Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp gia công chuyển tiếp là gì? Việt Nam là một trong những thị trường gia công lớn nhất thế giới. Hoạt động gia công và gia công chuyển tiếp diễn ra phổ biến ở Việt Nam. Vậy làm sao để thuế GTGT đầu vào của hoạt động gia công chuyển tiếp được khấu trừ, hoàn thuế theo đúng quy định của pháp luật? Hãng Kiểm toán Es-Glocal xin chia sẻ cùng các bạn.
1. Gia công chuyển tiếp là gì?
- Gia công
Điều 178, Luật Thương mại số 36/2005/QG11 ngày ("Luật Thương mại 2005") quy định:
"Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao."
- Gia công chuyển tiếp
Điều 34, Nghị định 12/2006/ND-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Thương mại 2005 quy định:
Thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp. Theo đó:
1. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam.
2. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo.
Như vậy, có thể hiểu gia công chuyển tiếp là hoạt động gia công trong đó bên nhận gia công là một số doanh nghiệp mà sản phẩm gia công của đơn vị trước là đối tượng gia công của đơn vị sau, còn bên đặt gia công vẫn chỉ là một.
2. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp gia công chuyển tiếp
Khoản 1, Điều 17, Thông tư 219/2013/TT-BTC về thuế GTGT (Thông tư 219) quy định, để khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với trường hợp gia công chuyển tiếp, doanh nghiệp phải có:
a) Hợp đồng gia công xuất khẩu và các phụ kiện hợp đồng (nếu có) ký với nước ngoài, trong đó ghi rõ cơ sở nhận hàng tại Việt Nam.
b) Hóa đơn GTGT ghi rõ giá gia công và số lượng hàng gia công trả nước ngoài (theo giá quy định trong hợp đồng ký với nước ngoài) và tên cơ sở nhận hàng theo chỉ định của phía nước ngoài.
c) Phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp (gọi tắt là Phiếu chuyển tiếp) có đủ xác nhận của bên giao, bên nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và xác nhận của Hải quan quản lý hợp đồng gia công của bên giao, bên nhận.
d) Hàng hóa gia công cho nước ngoài phải thanh toán qua Ngân hàng theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư 219.
Về thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và Phiếu chuyển tiếp thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Như vậy, so với các quy định về Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu thông thường, doanh nghiệp cần lưu ý thêm:
- Lập hợp đồng gia công xuất khẩu có ghi rõ cơ sở nhận hàng tại Việt Nam;
- Lập hóa đơn GTGT ghi rõ giá gia công và số lượng hàng gia công trả nước ngoài và tên cơ sở nhận hàng theo chỉ định của phía nước ngoài.
- Phiếu chuyển giao sản phẩm gia công chuyển tiếp có đủ xác nhận của bên giao, bên nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp và xác nhận của Hải quan quản lý hợp đồng gia công của bên giao, bên nhận.
Ví dụ:
Công ty A ký hợp đồng gia công với nước ngoài 200.000 đôi đế giầy xuất khẩu. Giá gia công là 800 triệu đồng. Hợp đồng ghi rõ giao đế giầy cho Công ty B tại Việt Nam để sản xuất ra giầy hoàn chỉnh.
Trường hợp này Công ty A thuộc đối tượng gia công hàng xuất khẩu chuyển tiếp. Khi lập chứng từ chuyển giao sản phẩm đế giầy cho Công ty B, Công ty A ghi rõ số lượng, chủng loại, quy cách sản phẩm đã giao, toàn bộ doanh thu gia công đế giầy 800 triệu đồng nhận được tính thuế GTGT là 0%.
Hãng Kiểm toán Es-Glocal chúc các bạn thành công.
Mời các bạn theo dõi thêm: