Ngày 26 tháng 1 năm 2021, Bộ tài chính ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BTC hướng dẫn quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Thông tư này quy định về việc tổ chức thi, điều kiện miễn môn thi; thủ tục cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; việc cập nhật kiến thức của nhân viên đại lý thuế; quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.

thong-tu-10-2021-tt-btc

Hãng Kiểm toán ES xin chia sẽ điểm mới của Thông tư qua bài viết dưới đây!

#1. Bổ sung thêm 02 dịch vụ đại lý thuế được cung cấp cho người nộp thuế (khoản 2 Điều 3) gồm:

- Dịch vụ tư vấn về thuế;

- Dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ;

Trước đây: Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 117/2012/TT-BTC chỉ quy định dịch vụ làm thủ tục về thuế

#2. Sửa đổi điều kiện dự thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế:

Điểm mới 1 (khoản 2 Điều 4).: Quy định người dự thi phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc ngành, chuyên ngành kinh tế, thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán, luật hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên

Trước đây: Tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 117/2012/TT-BTC quy định: “có bằng cao đẳng trở lên thuộc các chuyên ngành ….”

Điểm mới 2 (khoản 3 Điều 4): Nâng thời gian công tác thực tế về thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên đồng thời bỏ quy định làm trong lĩnh vực Luật (chuyên ngành pháp luật kinh tế). Đồng thời hướng dẫn rõ thời gian công tác thực tế được tính cộng dồn từ thời gian tốt nghiệp ghi trên bằng đại học (hoặc sau đại học) đến thời điểm đăng ký dự thi.

Trước đây: Tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 117/2012/TT-BTC quy định: có thời gian làm việc trong lĩnh vực từ 02 năm trở lên tính từ ngày nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Chưa hướng dẫn rõ thời gian công tác tính từ thời điểm nào.

#3. Đơn giản hồ sơ dự thi và sửa đổi hình thức nộp hồ sơ dự thi:

Điểm mới 1(Khoản 1 Điều 5): Đơn giản hồ sơ dự thi và sửa đổi hình thức nộp hồ sơ dự thi

- Bỏ quy định nộp sơ yếu lý lịch trong hồ sơ thi

- Bỏ quy định nộp giấy tờ miễn môn thi vì không quy định xét miễn môn thi khi dự thi.

- Quy định trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đưa vào vận hành thì người dự thi không phải nộp bản scan CMND/thẻ căn cước công dân.

- Quy định người dự thi nộp hồ sơ dự thi bằng phương thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Trước đây: Quy định hồ sơ dự thi được nộp trực tiếp tại Tổng cục Thuế hoặc nộp qua đường bưu chính (khoản 3 Điều 12 Thông tư 117/2012/TT-BTC).

#4. Tổ chức thi:

Điểm mới 1: Bổ sung quy định về chi phí dự thi (khoản 1 Điều 6): Quy định chi phí dự thi được nộp bằng tiền mặt hoặc thông qua thanh toán điện tử. Trường hợp người dự thi đã nộp chi phí dự thi nhưng bỏ thi thì không được hoàn trả lại khoản chi phí đã nộp.

Trước đây: Tại điểm d) khoản 3 Điều 13 quy định: Người dự thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế phải nộp lệ phí thi theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điểm mới 2: Số lượng kỳ thi trong năm (khoản 1 Điều 8): Quy định mỗi năm Tổng cục Thuế tổ chức ít nhất 01 kỳ thi.

Trước đây: Tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 51/2017/TT-BTC quy định mỗi năm tổ chức ít nhất 02 kỳ thi.

Điểm mới 3: Hình thức xử lý vi phạm đối với người dự thi (Điều 9): Chỉ quy định các hình thức xử lý vi phạm đối với người dự thi. Xử lý vi phạm cụ thể đối với người dự thi được thực hiện theo quy chế thi do Tổng cục Thuế ban hành.

Trước đây: Tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 117/2012/TT-BTC quy định cụ thể về xử lý vi phạm đối với người dự thi.

#5. Miễn môn thi:

Đim mới 1: Thu hẹp đối tượng được miễn môn thi pháp luật về thuế (khoản 1 Điều 11):

- Đối với người dự thi đã có thời gian làm việc trong ngành thuế: Quy định chỉ những người là công chức, viên chức làm công tác quản lý thuế và viên chức giảng dạy về thuế và có thời gian 60 tháng liên tục giữ ngạch đồng thời phải có thời gian làm công tác quản lý thuế hoặc giảng dạy nghiệp vụ thuế tối thiểu 36 tháng. Ngoài ra còn quy định không bị kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 24 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc.

- Bỏ quy định miễn thi môn pháp luật thuế đối với người tốt nghiệp đại học chuyên ngành pháp luật kinh tế và có chứng chỉ hành nghề luật sư và giảng viên môn học về thuế tại các trường đại học, cao đẳng.

Trước đây: Tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 117/2012/TT-BTC và khoản 6 Điều 1 Thông tư 51/2017/TT-BTC quy định miễn môn thi pháp luật về thuế chỉ cần công chức thuế, viên chức thuế có ngạch và không bao gồm trường hợp bị kỷ luật buộc thôi việc; người tốt nghiệp đại học chuyên ngành pháp luật kinh tế và có chứng chỉ hành nghề luật sư và người đã làm giảng viên môn học về thuế tại các trường đại học, cao đẳng có thời gian công tác liên tục từ 05 năm trở lên ….”

Điểm mới 2: Sửa đổi quy định về miễn thi môn kế toán (khoản 2 Điều 11):

- Bỏ miễn thi môn kế toán đối với người là giảng viên môn kế toán tại các trường đại học, cao đẳng.

- Bổ sung trường hợp được miễn thi: Người đã đạt yêu cầu môn thi kế toán tài chính, kế toán quản trị nâng cao và còn trong thời gian bảo lưu tại kỳ thi cấp chứng chỉ kế toán viên, kiểm toán viên do Bộ Tài chính tổ chức

Điểm mới 3: Sửa đổi quy định về miễn môn thi pháp luật về thuế và môn thi kế toán (khoản 3 Điều 11)

- Quy định người có chứng chỉ kiểm toán viên hoặc chứng chỉ kế toán viên thay cho giấy xác nhận hành nghề Kế toán, kiểm toán như quy định trước đây.

- Quy định chặt chẽ hơn đối với trường hợp là công chức, viên chức công tác trong ngành thuế. Theo đó, những người được miễn hai môn thi phải là công chức, viên chức giữ ngạch chuyên viên, kiểm tra viên thuế, chức danh nghề nghiệp giảng viên (hạng III) tối thiểu 10 năm hoặc có ngạch chuyên viên chính, kiểm tra viên chính, chức danh nghề nghiệp giảng viên chính (hạng II) trở lên và có thời gian làm công tác quản lý thuế hoặc giảng dạy nghiệp vụ quản lý thuế tối thiểu 60 tháng. Ngoài ra còn quy định không bị kỷ luật hành chính trong thi hành công vụ từ hình thức khiển trách trở lên trong thời gian 24 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu, nghỉ việc.

Trước đây: Tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 51/2017/TT-BTC quy định: Miễn thi 02 môn Pháp luật về thuế và Kế toán đối với Người có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán hoặc giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán; Công chức thuế, viên chức thuế có ngạch công chức, viên chức từ chuyên viên thuế, kiểm tra viên thuế, giảng viên trở lên và có thời gian công tác liên tục trong ngành thuế từ 05 năm trở lên, khi thôi công tác trong ngành.

#6. Cấp, thu hồi CCHN:

Điểm mới 1: Về hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế (khoản 2 Điều 12): quy định cụ thể từng loại giấy tờ miễn môn thi đối với từng trường hợp cụ thể, đồng thời sửa đổi bổ sung:

- Bỏ sơ yếu lý lịch trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế;

- Đối với trường hợp miễn môn thi kế toán do có thời gian 5 năm làm kế toán thì giấy tờ chứng minh miễn môn thi là sổ bảo hiểm xã hội thay cho Giấy xác nhận thời gian công tác.

Trước đây: Thông tư 117/2012/TT-BTC và Thông tư 51/2017/TT-BTC không quy định cụ thể giấy tờ chứng minh miễn môn thi đối với từng trường hợp trong hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; giấy tờ miễn môn thi kế toán do có thời gian làm công tác kế toán 5 năm là giấy xác nhận thời gian công tác.

Điểm mới 2: Bổ sung hình thức nhận chứng chỉ qua dịch vụ bưu chính công ích (khoản 4 Điều 12).

Trước đây: Tại điểm 2.3 khoản 2 Điều 15 Thông tư 117 quy định chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế chỉ được nhận trực tiếp tại cơ quan thuế.

Điểm mới 3: Sửa đổi, bổ sung quy định các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế (Khoản 1 Điều 13), cụ thể có 6 trường hợp bị thu hồi: Kê khai không trung thực về thời gian công tác trong hồ sơ dự thi, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; Sửa chữa, giả mạo hoặc gian lận về bằng cấp, giấy chứng nhận điểm thi trong hồ sơ dự thi, hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; Thi hộ người khác hoặc nhờ người khác thi hộ; Sử dụng chứng chỉ kiểm toán viên, chứng chỉ kế toán viên giả hoặc không có giá trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế; Chứng chỉ kế toán viên, chứng chỉ kiểm toán viên đã bị thu hồi; Cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Trước đây: Tại điểm b khoản 2 Điều 17 Thông 117/2012/TT-BTC chỉ quy định 02 trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, đó là: có hành vi thông đồng, giúp người nộp thuế trốn thuế, gian lận thuế bị kết án bằng một bản án có hiệu lực về tội trốn thuế và sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả trong hồ sơ thi cấp CCHN

#7. Về quản lý hành nghề đối với nhân viên đại lý thuế:

Điểm mới 1: Bổ sung quy định về nguyên tắc hành nghề của nhân viên đại lý thuế (khoản 1 Điều 15). Theo đó, nhân viên đại lý thuế đăng ký hành nghề thông qua đại lý thuế nơi nhân viên đại lý thuế là người đại diện theo pháp luật của đại lý thuế hoặc có hợp đồng lao động làm việc và chỉ được hành nghề khi Cục Thuế thực hiện thông báo nhân viên đại lý thuế đủ điều kiện hành nghề

- Quy định rõ đại lý thuế không cần gửi hồ sơ đăng ký hành nghề của nhân viên mà thực hiện cùng với hồ sơ đăng ký cấp cấp giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế hoặc tại thông báo thay đổi thông tin nhân viên đại lý thuế.

Trước đây: Thông tư 117/2012/TT-BTC chưa quy định cụ thể.

Điểm mới 2: Sửa đổi bổ sung quy định về đình chỉ hành nghề đối với nhân viên đại lý thuế (Khoản 3 Điều 16):

- Quy định rõ trường hợp nhân viên đại lý thuế bị đình chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế nếu không cập nhật kiến thức hoặc cập nhật kiến thức không đúng theo quy định.

Trước đây: Tại khoản 2 Điều 17 Thông tư số 117/2012/TT-BTC quy định nhiều trường hợp nhân viên đại lý thuế bị đình chỉ hành nghề, trong đó có một số quy định như: cho người khác mượn hoặc sử dụng chứng chỉ hành nghề của người khác hoặc hành nghề tại hai đại lý thuế trở lên trong cùng một khoảng thời gian thì tại Thông tư mới đã chuyển nội dung này thành các trường hợp bị chấm dứt hành nghề.

Điểm mới 3: Bổ sung quy định về chấm dứt hành nghề đối với nhân viên đại lý thuế (Khoản 4 Điều 16). Nhân viên đại lý thuế bị chấm dứt hành nghề trong các trường hợp: Hết thời gian đình chỉ hành nghề mà nhân viên đại lý thuế không khắc phục được sai phạm; Hành nghề tại 02 đại lý thuế trở lên tại một thời điểm; bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế và vi phạm khoản 4 Điều 105 Luật Quản lý thuế.

Trước đây: chưa có quy định về chấm dứt hành nghề đối với nhân viên đại lý thuế.

Điểm mới 4: Bổ sung trách nhiệm của nhân viên đại lý thuế (khoản 3. Khoản 4, khoản 5 điều 17).

Trong số 7 khoản quy định về trách nhiệm của nhân viên ĐLT thì Thông tư mới đã kế thừa 4 khoản quy định tại điều 5 Thông tư 117, đồng thời bổ sung thêm 3 khoản liên quan đến trách nhiệm của nhân viên Đại lý thuế, đó là: phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu của cá nhân liên quan đến đăng ký hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế cho đại lý thuế; chậm nhất 30 ngày trước ngày không tiếp tục hành nghề; phải thông báo bằng văn bản với đại lý thuế nơi đang làm việc và chấp hành các quy định về kiểm tra liên quan đến hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Trước đây: Quy định tại Điều 5 Thông tư 117/2012/TT-BCT, trong đó chỉ quy định 4 khoản.

#8. Bổ sung quy định về cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế (Chương IV):

Thông tư có một chương quy định về việc cập nhật kiến thức hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, trong đó:

Điều 18: Quy định đối tượng cập nhật kiến thức: là nhân viên đại lý thuế và người đăng ký hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Nhân viên đại lý thuế phải tham gia cập nhật kiến thức hàng năm.

Điều 19. Nội dung, tài liệu cập nhật kiến thức: Các quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và nội dung liên quan đến quản lý thuế; các quy định của pháp luật về kế toán doanh nghiệp. Tổng cục Thuế xây dựng chương trình khung các nội dung phải cập nhật kiến thức.

Điều 20. Thời gian, hình thức cập nhật kiến thức:Thời gian cập nhật kiến thức tối thiểu 24 giờ trong một năm

Điều 21. Tổ chức cập nhật kiến thức gồm: Cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,Trường nghiệp vụ thuế, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính; các cơ sở đào tạo và các tổ chức xã hội nghề nghiệp về đại lý thuế được Tổng cục Thuế xác nhận.

Trước đây: chưa có quy định về cập nhật kiến thức

#9. Về quản lý hành nghề đối với đại lý thuế:

Điểm mới 1: Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế:

- Sửa đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế: có ít nhất hai người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp.

- Bổ sung điều kiện: có ít nhất một nhân viên đại lý thuế có chứng chỉ kế toán viên làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp đối với trường hợp đăng ký cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ.

Trước đây: Tại Điều 6 Thông tư 117/2012/TT-BTC không quy định phải làm việc toàn thời gian tại đại lý thuế.

Điểm mới 2: Về cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (khoản3, khoản 4 Điều 22):

- Bổ sung quy định về hình thức nộp hồ sơ đăng ký cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được thực hiện qua cổng Thông tin của Tổng cục Thuế.

- Bổ sung quy định trên Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế phải ghi rõ phạm vi cung cấp dịch vụ “Đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ về thuế” hoặc “Đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ về thuế và cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ”.

Trước đây: không quy định hình thức nộp hồ sơ qua đường điện tử và không ghi rõ dịch vụ trên Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Điểm mới 3: Bổ sung quy định về cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (khoản 5 Điều 22).

Trước đây: chưa có quy định.

Điểm mới 4: Bổ sung quy định dịch vụ đại lý thuế cung cấp cho người nộp thuế (Điều 23), trong đó quy định Đại lý thuế phải thông báo ngay cho người nộp thuế khi đại lý thuế bị đình chỉ hoặc bị thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế mà hợp đồng cung cấp dịch vụ làm thủ tục về thuế với NNT vẫn còn hiệu lực.

Trước đây: chưa có quy định.

Điểm mới 5: Bổ sung trách nhiệm của Đại lý thuế (Khoản 2, khoản 3, khoản 6 Điều 24), trong đó có quy định: Đại lý thuế phải duy trì và đảm bảo các điều kiện doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế trong suốt thời gian hoạt động; Tuyển dụng và quản lý nhân viên đại lý thuế theo đúng quy định; được thay mặt người nộp thuế cung cấp, giải trình theo yêu cầu của cơ quan thuế các thông tin, tài liệu trong phạm vi hợp đồng với người nộp thuế.

Trước đây: Chưa có quy định cụ thể.

Điểm mới 6: Sửa đổi quy định về mẫu biểu, hình thức và thời gian đại lý thuế nộp báo cáo cho cơ quan thuế. (khoản 8 Điều 24).

Đại lý thuế gửi thông báo, báo cáo đến Cục Thuế qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế; Trong thời hạn 05 ngày làm việc gửi thông báo thay đổi thông tin nhân viên đại lý thuế; Chậm nhất là ngày 15/1 hàng năm, gửi báo cáo tình hình hoạt động đại lý thuế.

Trước đây Khoản 2 Điều 8 Thông tư 117/2012/TT-BTC không quy định hình thức gửi báo cáo, gửi thông báo thay đổi nhân viên trong vòng 10 ngày và chỉ gửi báo cáo tình hình khi cơ quan thuế yêu cầu.

Điểm mới 7: Sửa đổi, bổ sung quy định về đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế

- Về các trường hợp bị đình chỉ (khoản 1 Điều 26), theo đó có 5 trường hợp bị đình chỉ.

Đại lý thuế bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế nếu không đáp ứng điều kiện “Có ít nhất 02 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp” trong 03 tháng liên tục; cung cấp không đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu cho cơ quan thuế; Tiết lộ thông tin gây thiệt hại của người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế; Sử dụng, quản lý nhân viên đại lý thuế không đúng quy định; Không thực hiện thông báo, báo cáo theo quy định từ 15 ngày trở lên so với thời hạn báo cáo hoặc thời hạn thông báo của cơ quan thuế.

- Bổ sung quy định về thời hạn đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ của Đại lý thuế tối đa không quá 90 ngày. Cơ quan quyết định đình chỉ là Cục thuế.

Trước đây: Thông tư 117/2012/TT-BTC chưa có quy định cụ thể.

Điểm mới 8: Bổ sung quy định về thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (Điều 27). Theo đó, quy định cụ thể về trường hợp bị thu hồi (khoản 1); Quy định rõ Đại lý thuế phải chấm dứt kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế kể từ ngày quyết định thu hồi của Cục Thuế có hiệu lực (khoản 2); quy định rõ trường hợp bị thu hồi mà không được cấp lại (khoản 3).

Trước đây: chưa có quy định.

#10. Kiểm tra kinh doanh, hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế và nhân viên đại lý thuế (Điều 28):

Điểm mới 1: Quy định cụ thể hình thức kiểm tra, nội dung kiểm tra (khoản 1), trong đó quy định rõ việc kiểm tra kinh doanh, hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế được tiến hành cùng với việc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế.

Điểm mới 2: Các trường hợp kiểm tra đột xuất (khoản 2).

Điểm mới 3: Quy định về việc xử lý vi phạm qua kiểm tra, đó là đình chỉ kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế hoặc thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế, đình chỉ hoặc chấm dứt hành nghề của nhân viên đại lý thuế.

Trước đây: Thông tư số 117/2012/TT-BTC chưa quy định cụ thể.

#11. Sửa đổi quy định trách nhiệm của NNT sử dụng dịch vụ của đại lý thuế

(Điều 25): Quy định NNT phải thông báo theo mẫu đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi đại lý thuế thực hiện lần đầu các công việc dịch vụ làm thủ tục về thuế nêu trong hợp đồng hoặc kể từ khi tạm dừng, chấm dứt dịch vụ theo hợp đồng đã ký với đại lý thuế.

Trước đây: Thông tư số 117/2012/TT-BTC quy định NNT phải gửi hợp đồng ký với Đại lý thuế

#12. Về quy định chuyển tiếp kể từ ngày Thông tư có hiệu lực:

12.1. Giấy chứng nhận điểm thi, giấy chứng nhận điểm phúc khảo đã được cấp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực có giá trị bảo lưu theo thời hạn quy định tại Thông tư số 117/2012/TT-BTC.

12.2. Chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế đã được cấp theo các Thông tư trước đây của Bộ Tài chính tiếp tục có giá trị như chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế quy định tại Thông tư này.

12.3. Nhân viên đại lý thuế đang hành nghề trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục hành nghề đến hết ngày 31/12/2021 mà không phải chứng minh giờ cập nhật kiến thức.

12.4. Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế của đại lý thuế được cấp theo quy định tại các Thông tư trước đây của Bộ Tài chính vẫn có giá trị nếu đại lý thuế đáp ứng điều kiện hành nghề theo quy định tại Thông tư này. Trường hợp đại lý thuế không đáp ứng đủ điều kiện hành nghề theo quy định tại khoản 2 Điều 102 Luật Quản lý thuế trong thời gian 03 tháng liên tục, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì đại lý thuế bị đình chỉ hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26 Thông tư này.

12.5. Trong thời gian cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế chưa đáp ứng việc nhận hồ sơ, báo cáo theo hình thức điện tử đã quy định tại các điều của Thông tư này, cá nhân, tổ chức thực hiện nộp hồ sơ, báo cáo đến cơ quan thuế bằng hình thức trực tiếp hoặc qua bưu chính

#13. Trách nhiệm thi hành:

Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động tổ chức thi, chấm thi, phúc khảo kết quả thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế.

Trên đây, là một số nội dung Thông tư 10/2021/TT-BTC về hướng dẫn quản lý hành nghề dịch vụ làm thủ tục thuế, nếu có vướng mắc hay cần hỗ trợ để lai bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.