Bảo hiểm thai sản là gì? Đối tượng nào được hưởng chế độ bảo hiểm thai sản, hồ sơ và thủ tục cần thực hiện để được hưởng trợ cấp thai sản ra sao, ES sẽ chia sẻ đến bạn đọc toàn bộ những quy định liên quan đến bảo hiểm thai sản, mức đóng cũng như cách tính trợ cấp thai sản người lao động được hưởng qua bài viết dưới đây.
- Thay đổi MỚI trong Bảo hiểm xã hội năm 2020
- Mối liên hệ giữa tiền lương, thuế TNDN, thuế TNCN và BHXH hiện nay
- Cách tra cứu thẻ Bảo hiểm y tế MỚI NHẤT
Bài viết bao gồm những nội dung sau:
- #1. Bảo hiểm thai sản là gì?
- #2. Đối tượng được hưởng chế độ thai sản
- #3. Mức đóng bảo hiểm thai sản
- #4. Điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản
- #5. Các trường hợp được hưởng chế độ
- #6. Mức hưởng và cách tính bảo hiểm thai sản
- #7. Hồ sơ hưởng bảo hiểm thai sản
- #8. Thủ tục thanh toán trợ cấp thai sản
- #9. Các câu hỏi thường gặp về bảo hiểm thai sản
#1. Bảo hiểm thai sản là gì?
Bảo hiểm thai sản được hiểu là một trong các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó người sử dụng lao động và người lao động bắt buộc phải tham gia, và người lao động đủ điều kiện được hưởng một khoản trợ cấp thai sản nhất định căn cứ trên thời gian và mức đóng bảo hiểm thai sản.
#2. Đối tượng được hưởng chế độ thai sản
Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội ban hành ngày 20/11/2014, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng trợ cấp thai sản nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Lao động nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con.
#3. Mức đóng bảo hiểm thai sản
Bảo hiểm thai sản hàng tháng do người sử dụng lao động đóng tổng bằng 3% trên tổng quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.
>> Bạn đọc xem thêm tỷ lệ trích đóng bảo hiểm xã hội tại đây!
#4. Điều kiện hưởng bảo hiểm thai sản
Đối với người lao động thuộc các đối tượng trên, cần thêm điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ thai sản, cụ thể như sau:
- Đối với người lao động sinh con hoặc nhận con nuôi: đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước sinh hoặc nhận nuôi con;
- Đối với người lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên, khi mang thai phải nghỉ dưỡng thai (theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh): phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên (trong vòng 12 tháng trước sinh)
- Trường hợp người lao động thỏa mãn điều kiện hưởng chế độ thai sản nhưng nghỉ việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi: người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thai sản như bình thường, tuy nhiên phải tự làm thủ tục hưởng trợ cấp.
#5. Các trường hợp được hưởng chế độ
#5.1 Lao động khám thai trong thời gian mang thai
Nghỉ tối đa 5 lần, tối đa 2 ngày đối với TH xa cơ sở khám hoặc thai có bệnh lý, không bình thường
#5.2 Lao động sảy thai, nạo hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
Lao động thuộc trường hợp này được nghỉ như sau:
- 10 ngày: thai dưới 5 tuần tuổi;
- 20 ngày: thai từ 5 tuần đến dưới 13 tuần tuổi;
- 40 ngày: thai từ 13 tuần đến dưới 25 tuần tuổi;
- 50 ngày: thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
#5.3 Lao động nữ sinh con
Đối với lao động nữ:
- Tổng thời gian nghỉ hưởng chế độ trước và sau sinh là 6 tháng, nghỉ trước sinh tối đa 2 tháng (TH sinh từ 2 con trở lên, thêm 1 con tăng tổng thời gian nghỉ thêm 1 tháng)
- TH sau sinh con chết: nếu con dưới 2 tháng tuổi bị chết: mẹ được nghỉ 4 tháng tính từ ngày sinh, con trên 2 tháng tuổi: mẹ được nghỉ 2 tháng tính từ ngày con chết
(tổng thời gian nghỉ hưởng chế độ trước và sau sinh vẫn đảm bảo điều a) - TH sau sinh mẹ chết:
+ Nếu mẹ tham gia BHXH hoặc cả cha và mẹ đều tham gia: cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ đối với thời gian còn lại của mẹ;
+ Nếu mẹ tham gia BHXH nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH khi sinh con hoặc nhận con nuôi: cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hưởng chế độ thai sản đến khi con đủ 6 tháng tuổi (nếu cha hoặc người trực tiếp nuôi không nghỉ việc: vẫn được nhận chế độ thai sản còn lại của mẹ);
+ Nếu chỉ cha đóng BHXH, mẹ chết sau sinh hoặc không đủ khả năng chăm sóc con: cha hưởng chế độ thai sản đến khi con đủ 6 tháng tuổi.
Đối với lao động nam, được nghỉ:
- Vợ sinh thường: 5 ngày làm việc;
- Vợ sinh mổ hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi: 7 ngày làm việc;
- Vợ sinh đôi: được nghỉ 10 ngày, từ sinh ba trở lên, thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày;
- Vợ sinh mổ hai con: nghỉ 14 ngày
#5.4 Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ
Đối với lao động nữ mang thai hộ: được hưởng các chế độ như lao động nữ sinh con bình thường (tính đến thời điểm giao đứa trẻ cho mẹ): tối đa không quá 6 tháng trước và sau sinh (sinh trên 2 con, tính từ con thứ 2 mỗi con nghỉ tăng thêm 1 tháng). Thời gian hưởng chế độ tính từ ngày sinh đến ngày giao đứa trẻ cho mẹ tối thiểu 60 ngày
Đối với mẹ nhờ mang thai hộ: nghỉ hưởng chế độ từ khi nhận con đến khi con được 6 tháng tuổi
#5.5 Lao động nhận con nuôi
Cha hoặc mẹ được nghỉ cho đến khi con đủ 6 tháng tuổi, đối với TH con nhận nuôi dưới 6 tháng
#5.6 Lao động thực hiện các biện pháp tránh thai
- Nghỉ 7 ngày đối với lao động nữ đặt vòng
- Nghỉ 15 ngày đối với người lao động triệt sản
#6. Mức hưởng và cách tính bảo hiểm thai sản
Mức hưởng và cách tính bảo hiểm thai sản được xác định trong bảng sau:
Mức hưởng chế độ thai sản | TH áp dụng | ||
Mức hưởng một tháng | NLĐ đóng đủ 6 tháng | 100% mức lương tháng đóng BHXH bình quân của 6 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản | + Áp dụng cho mọi trường hợp nghỉ hưởng chế độ thai sản |
NLĐ đóng dưới 6 tháng | Bình quân tiền lương tháng của các tháng đóng BHXH | + Lao động nữ mang thai đi khám thai + Lao động nữ mang thai bị sẩy, nạo, hút thai hoặc phá thai bệnh lý + Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con + Cha và mẹ đóng BHXH hoặc mẹ tham gia BHXH, mẹ chết sau sinh + Chỉ cha tham gia BHXH, mẹ chết sau sinh hoặc mẹ không còn đủ sức khỏe chăm con (có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh) |
|
Mức hưởng một ngày | Mức hưởng chế độ tháng/ 24 ngày | + Lao động nữ mang thai đi khám thai + Lao động nam đang đóng BHXH có vợ sinh con |
|
Mức hưởng chế độ tháng/ 30 ngày | + Phát sinh ngày lẻ khi sinh con hoặc nhận nuôi con + Lao động nữ mang thai bị sẩy, nạo, hút thai hoặc phá thai bệnh lý + Lao động nữ thực hiện các biện pháp tránh thai |
||
Mức hưởng trợ cấp 1 lần | Mức hưởng trợ cấp = Mức lương cơ sở tại tháng sinh con hoặc nhận nuôi con x 2 x số con | + Lao động nữ sinh con + Lao động nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi |
Lưu ý: Lao động nữ khi sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi được hưởng trợ cấp một lần (TH chỉ có cha tham gia bảo hiểm thì cha được trợ cấp một lần), mức hưởng trên một con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng nhận con nuôi.
>> Bạn đọc tham khảo mức lương cơ sở đóng bảo hiểm xã hội mới nhất tại đây!
Ví dụ cụ thể: Chị M đóng bảo hiểm tại công ty A từ t6/2019 đến hết t10/2019, mức lương đóng bảo hiểm là 4.250.000 đồng, nghỉ việc tại công ty A và chuyển sang làm việc tại công ty B từ tháng 02/2020, tháng 4/2020 bắt đầu đóng bảo hiểm, mức đóng 4.750.000 đồng, tháng 7/2020 dự kiến nghỉ sinh. Tháng 8 chị M sinh đôi 1 trai 1 gái.
Tổng thời gian đóng bảo hiểm trước nghỉ trong vòng 12 tháng, tính từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2020 là 8 tháng (từ tháng 6/2019 đến t10/2019 và từ tháng 4/2020 đến tháng 6/2020)
Tổng số tiền trợ cấp thai sản theo quy định được thanh toán của chị M bao gồm trợ cấp một lần và trợ cấp thai sản khi sinh.
Mức trợ cấp một lần được hưởng được tính như sau: 2 x 1.490.000 x 2 = 5.960.000 đồng (với mức lương cơ sở tại tháng 8/2020 là 1.490.000 đồng)
Mức trợ cấp thai sản sinh con được tính như sau: (4.750.000 x 3 + 4.250.000 x 3) = 27.000.000 đồng
Vậy: tổng tiền trợ cấp thai sản chị M được nhận là: 27.000.000 + 5.960.000 = 32.960.000 đồng. Thêm vào đó, chị M sinh đôi nên được nghỉ tổng cộng 7 tháng trước và sau sinh.
#7. Hồ sơ hưởng bảo hiểm thai sản
Đối với mỗi trường hợp nhận trợ cấp thai sản, hồ sơ mà người lao động cần chuẩn bị để được hưởng trợ cấp là khác nhau, cụ thể như sau:
#7.1 Đối với lao động nữ sinh con
Bộ hồ sơ hưởng chế độ thai sản bao gồm:
- Bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con;
- Bản sao giấy chứng tử của con hoặc mẹ (trong TH con hoặc mẹ chết), hoặc trích sao bệnh án của con nếu con chết mà chưa có giấy chứng sinh;
- Giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh TH mẹ sinh xong không đủ khả năng chăm sóc con hoặc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai
#7.2 Đối với lao động nữ khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
- Giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm đối với TH điều trị ngoại trú, hoặc bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với TH điều trị nội trú
#7.3 Đối với người lao động nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi
Trường hợp này, người lao động phải có giấy xác nhận nhận con nuôi chứng minh con nhận nuôi dưới 6 tháng tuổi.
#7.4 Lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con
- Bản sao giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh của con;
- Xác nhận của cơ sở y tế đối với TH sinh con phải phẫu thuật hoặc dưới 32 tuần tuổi.
#8. Thủ tục thanh toán trợ cấp thai sản
Bước 1: Người sử dụng lao động hoặc người lao động làm hồ sơ nộp cơ quan bảo hiểm xã hội
TH1: Người sử dụng lao động làm hồ sơ
Trong vòng 45 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ tương ứng với các trường hợp nêu trên cho doanh nghiệp.
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, doanh nghiệp chịu trách nhiệm nộp các hồ sơ này kèm mẫu 01B-HSB lên cơ quan bảo hiểm thay cho người lao động.
TH2: Người lao động tự làm hồ sơ
Người lao động nộp và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết hồ sơ
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người sử dụng lao động hoặc 5 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động: cơ quan bảo hiểm tiến hành giải quyết và chi trả trợ cấp cho người lao động.
#9. Các câu hỏi thường gặp về bảo hiểm thai sản
Hỏi: Thủ tục hưởng trợ cấp thai sản một lần là gì?
Đáp: Trợ cấp thai sản một lần được trả cùng trợ cấp thai sản khi lao động sinh con hoặc nhận con nuôi, thủ tục tương tự trợ cấp thai sản.
Hỏi: Cá nhân tự làm bảo hiểm thai sản thì làm như thế nào? nhận tiền ở đâu?
Đáp: Cá nhân tự làm thai sản sau nghỉ việc chuẩn bị hồ sơ như trường hợp lao động nữ sinh con, nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội quận/huyện nơi cư trú, chờ giải quyết hồ sơ và nhận tiền như bình thường.
Hỏi: Thời gian nghỉ thai sản có được tính vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội không?
Đáp: Người lao động vẫn được tính khoảng thời gian nghỉ thai sản vào thời gian đóng bảo hiểm xã hội, trừ các trường hợp sau:
TH người lao động kết thúc hợp đồng lao động trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản: không tính.
TH người lao động nghỉ việc hoặc hết thời hạn trên hợp đồng lao động trong thời gian nghỉ thai sản: chỉ tính khoảng thời gian khi hợp đồng lao động còn hiệu lực.
TH người lao động đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản: vẫn được tính khoảng thời gian nghỉ thai sản vào thời gian đóng bảo hiểm, tuy nhiên phải đóng bảo hiểm trở lại từ khi bắt đầu đi làm lại.
Trên đây là toàn bộ quy định về Bảo hiểm thai sản của Hãng kiểm toán ES. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi!