động chuyển nhượng BĐS và hoạt động kinh doanh khác, từ đó làm giảm số thuế TNDN phải nộp.
TH6: Doanh nghiệp vay tiền và tính chi phí lãi vay vào chi phí được trừ nhưng thực tế chi phí lãi vay không thỏa mãn điều kiện được trừ hoặc doanh nghiệp tạm ứng cho cá nhân khác nhưng không giải trình được nội dung tạm ứng.
III. Sai phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử
Thương mại điện tử hiện đang là một kênh kiếm tiền vô cùng hiệu quả đối với các tổ chức cá nhân kinh doanh, đồng thời cũng phục vụ cho mục đích trốn thuế, tránh thuế của các đối tượng này do cơ quan thuế chưa quản lý được toàn bộ thị trường thương mại điện tử. Dưới đây là các sai phạm dễ thấy của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này:
#1. Tổ chức, cá nhân thực hiện bán hàng hóa, sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang web bán hàng, mạng xã hội...
TH1: Tổ chức, cá nhân kinh doanh có giao dịch thanh toán qua tài khoản ngân hàng của cá nhân không đăng ký với cơ quan thuế, các khoản doanh thu này không thực hiện kê khai tính nộp thuế.
TH2: Tổ chức, cá nhân kinh doanh thanh toán dưới hình thức thu hộ qua một bên vận chuyển thứ ba, các khoản doanh thu này không thực hiện kê khai tính nộp thuế.
#2. Tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có phát sinh thu nhập từ các trang mạng nước ngoài
TH1: Doanh nghiệp không kê khai nộp thuế do nghĩ cơ quan thuế không phát hiện được các khoản doanh thu này.
TH2: Doanh nghiệp có kê khai tính nộp nhưng kê khai tính nộp không đúng quy định, cụ thể:
- Thuế GTGT: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo cho các tổ chức nước ngoài trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam (dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam) nhưng kê khai là dịch vụ xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%, thuế suất đúng là 10%.
- Thuế TNDN: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo, dịch vụ nhập liệu, dịch vụ xử lý dữ liệu nhưng lại xác định là hoạt động sản xuất phần mềm kê khai khoản thu nhập của các khoản doanh thu này được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo thuế suất 10% (thuế suất đúng là 20%, áp dụng từ năm 2016).
TH3: Các cá nhân phát sinh doanh thu từ các trang mạng xã hội nhưng không kê khai tính nộp thuế do nghĩ cơ quan thuế không phát hiện ra khoản doanh thu này hoặc do không biết quy định thu nhập phát sinh trên 100 triệu đồng/năm thì phải kê khai tính nộp thuế.
IV. Sai phạm trong lĩnh vực giao dịch liên kết
Các sai phạm về chuyển giá thường gặp:
TH1: Chuyển giá thông qua tăng chi phí đầu vào
Doanh nghiệp mua nguyên liệu đầu vào của bên liên quan với mức giá tự định làm giá vốn cao gấp nhiều lần so với giá bán dẫn đến kéo giảm lợi nhuận xuống thấp nhằm trốn thuế.
TH2: Chuyển giá thông qua giảm giá bán ra
Doanh nghiệp bán ra cho công ty mẹ với giá thấp hơn giá thị trường dẫn đến lỗ.
TH3: Chuyển giá thông qua việc cung cấp các dịch vụ, tiếp thị, quảng cáo, quản lý, tư vấn hỗ trợ... thực tế không phát sinh.
TH4: Các khoản chi phí công ty mẹ phân bổ cho công ty con, các khoản thanh toán hộ trong cùng tập đoàn không minh bạch, rõ ràng.
TH5: Chi trả các khoản về nhãn hiệu, bản quyền, chi phí đào tạo không đủ căn cứ chứng minh là chi phí hợp lý.
TH6: Cho vay các bên liên kết cao hơn lãi suất của ngân hàng thương mại hoặc cho vay không lãi suất.
TH7: Giao dịch với các công ty có thuế suất ưu đãi hoặc các công ty đặt tại các thiên đường thuế.
Xem thêm các sai phạm về giao dịch liên kết tại đây!
ES vừa chia sẻ đến bạn đọc toàn bộ những quy định chi tiết nhất về Các sai phạm thường gặp trong lĩnh vực thuế. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/