Chuẩn mực kiểm toán số 805 về Lưu ý khi kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ và khi kiểm toán các yếu tố, tài khoản hoặc khoản mục cụ thể của báo cáo tài chính được ban hành kèm theo Thông tư số 214/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính.
Hãng Kiểm toán ES trân trọng gửi đến bạn đọc nội dung chi tiết của Chuẩn mực kiểm toán số 805, mời các bạn cùng theo dõi!
HỆ THỐNG CHUẨN MỰC KIỂM TOÁN VIỆT NAM
Chuẩn mực kiểm toán số 805: Lưu ý khi kiểm toán báo cáo
tài chính riêng lẻ và khi kiểm toán các yếu tố, tài khoản
hoặc khoản mục cụ thể của báo cáo tài chính
(Ban hành kèm theo Thông tư số 214/2012/TT-BTC ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Bộ Tài chính)
I/ QUY ĐỊNH CHUNG
Phạm vi áp dụng
01. Các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (VSA) có số hiệu từ 100 đến 700 được áp dụng cho cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và nếu cần, cũng được vận dụng cho cuộc kiểm toán thông tin tài chính quá khứ. Chuẩn mực kiểm toán này quy định và hướng dẫn các vấn đề mà kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) cần lưu ý khi áp dụng các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam nêu trên cho cuộc kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán một yếu tố, tài khoản, khoản mục cụ thể của một báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố, tài khoản, khoản mục cụ thể này có thể được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung hoặc theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt. Khi kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố, tài khoản, khoản mục cụ thể được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt, kiểm toán viên cũng phải áp dụng các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 800 (xem hướng dẫn tại đoạn A1 - A4 Chuẩn mực này).
02. Chuẩn mực kiểm toán này không áp dụng cho báo cáo của kiểm toán viên đơn vị thành viên mà báo cáo đó được phát hành dựa trên kết quả công việc kiểm toán hoặc soát xét thông tin tài chính hoặc báo cáo tài chính của đơn vị thành viên theo yêu cầu của nhóm kiểm toán tập đoàn để phục vụ mục đích kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn (xem Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 600).
03. Các quy định và hướng dẫn của chuẩn mực kiểm toán này không thay thế các quy định và hướng dẫn của các chuẩn mực khác. Chuẩn mực kiểm toán này cũng không quy định và hướng dẫn tất cả các vấn đề cần lưu ý có thể liên quan đến tình huống cụ thể của cuộc kiểm toán.
04. Kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán (sau đây gọi là “kiểm toán viên”) phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này trong quá trình kiểm toán các báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán yếu tố, tài khoản, khoản mục cụ thể của một báo cáo tài chính.
Đơn vị được kiểm toán (khách hàng) và các bên sử dụng kết quả kiểm toán cần phải có các hiểu biết cần thiết về các quy định và hướng dẫn của Chuẩn mực này để phối hợp công việc với kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán giải quyết các mối quan hệ trong quá trình kiểm toán.
Mục tiêu
05. Mục tiêu của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán, khi áp dụng các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam cho kiểm toán các báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán yếu tố, tài khoản, khoản mục cụ thể của một báo cáo tài chính, là tập trung vào các lưu ý liên quan đến:
(a) Chấp nhận hợp đồng kiểm toán;
(b) Lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán; và
(c) Hình thành ý kiến và lập báo cáo kiểm toán về các báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc về yếu tố, tài khoản, khoản mục cụ thể của một báo cáo tài chính.
Giải thích thuật ngữ
06. Trong Chuẩn mực kiểm toán này:
(a) “Yếu tố của một báo cáo tài chính” hoặc “Yếu tố”: Được hiểu là “một yếu tố, một tài khoản hoặc một khoản mục của một báo cáo tài chính”;
(b) “Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế”: Được hiểu là chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) do Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế ban hành;
(c) Một báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc một yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính phải bao gồm cả các thuyết minh liên quan kèm theo. Các thuyết minh liên quan thường bao gồm bản tóm tắt các chính sách kế toán quan trọng và các thông tin giải thích khác liên quan đến báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố của một báo cáo tài chính.
II/ NỘI DUNG CHUẨN MỰC
Yêu cầu
Lưu ý khi chấp nhận hợp đồng kiểm toán
Áp dụng các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam
07. Đoạn 18 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 quy định kiểm toán viên phải tuân thủ tất cả các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam liên quan đến cuộc kiểm toán. Khi kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, kiểm toán viên vẫn phải áp dụng quy định này, ngay cả khi kiểm toán viên được bổ nhiệm để kiểm toán bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị. Nếu không được bổ nhiệm để kiểm toán bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị, kiểm toán viên phải xác định xem có thể thực hiện được việc kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A5 - A6 Chuẩn mực này).
Tính có thể chấp nhận được của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính
08. Đoạn 06(a) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210 quy định kiểm toán viên phải xác định xem khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được đơn vị áp dụng trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính là có thể chấp nhận được hay không. Khi kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, để thực hiện quy định này, kiểm toán viên còn phải xác định xem việc áp dụng khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính có cung cấp đầy đủ các thuyết minh thích hợp để người sử dụng có thể hiểu được các thông tin trong báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc trong yếu tố được kiểm toán, và hiểu được ảnh hưởng của các giao dịch và sự kiện trọng yếu đối với các thông tin trong báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc trong yếu tố được kiểm toán đó hay không (xem hướng dẫn tại đoạn A7 Chuẩn mực này).
Dạng ý kiến kiểm toán
09. Đoạn 10(e) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210 quy định trong điều khoản của hợp đồng kiểm toán phải dự kiến về hình thức và nội dung các báo cáo mà kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán sẽ phát hành. Trường hợp kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải xem xét liệu dạng ý kiến kiểm toán dự kiến đã phù hợp với hoàn cảnh cụ thể hay chưa (xem hướng dẫn tại đoạn A8 - A9 Chuẩn mực này).
Lưu ý khi lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán
10. Đoạn 02 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 quy định các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam áp dụng cho cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và nếu cần, cũng được vận dụng cho các cuộc kiểm toán thông tin tài chính quá khứ (theo giải thích thuật ngữ tại đoạn 13(f) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, thuật ngữ “Báo cáo tài chính” thường có nghĩa là một bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng). Khi lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, khi cần thiết, kiểm toán viên phải áp dụng tất cả các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A10 - A14 Chuẩn mực này).
Lưu ý khi hình thành ý kiến kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán
11. Khi hình thành ý kiến kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải áp dụng các quy định của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700, khi cần thiết, được vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cuộc kiểm toán (xem hướng dẫn tại đoạn A15 - A16 Chuẩn mực này).
Báo cáo kiểm toán đối với bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) và đối với báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính
12. Nếu kiểm toán viên thực hiện hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính kết hợp với hợp đồng kiểm toán bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán riêng cho từng hợp đồng kiểm toán.
13. Đơn vị có thể phát hành báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính đã được kiểm toán cùng với bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) đã được kiểm toán. Nếu kiểm toán viên kết luận rằng việc trình bày báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính không thể hiện rõ sự phân biệt với bộ báo cáo tài chính (đầy đủ), kiểm toán viên phải yêu cầu Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán sửa đổi cách trình bày. Theo đoạn 15 và 16 Chuẩn mực này, kiểm toán viên cũng phải thể hiện rõ sự phân biệt giữa ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính với ý kiến kiểm toán về bộ báo cáo tài chính (đầy đủ). Nếu chưa đảm bảo phân biệt rõ giữa các ý kiến kiểm toán này thì kiểm toán viên chưa được phát hành báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính.
Ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần, đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán về bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị
14. Nếu ý kiến kiểm toán về bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần, hoặc báo cáo kiểm toán có đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc đoạn “Vấn đề khác”, kiểm toán viên phải xác định ảnh hưởng có thể có đến báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của báo cáo tài chính. Nếu thích hợp, kiểm toán viên phải đưa ra ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, hoặc phải trình bày đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán (xem hướng dẫn đoạn A17 Chuẩn mực này).
15. Trong trường hợp kiểm toán viên kết luận rằng cần phải đưa ra ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến đối với tổng thể bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị, đoạn 15 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705 quy định kiểm toán viên không được trình bày trên cùng một báo cáo kiểm toán cả hai ý kiến kiểm toán sau: (1) ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể là một bộ phận hợp thành của bộ báo cáo tài chính (đầy đủ); và (2) ý kiến trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến đối với bộ báo cáo tài chính (đầy đủ). Kiểm toán viên không được trình bày như vậy vì ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể có thể mâu thuẫn với ý kiến trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến đối với bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) (xem hướng dẫn đoạn A18 Chuẩn mực này).
16. Có trường hợp kiểm toán viên kết luận rằng cần phải đưa ra ý kiến kiểm toán dạng trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến đối với tổng thể bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị, tuy nhiên, khi kiểm toán riêng một yếu tố cụ thể trong bộ báo cáo tài chính đó thì kiểm toán viên lại thấy cần đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với yếu tố đó. Kiểm toán viên chỉ được thực hiện điều này, nếu:
(a) Pháp luật và các quy định không cấm;
(b) Ý kiến chấp nhận toàn phần đối với yếu tố cụ thể trong bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) được trình bày trong một báo cáo kiểm toán riêng mà báo cáo đó không được công bố cùng với báo cáo kiểm toán có ý kiến trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến về tổng thể bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị;
(c) Yếu tố cụ thể không chiếm tỷ trọng lớn trong bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị.
17. Do báo cáo tài chính riêng lẻ là một bộ phận quan trọng của bộ báo cáo tài chính (đầy đủ), cho dù báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính riêng lẻ có được công bố cùng với báo cáo kiểm toán về bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) hay không thì kiểm toán viên cũng không được đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với báo cáo tài chính riêng lẻ nếu kiểm toán viên đã đưa ra ý kiến kiểm toán trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến đối với tổng thể bộ báo cáo tài chính (đầy đủ).
III/ HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG
Khi thực hiện Chuẩn mực này cần tham khảo Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 .
Phạm vi áp dụng (hướng dẫn đoạn 01 Chuẩn mực này)
A1. Đoạn 13(g) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 định nghĩa thuật ngữ “Thông tin tài chính trong quá khứ” là thông tin được trình bày bằng thuật ngữ tài chính liên quan đến một đơn vị cụ thể, phát sinh chủ yếu từ hệ thống kế toán của đơn vị, phản ánh các sự kiện kinh tế đã xảy ra trong các kỳ trước hoặc các điều kiện kinh tế tại một thời điểm trong quá khứ.
A2. Đoạn 13(f) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 định nghĩa “Báo cáo tài chính” là sự trình bày một cách hệ thống về các thông tin tài chính trong quá khứ, bao gồm các thuyết minh có liên quan, với mục đích công bố thông tin về tình hình tài chính và các nghĩa vụ của đơn vị tại một thời điểm hoặc những thay đổi trong một thời kỳ, phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính. Thuật ngữ “Báo cáo tài chính” thường có nghĩa là một bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.
A3. Theo đoạn 02 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam được áp dụng khi kiểm toán viên thực hiện cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và nếu cần, cũng được vận dụng trong trường hợp kiểm toán thông tin tài chính khác trong quá khứ, như kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính. Chuẩn mực kiểm toán này quy định và hướng dẫn các trường hợp kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính (Phụ lục 01 của Chuẩn mực này cung cấp ví dụ về các thông tin tài chính khác trong quá khứ).
A4. Ngoài cuộc kiểm toán thông tin tài chính quá khứ, các hợp đồng dịch vụ đảm bảo khác được thực hiện theo Chuẩn mực về hợp đồng đảm bảo (VSAE) số 3000 (*). ((*): Xem ghi chú tại đoạn cuối Chuẩn mực này).
Lưu ý khi chấp nhận hợp đồng kiểm toán
Áp dụng các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam (hướng dẫn đoạn 07 Chuẩn mực này)
A5. Đoạn 14 và 18 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 quy định kiểm toán viên phải tuân thủ (a) chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, bao gồm cả tính độc lập liên quan đến kiểm toán báo cáo tài chính; và (b) tất cả các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam liên quan đến cuộc kiểm toán. Đoạn 22 - 23 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200 cũng quy định kiểm toán viên phải tuân thủ tất cả các quy định của từng chuẩn mực kiểm toán, trừ khi, xét trên bối cảnh của cuộc kiểm toán đang thực hiện thì toàn bộ chuẩn mực kiểm toán đó không liên quan đến cuộc kiểm toán hoặc một số yêu cầu nào đó là không phù hợp bởi vì yêu cầu đó phải được áp dụng có điều kiện và điều kiện đó lại không tồn tại trong cuộc kiểm toán. Trong trường hợp ngoại lệ, nếu kiểm toán viên phải đánh giá sự cần thiết của việc thực hiện khác so với một yêu cầu nào đó của một chuẩn mực kiểm toán thì kiểm toán viên phải thực hiện các thủ tục kiểm toán thay thế để đạt được mục tiêu đặt ra.
A6. Khi kiểm toán viên không được thuê kiểm toán bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị, kiểm toán viên có thể không tuân thủ được các quy định của các chuẩn mực kiểm toán liên quan đến cuộc kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính. Trong trường hợp đó, kiểm toán viên thường không có được sự hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị, trong đó có kiểm soát nội bộ, như hiểu biết của một kiểm toán viên thực hiện kiểm toán bộ báo cáo tài chính (đầy đủ). Kiểm toán viên cũng không có được các bằng chứng kiểm toán về chất lượng tổng thể của các tài liệu, sổ kế toán hoặc các thông tin kế toán khác mà các bằng chứng này có thể thu thập được nếu thực hiện kiểm toán bộ báo cáo tài chính (đầy đủ). Do đó, kiểm toán viên có thể cần thu thập thêm bằng chứng để chứng thực cho các bằng chứng kiểm toán đã thu thập từ tài liệu, sổ kế toán. Khi kiểm toán một yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, một số chuẩn mực kiểm toán quy định công việc kiểm toán phải thực hiện có khi không phù hợp với yếu tố được kiểm toán. Ví dụ, mặc dù các quy định của Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 570 có thể phù hợp với một cuộc kiểm toán chuyên đề về các khoản phải thu nhưng việc tuân thủ các quy định của Chuẩn mực này có thể không khả thi do yêu cầu quá cao. Nếu kiểm toán viên kết luận không thể thực hiện được cuộc kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc kiểm toán yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính theo quy định của các chuẩn mực kiểm toán thì kiểm toán viên có thể thảo luận với Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán về việc thực hiện một hình thức dịch vụ khác phù hợp hơn.
Tính có thể chấp nhận được của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính (hướng dẫn đoạn 08 Chuẩn mực này)
A7. Một báo cáo tài chính riêng lẻ hay một yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính có thể được lập phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng mà khuôn khổ đó được xây dựng dựa trên cơ sở của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính áp dụng cho việc lập và trình bày một bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) do cơ quan, tổ chức có chức năng soạn thảo chuẩn mực ban hành (ví dụ, Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)). Trong trường hợp này, để xác định xem khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có thể chấp nhận được hay không, kiểm toán viên cần phải đánh giá liệu khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng cho việc lập và trình bày bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) đó có đảm bảo cho việc trình bày báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính có đủ thuyết minh thích hợp hay không.
Dạng ý kiến kiểm toán (hướng dẫn đoạn 09 Chuẩn mực này)
A8. Theo quy định tại đoạn 08 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, dạng ý kiến kiểm toán mà kiểm toán viên đưa ra phụ thuộc vào khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng và phụ thuộc vào pháp luật và các quy định có liên quan. Theo quy định tại đoạn 35 - 36 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700:
(a) Khi đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) được lập theo khuôn khổ về trình bày hợp lý, trừ khi pháp luật có quy định khác, ý kiến kiểm toán phải sử dụng mẫu câu sau: “Báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, … phù hợp với [khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng]”;
(b) Khi đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần đối với bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) được lập theo khuôn khổ về tuân thủ, ý kiến kiểm toán phải nêu rõ là báo cáo tài chính đã được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, tuân thủ [khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng].
A9. Đối với báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng có thể không quy định rõ việc trình bày báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính. Điều này có thể xảy ra trong trường hợp khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng được dựa trên cơ sở khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính áp dụng cho việc lập và trình bày một bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) do cơ quan, tổ chức có chức năng soạn thảo chuẩn mực ban hành (ví dụ, Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)). Khi đó, kiểm toán viên cần xem xét dạng ý kiến kiểm toán dự kiến đưa ra có phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng hay không.
Lưu ý khi lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán (hướng dẫn đoạn 10 Chuẩn mực này)
A10. Kiểm toán viên cần xem xét kỹ lưỡng để xác định các chuẩn mực kiểm toán được coi là có liên quan đến cuộc kiểm toán. Ngay cả trong cuộc kiểm toán một yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, về nguyên tắc, các Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 240, số 550 và số 570 vẫn được coi là có liên quan đến cuộc kiểm toán, vì yếu tố được kiểm toán có thể bị sai sót do gian lận, do ảnh hưởng của các nghiệp vụ với các bên liên quan hoặc do việc áp dụng không đúng giả định về tính hoạt động liên tục theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.
A11. Ngoài ra, theo quy định tại đoạn 02 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 200, các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam được áp dụng cho cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và nếu cần, cũng được vận dụng cho cuộc kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính. Ví dụ, các giải trình bằng văn bản của Ban Giám đốc về bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) sẽ được thay thế bằng các giải trình bằng văn bản về việc trình bày báo cáo tài chính riêng lẻ hay về yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính phù hợp với khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng.
A12. Khi thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính đồng thời với cuộc kiểm toán bộ báo cáo tài chính (đầy đủ), kiểm toán viên có thể sử dụng bằng chứng kiểm toán thu thập được từ cuộc kiểm toán bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) cho cuộc kiểm toán một báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính. Tuy nhiên, các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam quy định kiểm toán viên phải lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính nhằm thu thập đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp làm cơ sở đưa ra ý kiến kiểm toán về báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố cụ thể của báo cáo tài chính đó.
A13. Từng báo cáo tài chính cấu thành nên bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) và nhiều yếu tố của các báo cáo tài chính đó, kể cả các thuyết minh liên quan, có liên quan với nhau. Do đó, khi kiểm toán báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, kiểm toán viên có thể không xem xét được báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố của một báo cáo tài chính đó một cách riêng rẽ với nhau. Để đạt được mục tiêu kiểm toán, kiểm toán viên có thể cần thực hiện các thủ tục kiểm toán trong mối quan hệ với các khoản mục có liên quan với nhau.
A14. Ngoài ra, mức trọng yếu được xác định đối với báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính có thể thấp hơn mức trọng yếu được xác định đối với bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị được kiểm toán. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nội dung, lịch trình và phạm vi các thủ tục kiểm toán cũng như ảnh hưởng đến việc đánh giá các sai sót chưa điều chỉnh.
Lưu ý khi hình thành ý kiến kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán (hướng dẫn đoạn 11 Chuẩn mực này)
A15. Đoạn 13(e) Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 700 quy định khi hình thành ý kiến kiểm toán, kiểm toán viên phải đánh giá xem liệu báo cáo tài chính có cung cấp đầy đủ các thuyết minh giúp người sử dụng báo cáo tài chính hiểu được ảnh hưởng của các giao dịch và sự kiện trọng yếu đối với các thông tin được trình bày trong báo cáo tài chính hay không. Đối với báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính, điều quan trọng là báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của báo cáo tài chính đó đã bao gồm cả các thuyết minh liên quan, theo quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng, phải cung cấp đầy đủ các thuyết minh giúp người sử dụng hiểu được ảnh hưởng các thông tin được trình bày trong báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố của một báo cáo tài chính, cũng như hiểu được ảnh hưởng của các giao dịch và sự kiện trọng yếu đối với các thông tin được trình bày trong báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố của một báo cáo tài chính.
A16. Phụ lục 02 của Chuẩn mực này cung cấp ví dụ minh hoạ về báo cáo kiểm toán đối với báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính.
Ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần, đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc đoạn “Vấn đề khác” trong báo cáo kiểm toán về bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) của đơn vị (hướng dẫn đoạn 14 - 15 Chuẩn mực này)
A17. Báo cáo kiểm toán về bộ báo cáo tài chính (đầy đủ) có thể có ý kiến kiểm toán không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần, có đoạn “Vấn đề cần nhấn mạnh” hoặc đoạn “Vấn đề khác” nhưng vấn đề dẫn đến ý kiến kiểm toán đó không liên quan đến báo cáo tài chính riêng lẻ hay yếu tố cụ thể được kiểm toán. Trong trường hợp này, kiểm toán viên vẫn có thể xét thấy cần trình bày trong báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể của một báo cáo tài chính đoạn “Vấn đề khác” để dẫn chiếu đến vấn đề nêu trong báo cáo kiểm toán về bộ báo cáo tài chính (đầy đủ), vì kiểm toán viên đánh giá điều này là thích hợp để giúp người sử dụng báo cáo hiểu về báo cáo tài chính riêng lẻ hoặc yếu tố cụ thể được kiểm toán hoặc hiểu về báo cáo kiểm toán liên quan (xem đoạn 06 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 706).
A18. Theo hướng dẫn tại đoạn A8 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 510 và đoạn A16 Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 705, trong báo cáo kiểm toán về bộ báo cáo tài chính (đầy đủ), kiểm toán viên được phép: (1) từ chối đưa ra ý kiến về kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ (nếu phù hợp); đồng thời (2) đưa ra ý kiến chấp nhận toàn phần về tình hình tài chính của đơn vị, vì việc từ chối đưa ra ý kiến chỉ liên quan đến kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình lưu chuyển tiền tệ mà không liên quan đến tổng thể báo cáo tài chính.
(*) Ghi chú: Chuẩn mực về hợp đồng đảm bảo (VSAE) số 3000 nêu tại Đoạn A4 Chuẩn mực này sẽ được ban hành sau.
Phụ lục 01
(Hướng dẫn đoạn A3 Chuẩn mực này)
VÍ DỤ VỀ CÁC YẾU TỐ, TÀI KHOẢN HOẶC KHOẢN MỤC CỤ THỂ CỦA MỘT BÁO CÁO TÀI CHÍNH
(1) Các tài khoản phải thu, dự phòng nợ phải thu khó đòi, hàng tồn kho, bao gồm cả các thuyết minh liên quan;
(2) Danh mục tài sản thuê ngoài quản lý, bao gồm cả các thuyết minh liên quan;
(3) Biểu tăng, giảm tài sản cố định hữu hình, bao gồm cả các thuyết minh liên quan;
(4) Kế hoạch trả nợ của một tài sản thuê tài chính, bao gồm cả các thuyết minh chi tiết;
(5) Danh sách phân chia lợi nhuận hoặc thưởng cho nhân viên, bao gồm cả các thuyết minh chi tiết.
Phụ lục 02
(Hướng dẫn đoạn A16 Chuẩn mực này)
VÍ DỤ MINH HỌA VỀ BÁO CÁO KIỂM TOÁN VỀ BÁO CÁO TÀI CHÍNH RIÊNG LẺ VÀ YẾU TỐ CỤ THỂ CỦA MỘT BÁO CÁO TÀI CHÍNH
Ví dụ 1:
Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính riêng lẻ được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích chung (trong ví dụ này là khuôn khổ về trình bày hợp lý)
Áp dụng cho trường hợp sau:
(1) Kiểm toán Bảng cân đối kế toán (tức là một báo cáo tài chính riêng lẻ);
(2) Bảng cân đối kế toán do Ban Giám đốc đơn vị lập theo quy định của khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính của Việt Nam (hoặc theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán (doanh nghiệp) Việt Nam) liên quan đến lập Bảng cân đối kế toán;
(3) Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng là khuôn khổ về trình bày hợp lý được xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu chung về thông tin tài chính của đông đảo người sử dụng;
(4) Các điều khoản của hợp đồng kiểm toán phản ánh trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị đối với báo cáo tài chính theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210.
Công ty kiểm toán XYZ
Địa chỉ, điện thoại, fax...
Số: ... /20x2
BÁO CÁO KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
Kính gửi: [Người nhận báo cáo kiểm toán]
Chúng tôi đã kiểm toán Bảng cân đối kế toán tại ngày 31/12/20x1 của Công ty ABC và bản tóm tắt các chính sách kế toán quan trọng và các thông tin thuyết minh khác kèm theo, được lập ngày..., từ trang...đến trang.... (sau đây gọi là “báo cáo tài chính”).
Trách nhiệm của Ban Giám đốc
Ban Giám đốc Công ty chịu trách nhiệm về việc lập và trình bày trung thực và hợp lý báo cáo tài chính của Công ty theo chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán (doanh nghiệp) Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính và chịu trách nhiệm về kiểm soát nội bộ mà Ban Giám đốc xác định là cần thiết để đảm bảo cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính không có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn.
Trách nhiệm của Kiểm toán viên
Trách nhiệm của chúng tôi là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính dựa trên kết quả của cuộc kiểm toán. Chúng tôi đã tiến hành kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Các chuẩn mực này yêu cầu chúng tôi tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán để đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính của Công ty có còn sai sót trọng yếu hay không.
Công việc kiểm toán bao gồm thực hiện các thủ tục nhằm thu thập các bằng chứng kiểm toán về các số liệu và thuyết minh trên báo cáo tài chính. Các thủ tục kiểm toán được lựa chọn dựa trên xét đoán của kiểm toán viên, bao gồm đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính do gian lận hoặc nhầm lẫn. Khi thực hiện đánh giá các rủi ro này, kiểm toán viên đã xem xét kiểm soát nội bộ của Công ty liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, hợp lý nhằm thiết kế các thủ tục kiểm toán phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên không nhằm mục đích đưa ra ý kiến về tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ của Công ty. Công việc kiểm toán cũng bao gồm đánh giá tính thích hợp của các chính sách kế toán được áp dụng và tính hợp lý của các ước tính kế toán của Ban Giám đốc cũng như đánh giá việc trình bày tổng thể báo cáo tài chính.
Chúng tôi tin tưởng rằng các bằng chứng kiểm toán mà chúng tôi đã thu thập được là đầy đủ và thích hợp làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán của chúng tôi.
Ý kiến của kiểm toán viên
Theo ý kiến của chúng tôi, báo cáo tài chính đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của Công ty ABC tại ngày 31/12/20x1, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán (doanh nghiệp) Việt Nam và các quy định pháp lý có liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính.
[(Hà Nội), ngày...tháng...năm...]
Công ty kiểm toán XYZ
Tổng Giám đốc
(Chữ ký, họ và tên, đóng dấu)
Số Giấy CN ĐKHN kiểm toán:... Kiểm toán viên
(Họ và tên, chữ ký)
Kiểm toán viên
(Chữ ký, họ và tên)
Số Giấy CN ĐKHN kiểm toán:...
Ví dụ 2:
Báo cáo kiểm toán về báo cáo tài chính riêng lẻ được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính cho mục đích đặc biệt (trong ví dụ này là khuôn khổ về trình bày hợp lý)
Áp dụng cho trường hợp sau:
(1) Kiểm toán Báo cáo thu chi (tức là một báo cáo tài chính riêng lẻ);
(2) Báo cáo tài chính do Ban Giám đốc đơn vị lập theo cơ sở kế toán thực thu, thực chi nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin về dòng tiền của bên cho vay. Ban Giám đốc được lựa chọn khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính;
(3) Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng là khuôn khổ về trình bày hợp lý được xây dựng nhằm thỏa mãn nhu cầu về thông tin tài chính của một số đối tượng sử dụng cụ thể;
(4) Không hạn chế đối tượng nhận và sử dụng báo cáo kiểm toán.
Công ty kiểm toán Z
Địa chỉ, điện thoại, fax...
Số: ... /20x2
BÁO CÁO KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
Kính gửi: [Người nhận báo cáo kiểm toán]
Chúng tôi đã kiểm toán Báo cáo thu chi của Công ty ABC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/20x1 và bản tóm tắt các chính sách kế toán quan trọng và các thông tin thuyết minh khác kèm theo, được lập ngày..., từ trang...đến trang.... (sau đây gọi là “báo cáo tài chính”). Báo cáo tài chính này đã được Ban Giám đốc lập theo cơ sở kế toán thực thu, thực chi như mô tả tại Thuyết minh X.
Trách nhiệm của Ban Giám đốc
Ban Giám đốc Công ty chịu trách nhiệm về việc lập và trình bày trung thực và hợp lý báo cáo tài chính của Công ty theo cơ sở kế toán thực thu, thực chi như mô tả tại Thuyết minh X; bao gồm việc xác định cơ sở kế toán thực thu, thực chi là cơ sở có thể chấp nhận được cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính và chịu trách nhiệm về kiểm soát nội bộ mà Ban Giám đốc xác định là cần thiết để đảm bảo cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính không có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn.
Trách nhiệm của Kiểm toán viên
Trách nhiệm của chúng tôi là đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính dựa trên kết quả của cuộc kiểm toán. Chúng tôi đã tiến hành kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Các chuẩn mực này yêu cầu chúng tôi tuân thủ chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán để đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu báo cáo tài chính của Công ty có còn sai sót trọng yếu hay không.
Công việc kiểm toán bao gồm thực hiện các thủ tục nhằm thu thập các bằng chứng kiểm toán về các số liệu và thuyết minh trên báo cáo tài chính. Các thủ tục kiểm toán được lựa chọn dựa trên xét đoán của kiểm toán viên, bao gồm đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong báo cáo tài chính do gian lận hoặc nhầm lẫn. Khi thực hiện đánh giá các rủi ro này, kiểm toán viên đã xem xét kiểm soát nội bộ của Công ty liên quan đến việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, hợp lý nhằm thiết kế các thủ tục kiểm toán phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên không nhằm mục đích đưa ra ý kiến về tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ của Công ty. Công việc kiểm toán cũng bao gồm đánh giá tính thích hợp của các chính sách kế toán được áp dụng và tính hợp lý của các ước tính kế toán của Ban Giám đốc cũng như đánh giá việc trình bày tổng thể báo cáo tài chính.
Chúng tôi tin tưởng rằng các bằng chứng kiểm toán mà chúng tôi đã thu thập được là đầy đủ và thích hợp làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán của chúng tôi.
Ý kiến của kiểm toán viên
Theo ý kiến của chúng tôi, báo cáo tài chính đính kèm đã phản ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu tình hình thu, chi của Công ty ABC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/20x1, phù hợp với cơ sở kế toán thực thu, thực chi như mô tả tại Thuyết minh X.
Cơ sở kế toán
Không phủ nhận ý kiến nêu trên, chúng tôi lưu ý người đọc báo cáo tài chính đến Thuyết minh X của báo cáo tài chính mô tả cơ sở kế toán. Báo cáo tài chính này được lập để cung cấp thông tin cho Bên cho vay Y. Vì thế, báo cáo này có thể không phù hợp để sử dụng vào mục đích khác.
[(Hà Nội), ngày...tháng...năm...]
Công ty kiểm toán Z
Tổng Giám đốc
(Chữ ký, họ và tên, đóng dấu)
Số Giấy CN ĐKHN kiểm toán:... Kiểm toán viên
(Họ và tên, chữ ký)
Kiểm toán viên
(Chữ ký, họ và tên)
Số Giấy CN ĐKHN kiểm toán:...
Ví dụ 3:
Báo cáo kiểm toán về yếu tố, tài khoản, khoản mục cụ thể của một báo cáo tài chính được lập theo khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính vì mục đích đặc biệt (trong ví dụ này là khuôn khổ về tuân thủ)
Áp dụng cho trường hợp sau:
(1) Kiểm toán khoản mục “dự phòng bồi thường phát sinh nhưng chưa được ghi nhận” của một danh mục bảo hiểm (tức là, một yếu tố, tài khoản hay khoản mục của một báo cáo tài chính);
(2) Thông tin tài chính này do Ban Giám đốc đơn vị lập theo quy định về trích lập dự phòng tài chính theo quy định của pháp luật. Ban Giám đốc không được lựa chọn khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính;
(3) Khuôn khổ về lập và trình bày báo cáo tài chính được áp dụng là khuôn khổ về tuân thủ được xây dựng để đáp ứng nhu cầu về thông tin tài chính của một số đối tượng sử dụng cụ thể;
(4) Các điều khoản của hợp đồng kiểm toán phản ánh trách nhiệm của Ban Giám đốc đơn vị đối với báo cáo tài chính theo quy định tại Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam số 210;
(5) Đối tượng được nhận báo cáo kiểm toán là hạn chế.
Công ty kiểm toán XYZ
Địa chỉ, điện thoại, fax...
Số: ... /20x2
BÁO CÁO KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
Kính gửi: [Người nhận báo cáo kiểm toán]
Chúng tôi đã kiểm toán Bảng kê các khoản dự phòng bồi thường phát sinh nhưng chưa được ghi nhận của Công ty Bảo hiểm ABC tại ngày 31/12/20x1, được lập ngày....., từ trang......đến trang..... kèm theo (sau đây gọi tắt là “Bảng kê”). Bảng kê này do Ban Giám đốc Công ty lập phù hợp với [mô tả quy định về báo cáo trích lập dự phòng].
Trách nhiệm của Ban Giám đốc
Ban Giám đốc Công ty chịu trách nhiệm lập Bảng kê theo [mô tả quy định về báo cáo trích lập dự phòng] và chịu trách nhiệm về kiểm soát nội bộ mà Ban Giám đốc xác định là cần thiết để đảm bảo cho việc lập Bảng kê không có sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn.
Trách nhiệm của Kiểm toán viên
Trách nhiệm của chúng tôi là đưa ra ý kiến về Bảng kê dựa trên kết quả của cuộc kiểm toán. Chúng tôi đã tiến hành kiểm toán theo các chuẩn mực kiểm toán Việt Nam. Các chuẩn mực này yêu cầu chúng tôi tuân thủ chuẩn mực và các qui định về đạo đức nghề nghiệp, lập kế hoạch và thực hiện cuộc kiểm toán để đạt được sự đảm bảo hợp lý về việc liệu Bảng kê có còn sai sót trọng yếu hay không.
Công việc kiểm toán bao gồm thực hiện các thủ tục nhằm thu thập các bằng chứng kiểm toán về các số liệu và thuyết minh trên Bảng kê. Các thủ tục kiểm toán được lựa chọn dựa trên xét đoán của kiểm toán viên, bao gồm đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu trong Bảng kê do gian lận hoặc nhầm lẫn. Khi thực hiện đánh giá các rủi ro này, kiểm toán viên đã xem xét kiểm soát nội bộ của Công ty liên quan đến việc lập Bảng kê nhằm thiết kế các thủ tục kiểm toán phù hợp với tình hình thực tế, tuy nhiên không nhằm mục đích đưa ra ý kiến về tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ của Công ty. Công việc kiểm toán cũng bao gồm đánh giá tính thích hợp của các chính sách kế toán được áp dụng và tính hợp lý của các ước tính kế toán của Ban Giám đốc cũng như đánh giá việc trình bày tổng thể Bảng kê.
Chúng tôi tin tưởng rằng các bằng chứng kiểm toán mà chúng tôi đã thu thập được là đầy đủ và thích hợp làm cơ sở cho ý kiến kiểm toán của chúng tôi.
Ý kiến của kiểm toán viên
Theo ý kiến của chúng tôi, các thông tin tài chính trình bày trong Bảng kê các khoản dự phòng bồi thường phát sinh nhưng chưa được ghi nhận của Công ty Bảo hiểm ABC cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/20x1 đã được lập, trên các khía cạnh trọng yếu, tuân thủ [mô tả quy định về báo cáo trích lập dự phòng].
Cơ sở kế toán và giới hạn về đối tượng nhận báo cáo kiểm toán
Không phủ nhận ý kiến nêu trên, chúng tôi lưu ý người đọc Bảng kê đến Thuyết minh X của Bảng kê mô tả cơ sở kế toán. Bảng kê này được lập để giúp Công ty Bảo hiểm ABC đáp ứng yêu cầu của Cơ quan quản lý Nhà nước. Vì thế, Bảng kê này có thể không phù hợp để sử dụng vào mục đích khác. Báo cáo kiểm toán của chúng tôi chỉ dành riêng cho Công ty Bảo hiểm ABC và Cơ quan quản lý Nhà nước và không được cung cấp cho bên nào khác ngoài Công ty Bảo hiểm ABC và Cơ quan quản lý Nhà nước.
[(Hà Nội), ngày...tháng...năm...]
Công ty kiểm toán XYZ
Tổng Giám đốc
(Chữ ký, họ và tên, đóng dấu)
Số Giấy CN ĐKHN kiểm toán:... Kiểm toán viên
(Họ và tên, chữ ký)
Kiểm toán viên
(Chữ ký, họ và tên)
Số Giấy CN ĐKHN kiểm toán:...
*****