Dịch COVID phát sinh gây ảnh hưởng cả đến doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt , doanh nghiệp gặp khó khăn khi xác định thuế TNDN trong mùa dịch do phát sinh thêm những khoản chi phí bất thường. Hiểu được nỗi lo của doanh nghiệp, Hãng Kiểm toán ES xin chia sẻ trong bài viết dưới đây những khoản chi hay gặp trong mùa COVID và giải pháp đối với các khoản này.

Phần #1: Tại sao cần xác định chi phí được trừ và không được trừ?

Chi phí được trừ hay không được trừ, là thành tố quan trọng để xác định thu nhập tính thuế của doanh nghiệp khi tính thuế TNDN.

Theo công thức xác định khoản thuế TNDN:

CP thuế TNDN = Thuế suất x Thu nhập tính thuế TNDN

Trong đó, thu nhập tính thuế TNDN được hiểu là tổng doanh thu còn lại của doanh nghiệp (bao gồm cả thu nhập khác), sau khi đã trừ đi các khoản thu không phải chịu thuế (thu nhập được miễn thuế) và các khoản làm giảm doanh thu trong kỳ (bao gồm lỗ kết chuyển và chi phí được trừ trong kỳ).

Vậy, để xác định được số thuế TNDN phải nộp, kế toán cần nắm được khoản chi phí nào đủ điều kiện được trừ và không được trừ. Trong bài viết này, ES sẽ làm rõ cho bạn đọc các khoản chi nào được tính là chi phí được trừ, đặc biệt đối với các khoản chi không thường xuyên phát sinh trong giai đoạn dịch COVID hiện nay.

chi-phi-lien-quan-toi-dich-covid-co-duoc-tru
Chi phí liên quan tới dịch Covid có được trừ

Phần #2: Thế nào là Chi phí được trừ

Chi phí được trừ được hiểu là các khoản chi hợp lý của doanh nghiệp, vậy, khoản chi nào của doanh nghiệp được coi là hợp lý? Nhìn chung theo TT78/2014-BTC quy định doanh nghiệp được trừ cho mọi khoản chi thỏa mãn các điều kiện sau:

  • Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
  • Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật
  • Khoản chi mua bán hàng hóa dịch vụ có đủ hóa đơn chứng từ, giá thanh toán từng lần trên 20 triệu đồng khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Phần #3: Các khoản chi không được trừ

Đối với các khoản chi không được trừ, doanh nghiệp có thể kể đến các khoản chính như sau:

  • Các khoản chi thỏa mãn điều kiện được trừ, TRỪ phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và TH bất khả kháng khác không được bồi thường;
  • Chi khấu hao tài sản cố định không thỏa mãn điều kiện được trừ;
  • Phần chi vượt định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu, năng lượng... đối với một số loại nguyên nhiên liệu có định mức do Nhà nước ban hành;
  • Chi phí của DN mua hàng hóa dịch vụ không có hóa đơn được lập Bảng kê thu mua hàng hóa dịch vụ không có hóa đơn nhưng không lập Bảng kê kèm chứng từ thanh toán (chi tiết các TH cụ thể xem tại đây);
  • Tiền thuê tài sản của cá nhân không có đầy đủ hồ sơ chứng từ;
  • Chi lương, thưởng cho lao động đã ghi nhận nhưng chưa chi trả hoặc không có hồ sơ chứng từ hợp lý;
  • Chi trang phục bằng hiện vật và tiền tổng chi quá 5 triệu đồng/người/năm;
  • Chi thưởng sáng kiến, cải tiến doanh nghiệp chưa có quy chế cụ thể và hội đồng nghiệm thu đánh giá;
  • Phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Luật Lao động
  • Chi không đúng đối tượng, không đúng mục đích hoặc vượt mức quy định trong TH chi cho lao động nữ hoặc người dân tộc thiểu số;
  • Chi vượt mức 1 triệu đồng/người/tháng để trích nộp hoặc mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động;
  • Chi trợ cấp mất việc làm trái với quy định hiện hành;
  • Chi đóng góp hình thành nguồn chi phí quản lý cho cấp trên;
  • Chi đóng góp vào các quỹ của Hiệp hội (Hiệp hội hợp pháp) vượt quá mức quy định của Hiệp hội;
  • Chi tiền điện nước đối với các hợp đồng do cá nhân kinh doanh cho thuê ký trực tiếp với đơn vị cung cấp điện nước;
  • Chi thuê TSCĐ vượt mức phân bổ theo số năm mà bên thuê đã trả tiền trước;
  • Chi trả lãi tiền vay của đối tượng không phải tổ chức tín dụng hay tổ chức kinh tế vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước;
  • Chi trả lãi tiền vay tương ứng với phần vốn điều lệ còn thiếu; lãi tiền vay trong quá trình đầu tư đã được vốn hóa vào giá trị tài sản;
  • Khoản chi trích lập dự phòng vượt mức quy định;

>>> Để tham khảo thêm các bài viết về trích lập dự phòng và mức trích lập dự phòng mới nhất, bạn đọc truy cập tại đây!

  • Khoản trích trước theo kỳ hạn, chu kỳ mà hết kỳ hạn, chu kỳ chưa chia hết;
  • Lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ cuối kỳ (các khoản mục bản chất là tài sản)
  • Chi tài trợ cho giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai không đúng đối tượng và không có hồ sơ xác định tài trợ;
  • Tài trợ cho làm nhà cho hộ nghèo chi sai đối tượng hoặc không có hồ sơ xác nhận tài trợ;
  • Chi tài trợ nghiên cứu khoa học không đúng quy định;
  • Chi quản lý do công ty nước ngoài phân bổ tại Việt Nam vượt định mức;
  • Chi được bù đắp bằng nguồn kinh phí khác, chi từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ...
  • Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế;
  • Chi về đầu tư xây dựng cơ bản trong giai đoạn đầu tư hình thành TSCĐ;
  • Khoản chi trực tiếp liên quan đến việc phát hành cổ phiếu và trả cổ tức (trừ cổ phiếu thuộc loại nợ phải trả);
  • Khoản chi cấp quyền khai thác khoáng sản vượt mức thực tế phát sinh;
  • Khoản chi của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán và một số hoạt động đặc thù không thực hiện theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính;
  • Khoản tiền phạt về vi phạm hành chính;
  • Các khoản thuế khác không đủ điều kiện được trừ.

Trên đây là các khoản mục chi phí không được trừ theo tóm tắt của ES.

>>> Để có cái nhìn chi tiết hơn về các trường hợp chi phí không được trừ cụ thể, mời bạn đọc tham khảo tại đây!

Phần #4: Chi phí phát sinh dịch COVID được trừ

Trong giai đoạn dịch COVID, doanh nghiệp có thể phát sinh thêm các khoản chi cho người lao động khó xác định được bản chất có phải là chi phí được trừ hay không, khi đó kế toán cần lưu ý các trường hợp sau

#1. Khoản chi mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng dịch, chi hỗ trợ nhân viên

Trong giai đoạn phòng chống dịch, thực hiện chỉ thị của Nhà nước cách ly xã hội, các doanh nghiệp tiến hành mua khẩu trang, nước rửa tay, các trang thiết bị y tế phục vụ phòng dịch, đồng thời chi các khoản hỗ trợ cải thiện đời sống đối với nhân viên có hoàn cảnh khó khăn. Thực chất khoản chi này được hiểu là khoản chi mang tính chất phúc lợi, căn cứ theo khoản 2.30 điều 6 Thông tư 96/2015-TT-BTC quy định doanh nghiệp được trừ đối với các khoản chi thỏa mãn:

"Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp."

Bên cạnh đó, cục Thuế thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 44403/CT-TTHT trả lời cho trường hợp này và khẳng định: doanh nghiệp được trừ khoản chi mua trang thiết bị vật tư phòng dịch, chi hỗ trợ nhân viên với tính chất chi phúc lợi, tổng chi được trừ không vượt quá một tháng lương bình quân thực tế thực hiện.

>>> Bạn đọc tham khảo cụ thể Công văn số 44403/CT-TTHT của cục Thuế Hà Nội tại đây!

#2. Khoản chi phục vụ cách ly cho cán bộ chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam làm việc

Đối với các doanh nghiệp FDI, các chuyên gia nước ngoài thường xuyên phải di chuyển sang Việt Nam phục vụ hoạt động kinh doanh. Do dịch COVID phát sinh, các chuyên gia nước ngoài bắt buộc phải cách ly tập trung 14 ngày trước gia nhập vào xã hội (trừ trường hợp thời gian lưu trú tại Việt Nam dưới 14 ngày), vì thế doanh nghiệp phải đối mặt với các khoản chi trả chi phí cách ly cho người nước ngoài sang Việt Nam làm việc. Trả lời cho trường hợp này, cục Thuế tỉnh Bắc Ninh ban hành Công văn số 2220/CT-TTHT nêu rõ: cán bộ chuyên gia người nước ngoài sang Việt Nam làm việc thực hiện cách ly theo quy định, công ty chịu trách nhiệm chi trả chi phí cách ly cho tổ chức cách ly, đồng thời khoản chi này nếu có đủ hóa đơn chứng từ hợp lý thì được tính là chi phí được trừ của doanh nghiệp.

>>> Chi tiết Công văn số 2220/CT-TTHT trả lời của cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, bạn đọc xem tại đây!

#3. Khoản chi đóng góp ủng hộ phòng chống dịch COVID

Đối với khoản chi đóng góp, ủng hộ hoạt động chống dịch COVID của doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 05 năm 2020 có đề cập: doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với các khoản chi ủng hộ phòng chống dịch, có thể hiểu rằng, khoản chi hỗ trợ của doanh nghiệp cho hoạt động phòng chống dịch COVID được đối xử tương tự như khoản chi hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ, và được trừ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  1. Khoản chi đảm bảo thỏa mãn điều kiện chi phí được trừ
  2. Khoản chi có thể thể hiện dưới dạng tiền hoặc hiện vật, tuy nhiên cần đảm bảo chi cho tổ chức có chức năng huy động hỗ trợ (chi đúng đối tượng)
  3. Đảm bảo đầy đủ hồ sơ chứng minh khoản chi hỗ trợ hoạt động chống dịch: biên bản xác nhận khoản tài trợ có xác minh của đại diện doanh nghiệp, đại diện đơn vị nhận tài trợ kèm hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa (nếu tài trợ bằng hiện vật) và phiếu chi, ủy nhiệm chi (nếu tài trợ bằng tiền).

ES vừa tổng hợp cho bạn đọc các khoản chi thường gặp của doanh nghiệp trong giai đoạn dịch COVIDđiều kiện để các khoản chi này được trừ khi tính thuế TNDN.

Hãng Kiểm toán ES (https://esaudit.com.vn/) xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý bạn đọc thời gian qua đã ủng hộ chúng tôi. Nếu có vấn đề chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/.