Thuế môn bài là gì? Mức thuế, Hướng dẫn chi tiết cách hạch toán, kê khai, nộp thuế môn bài qua mạng... cũng như những sai lầm thường gặp về thuế môn bài. Tất cả được ES tổng hợp lại qua bài viết dưới đây để chia sẻ cùng bạn đọc.

Thuế môn bài là gì
Thuế môn bài là gì?

Thuế môn bài là một sắc thuế mà hầu như tất cả mọi doanh nghiệp đều phải nộp. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm được hết các vấn đề cơ bản của sắc thuế này. Các bạn hãy tìm hiểu cùng ES để xem mình đã biết tới đâu cũng như bổ sung thêm kiến thức của mọi người nhé.

1. Thuế môn bài là gì?

Thuế môn bài hay còn gọi là lệ phí môn bài là sắc thuế trực thu và đây được coi là khoản thuế doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức... phải nộp khi đăng ký hoạt động kinh doanh.

Thuế trực thu là một loại thuế thu trực tiếp từ khoản thu nhập, lợi ích thu được của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh... Thuế trực thu có đặc điểm đó là thuế mà người, hoạt động, tài sản chịu thuế và nộp thuế là một.

Thuế môn bài được thu hàng năm.

2. Các đối tượng phải nộp lệ phí môn bài và được miễn lệ phí môn bài

2.1 Các đối tượng phải nộp thuế

Người nộp lệ phí môn bài là tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP, bao gồm:

  • Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã.
  • Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật.
  • Tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
  • Tổ chức khác hoạt động sản xuất, kinh doanh.
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh của các tổ chức quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 2 Nghị định 139/2016/NĐ-CP(nếu có).
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2.2 Đối tượng được miễn thuế

Các trường hợp được miễn thuế bao gồm:

  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh không thường xuyên; không có địa điểm cố định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
  • Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất muối.
  • Tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.
  • Điểm bưu điện văn hóa xã; cơ quan báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử).
  • Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã hoạt động dịch vụ kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp.
  • Quỹ tín dụng nhân dân xã; hợp tác xã chuyên kinh doanh dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của hợp tác xã và của doanh nghiệp tư nhân kinh doanh tại địa bàn miền núi. Địa bàn miền núi được xác định theo quy định của Ủy ban Dân tộc.

3. Mức thu thuế phí môn bài

Nhiều bạn đặt ra câu hỏi thuế môn bài được thu hàng năm như vậy. Vậy mức thu lệ phí được tính dựa vào đâu?

Căn cứ theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP và Thông tư 302/2016/TT-BTC Hướng dẫn về lệ phí thì mức thu thuế được tính dựa trên:

  • Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư
  • Tổng doanh thu.

Vậy khi nào thì mức thu thuế môn bài dựa trên một trong 2 yếu tố trên? Mời các bạn xem tiếp nội dung chi tiết như sau:

  • Đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư lớn hơn 10 tỷ đồng: 3.000.000 đồng/năm
  • Đối với tổ chức có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư nhỏ hơn hoặc bằng 10 tỷ đồng: 2.000.000 đồng/năm.
  • Đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác thì mức lệ phí môn bài là 1.000.000/năm.

Có 03 lưu ý với bạn chỗ này như sau:

#1. Nếu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện...của bạn thành lập trong khoảng từ ngày 01-07 đến ngày 31-12 thì năm đó bạn chỉ đóng 50% mức phí môn bài cả năm của năm đó.

Ví dụ: Doanh nghiệp của bạn thành lập ngày 02/07/2019 với vốn điều lệ là 11 tỷ đồng thì bạn chỉ cần đóng cho năm 2019 là 1.500.000 đồng thôi nhé. Sang năm 2020 đóng theo mức 3.000.000 đồng bạn nhé.

#2. Trường hợp doanh nghiệp không có vốn điều lệ thì các bạn căn cứ vào vốn đầu tư ghi trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để xem mức phí môn bài nhé.
  • Đối với cá nhân hộ gia đình có doanh thu lớn hơn 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
  • Đối với cá nhân hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
  • Đối với cá nhân hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.

Lưu ý phần này như sau:

#3. Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ kinh doanh...của bạn thành lập trong khoảng từ ngày 01-07 đến ngày 31-12 thì năm đó bạn chỉ đóng 50% mức phí môn bài cả năm của năm đó.

Như vậy, căn cứ để xác định mức thuế môn bài tính cần xét tới các chỉ tiêu được ưu tiên trước sau theo thứ tự: Vốn điều lệ sau đó xét tới vốn đầu tư và cuối cùng là dựa trên doanh thu.

4. Cách hạch toán lệ phí môn bài

4.1. Hạch toán chi phí lệ phí môn bài

Theo thông tư 200: Nợ TK 642 (TK 6425)/Có TK 333 (TK 3338): Mức lệ phí môn bài phải nộp

Theo thông tư 133: Nợ TK 642 (TK 6422)/ Có TK 333 (TK 3338): Mức lệ phí môn bài phải nộp

4.2. Hạch toán bút toán nộp tiền phí môn bài

Thông tư 133 và Thông tư 200 hạch toán tương tự nhau

Nợ TK 3338/ Có TK 111, TK 112 (Tùy theo bạn nộp tiền mặt hoặc tiền gửi)

5. Hướng dẫn kê khai thuế môn bài qua mạng, qua HTKK

Hướng dẫn kê khai lệ phí môn bài qua mạng, qua HTKK khá dài nên mình đã viết 1 bài riêng để các bạn tiện theo dõi.

Các bạn xem chi tiết bài viết Hướng dẫn kê khai thuế môn bài qua mạng tại đây nhé!

6. Hướng dẫn nộp tiền thuế môn bài qua mạng

Hiện nay Tổng cục thuế vẫn chưa đồng bộ được tất cả các tải khoản về trang thuế điện tử nên mình sẽ hướng dẫn các bạn nộp thuế môn bài hệ thống là http://thuedientu.gdt.gov.vn/etaxnnt/Request.

>>> Xem thêm bài viết hướng dẫn nộp thuế môn bài qua mạng tại đây nhé!

7. Thời hạn nộp thuế

7.1 Cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp... hoạt động từ năm trước

Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 hàng năm.

7.2. Doanh nghiệp, cá nhân mới thành lập trong năm

  • Người nộp thuế là tổ chức, doanh nghiệp... thời hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp Tờ khai phí môn bài. (Tức là ngày cuối cùng của tháng nhận được giấy phép KD)
  • Trường hợp người nộp là cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới ra sản xuất, kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng tiếp theo tháng có phát sinh nghĩa vụ khai thuế theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

8. Mức phạt chậm nộp tờ khai và tiền thuế như thế nào?

8.1 Mức phạt chậm nộp tờ khai

Căn cứ theo thông tư 166/2013/TT-BTC thì mức phạt chậm nộp tờ khai như sau:

  • Phạt cảnh cáo (nếu có tình tiết giảm nhẹ) khi số ngày chậm nộp từ 01 (một) đến 05 (năm) ngày;
  • Phạt tiền từ 400.000 đồng - 1.000.000 đồng khi số ngày chậm nộp từ 01 (một) đến 10 (mười) ngày;
  • Phạt tiền từ 800.000 đồng - 2.000.000 đồng khi số ngày chậm nộp tờ 11 (mười một) đến 20 (hai mươi) ngày;
  • Phạt tiền từ 1.200.000 đồng - 3.000.000 đồng khi số ngày chậm nộp từ 21 (hai mươi mốt) đến 30 (ba mươi) ngày;
  • Phạt tiền từ 1.600.000 đồng - 4.000.000 đồng khi số ngày chậm nộp từ 31 (ba mươi mốt) đến 40 (bốn mươi) ngày;
  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 5.000.000 đồng khi số ngày chậm nộp từ 41 (bốn mươi mốt) đến 90 (chín mươi) ngày;
  • Phạt tiền từ 3.500.000 đồng - 5.000.000 đồng khi số ngày chậm nộp trên 90 (chín mươi) ngày.
  • Số ngày chậm nộp tính từ khi nào? Tính từ khi hết hạn nộp tờ khai.

Ví dụ: Đơn vị bạn thành lập ngày 08/03/2019 - Hạn chậm nhất phải nộp là ngày 31/03/2019 thì số ngày chậm nộp được tính từ ngày 01/04/2019.

8.2 Mức phạt tiền

  • Trước ngày 01/01/2015 trở về trước mức phạt như sau:

- Nếu số ngày chậm nộp < 90 ngày:

Số tiền phạt = Số tiền chậm nộp thuế X 0.05% X Số ngày chậm nộp

- Nếu số ngày chậm nộp > 90 ngày:

Số tiền phạt = Số tiền chậm nộp thuế X 0.07% X (Tổng số ngày chậm nộp - 90)

  • Từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/06/2016 mức phạt như sau:

Số tiền phạt = Số tiền chậm nộp thuế X 0.05% X Số ngày chậm nộp

  • Từ ngày 01/07/2016 mức phạt như sau:

Số tiền phạt = Số tiền chậm nộp thuế X 0.03% X Số ngày chậm nộp

9. Một số câu hỏi thường gặp về thuế môn bài

Hỏi: Chi nhánh có phải nộp lệ phí môn bài không?

Trả lời: Có, chi nhánh phải nộp lệ phí môn bài.

Hỏi: Văn phòng đại điện có phải nộp lệ phí môn bài không?

Trả lời: Trường hợp văn phòng đại diện có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì phải nộp lệ phí môn bài; trường hợp văn phòng đại diện không hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì không phải nộp phí môn bài.

Hỏi: Tạm ngừng kinh doanh có phải nộp lệ phí môn bài hay không?

Trả lời: Nếu tạm ngưng kinh doanh cả năm thì Không phải nộp lệ phí môn bài, nếu tạm ngưng kinh doanh không trọn năm thì Phải nộp phí môn bài.

Như vậy, ES vừa chia sẻ cùng các bạn các vấn đề cơ bản về thuế môn bài rồi nhé. Nếu các bạn có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ các bạn để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết thuế môn bài của chúng tôi.