Tài sản tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ hay không? Nếu có, cách xác định giá trị tổn thất như thế nào và hồ sơ cần những gì? Để giải đáp thắc mắc trên của bạn đọc, Hãng Kiểm toán Es-Glocal (http://es-glocal.com) xin chia sẻ với bạn đọc qua bài viết sau.
Theo điểm 2 mục 2.1 điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN và được sửa đổi, bổ sung tại điểm 2 mục 2.1 điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC quy định: "Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế..."
==> Như vậy: Giá trị tài sản tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ.
Cách xác định giá trị tổn thất:
Doanh nghiệp phải tự xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật.
Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật
Doanh nghiệp phải lập Hội đồng xác định rõ tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn. Hội đồng có thể bao gồm các thành viên trong: Ban Giám đốc, Bộ phận kế toán, Bộ phận kho và các bộ phận khác liên quan (nếu có). Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước cơ quan chức năng về tổng giá trị tổn thất mình xác định.
Hồ sơ để khoản chi phí trên được tính chi phí được trừ như sau:
+ Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất do doanh nghiệp lập.
Biên bản kiểm kê giá trị tài sản, hàng hóa tổn thất phải xác định rõ giá trị tài sản, hàng hóa bị tổn thất, nguyên nhân tổn thất, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân về những tổn thất; chủng loại, số lượng, giá trị tài sản, hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có); bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị tổn thất có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
+ Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
+ Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
Tất cả các Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
Trên đây là chia sẻ của Hãng kiểm toán Es-Glocal về cách xác định giá trị tổn thất và hồ sơ kèm theo để những khoản tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn được tính là chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN.
Mời các bạn đón đọc các bài viết tiếp theo của chúng tôi.