Tài khoản 466 là gì? Khi nào thì sử dụng tài khoản 466? Nguyên tắc kế toán, kết cấu và phương pháp hạch toán tài khoản 466 theo Thông tư 200 như thế nào? Bài viết này sẽ giúp các bạn giải đáp các vấn đề trên. Mời các bạn theo dõi nội dung chi tiết của bài viết ở dưới đây nhé!
- Hệ thống tài khoản kế toán theo thông tư 200/2014/TT-BTC
- Hệ thống tài khoản kế toán theo thông tư 133/2016/TT-BTC
#1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ. Chỉ ghi tăng nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ khi đơn vị mua sắm TSCĐ, đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, mở rộng được ghi tăng nguyên giá TSCĐ bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án được cấp từ NSNN hoặc nhận viện trợ, tài trợ, đưa vào sử dụng cho hoạt động sự nghiệp, dự án.
b) Ghi giảm nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ khi tính hao mòn TSCĐ hoặc nhượng bán, thanh lý, phát hiện thiếu TSCĐ khi kiểm kê, nộp trả Nhà nước hoặc điều chuyển TSCĐ cho đơn vị khác theo lệnh của cấp trên, của Nhà nước.
#2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 466 - Nguồn kinh phí hình thành tài sản cố định
Bên Nợ: Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ giảm, gồm:
- Nộp trả Nhà nước hoặc điều chuyển TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp,hoạt động dự án theo quyết định của cơ quan Nhà nước hoặc cấp có thẩm quyền;
- Tính hao mòn TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án;
- Nhượng bán, thanh lý TSCĐ, phát hiện thiếu TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án;
- Giá trị còn lại của TSCĐ giảm do đánh giá lại.
Bên Có: Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ tăng, gồm:
- Đầu tư, mua sắm TSCĐ hoàn thành đưa vào sử dụng hoạt động sự nghiệp, dự án:
- Được cấp kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án, được viện trợ không hoàn lại bằng TSCĐ;
- Giá trị còn lại của TSCĐ tăng do đánh giá lại.
Số dư bên Có: Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ hiện có ở đơn vị.
#3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Trường hợp được Ngân sách Nhà nước, đơn vị cấp trên cấp kinh phí bằng TSCĐ hoặc dùng kinh phí sự nghiệp, dự án, viện trợ không hoàn lại để mua sắm TSCĐ, đầu tư XDCB, khi việc mua TSCĐ, đầu tư XDCB hoàn thành tài sản được đưa vào sử dụng cho hoạt động sự nghiệp, dự án, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
Có các TK 111, 112, 241, 331, 461,...
Đồng thời ghi:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp
Có TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ.
b) Cuối kỳ kế toán năm tính hao mòn TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án, ghi:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
c) Khi nhượng bán, thanh lý TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án:
- Ghi giảm TSCĐ nhượng bán, thanh lý:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Có TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá).
- Số thu, các khoản chi và chênh lệch thu, chi về nhượng bán, thanh lý TSCĐ đầu tư bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án, được xử lý và hạch toán theo quyết định thanh lý, nhượng bán TSCĐ của cấp có thẩm quyền.
d) Kế toán chuyển giao tài sản là các công trình phúc lợi: Đối với tài sản là công trình phúc lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nếu doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tiếp tục sử dụng cho mục đích kinh doanh, kế toán ghi:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Trên đây, Hãng Kiểm toán ES vừa chia sẻ bài viết Tài khoản 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ theo Thông tư 200/2014/TT-BTC. Nếu có vấn đề chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất https://esaudit.com.vn/hoi-dap/.Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết tài khoản 466 theo thông tư 200, chúc các bạn thành công!