Quyết toán thuế là gì? Quyết toán thuế TNDN là gì? Lập tờ khai thuế TNDN năm 2020 cần chú ý những điểm gì và 05 ĐIỂM lưu ý quan trọng cho kỳ quyết toán thuế TNDN năm 2020 là gì? Tất cả các thắc mắc của bạn sẽ có trong nội dung bài viết dưới đây của ES.
I. Quyết toán thuế là gì? Quyết toán thuế TNDN là gì?
Quyết toán thuế là gì? Quyết toán thuế là việc cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế kiểm tra thực hiện nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp. Nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp bao gồm tất cả các loại thuế mà doanh nghiệp có nghĩa vụ bao gồm: Thuế TNDN, thuế TNCN, thuế GTGT, thuế môn bài...
Trong phạm vi bài viết này, ES cùng các bạn trao đổi về vấn đề quyết toán đối với thuế TNDN. Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu xem Quyết toán thuế TNDN là gì? Quyết toán thuế TNDN được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền cử cán bộ xuống thực hiện thanh, kiểm tra hồ sơ khai thuế của đơn vị, doanh nghiệp. Như vậy chúng ta có thể nhận thấy rằng, hồ sơ khai quyết toán thuế và hồ sơ liên quan là rất quan trọng khi QTT TNDN.
Vậy hồ sơ khai khai quyết toán thuế và những hồ sơ liên quan bao gồm những gì?
II. Hồ sơ khai quyết toán thuế và những hồ sơ liên quan khi quyết toán thuế TNDN
Hồ sơ khai quyết toán thuế là những hồ sơ bắt buộc phải gửi cho cơ quan thuế khi quyết toán năm tài chính. Hồ sơ này thường bao gồm:
1. Báo cáo tài chính
Với các loại hình doanh nghiệp khác nhau thì báo cáo nộp là không giống nhau tuy nhiên cơ bản chia ra làm 04 loại báo cáo tài chính như sau:
+) Thông tư 200/2014/TT-BTC;
+) Thông tư 133/2016/TT-BTC;
+) Thông tư 132/2018/TT-BTC;
+) Báo cáo tài chính cho doanh nghiệp siêu nhỏ.
>>>Xem thêm hướng dẫn cách lập Báo cáo tài chính tại đây nhé!
Ngoài ra với rất nhiều doanh nghiệp bắt buộc kiểm toán thì ngoại trừ Báo cáo tài chính ra còn nộp bổ sung báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
>>> Xem thêm các đối tượng bắt buộc kiểm toán báo cáo tài chính tại đây nhé!
2. Tờ khai quyết toán thuế TNDN và phụ lục đi kèm (nếu có)
Hiện nay tờ khai QTT TNDN đang sử dụng là tờ khai theo mẫu số 03/TNDN theo thông tư số 151/2014/TT-BTC của Bộ tài chính.
Đi kèm cùng tờ khai này còn có rất nhiều phụ lục khác bao gồm:
+) Phụ lục kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó: Doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất, thương mại, dịch vụ theo Mẫu số: 03-1A/TNDN; Doanh nghiệp ngành ngân hàng, tín dụng theo Mẫu số 03-1B/TNDN; Công ty chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán theo Mẫu số 03-1C/TNDNPhụ lục chuyển lỗ theo Mẫu số 03-2/TNDN;
+) Phụ lục ưu đãi thuế TNDN: Ưu đãi thuế TNDN đối với cơ sở kinh doanh thành lập mới từ dự án đầu tư (DAĐT), cơ sở kinh doanh chuyển địa điểm, DAĐT mới theo Mẫu số 03-3A/TNDN; Ưu đãi thuế TNDN đối với đầu tư mở rộng theo Mẫu số 03-3B/TNDN; Ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp sử dụng lao động dân tộc thiểu số, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng từ 10 đến 100 lao động nữ (số LĐ nữ chiếm trên 50% tổng số lao động có mặt, sử dụng thường xuyên) hoặc sử dụng trên 100 LĐ nữ (số LĐ nữ chiếm trên 30% số LĐ có mặt thường xuyên) theo Mẫu số 03-3C/TNDN;
+) Phụ lục số thuế TNDN đã nộp tại nước ngoài (đối với doanh nghiệp có phát sinh thu nhập ngoài nước) được trừ trong kỳ tính thuế theo mẫu số 03-4/TNDN;
+) Phụ lục thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản theo Mẫu số 03-5/TNDN;
+) Phụ lục tính nộp thuế TNDN của doanh nghiệp có đơn vị sản xuất hạch toán phụ thuộc có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khác với địa phương nơi đặt trụ sở chính theo mẫu số 03-8/TNDN;
+) Đặc biệt từ năm 2017 bổ sung thêm 04 phụ lục kê khai với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết bao gồm: Phụ lục 01: Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết; Phụ lục 02: Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ quốc gia; Phụ lục 03: Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ toàn cầu; Phụ lục 04: Kê khai thông tin báo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
>>> Xem thêm các bên có quan hệ liên kết tại đây nhé!
3. Một số hồ sơ liên quan khác
Hồ sơ liên quan khác ở đây bao gồm: Sổ sách, Hóa đơn, Chứng từ đầu ra đầu vào của đơn vị, Hợp đồng mua bán....
Như vậy để nộp được tờ khai QTT TNDN các bạn cần phải tính được số thuế TNDN để lên được tờ khai quyết toán. Vậy thuế TNDN được tính như thế nào?
III. Cách xác định thuế TNDN phải nộp
1. Xác định thuế TNDN phải nộp
Căn cứ theo Thông tư 78/2014/TT-BTC Hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NĐ-CP và được sửa đổi ở thông tư 96/2015/TT-BTC thì thuế TNDN được xác định như sau:
Thuế TNDN phải nộp = ((Thu nhập tính thuế - Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có)) X Thuế suất thuế TNDN
Tuy nhiên năm 2020, Nghị quyết 116/2020/QH14 ban hành ngày 19 tháng 06 năm 2020 để giảm thuế 30% TNDN phải nộp cho các doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng. Như vậy năm 2020, các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện trên sẽ được giảm 30% với thuế TNDN phải nộp.
VD: Thu nhập tính thuế năm 2020 của Công ty TNHH Kiểm toán ES là 1.680.000.000 đồng.
Thuế suất thuế TNDN là 20%. Tính thuế TNDN phải nộp của công ty ES phải nộp trong năm 2020.
(Giả sử ngoại trừ giảm thuế theo Nghị định 116/2020; ES không có khoản ưu đãi, giảm thuế nào khác)
Thuế TNDN = 1.680.000.000 * 20%= 336.000.000 đồng
Thuế TNDN miễn giảm theo Nghị định 116/2020 là: 336.000.000 *30% = 100.800.000 đồng
Thuế TNDN phải nộp của Công ty ES-GLCOAL là: 336.000.000 - 100.800.000 = 235.200.000 đồng
2. Xác định thu nhập tính thuế
Thu nhập tính thuế được xác định như sau:
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển theo quy định)
>>> Xem thêm các khoản thu nhập được miễn thuế tại đây nhé!
3. Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Thu nhập chịu thuế = Doanh thu - Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được xác định như sau:
Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
>>> Xem thêm chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thuế TNDN tại đây nhé!
IV. Hướng dẫn lên tờ khai Quyết toán thuế TNDN năm 2020
Như ES đã trình bày ở trên thì tờ khai QTT TNDN được lập theo mẫu số 03-TNDN và kèm với các phụ lục của nó. Để lên được tờ khai này các bạn cần xác định được lợi nhuận, thuế suất áp dụng và thuế suất được hưởng ưu đãi, các khoản điều chỉnh tăng, giảm thuế trong năm.
>>> Xem thêm Hướng dẫn lên tờ khai Quyết toán thuế TNDN tại đây nhé!
V. Các lưu ý quan trọng khi làm Quyết toán thuế TNDN cho năm 2020
1. Số liệu giữa tờ khai QTT TNDN và Báo cáo tài chính không khớp nhau.
Nghe đúng là thấy vô lý nhưng đã có rất nhiều trường hợp khi nộp Quyết toán thuế và Báo cáo tài chính các bạn không đối chiếu chúng với nhau. Vì vậy trước khi nộp các bạn nên kiểm tra, đối chiếu trước khi gửi tới cơ quan thuế. Chậm mà chắc còn hơn bạn nhé.
2. Xác định sai thuế suất được hưởng ưu đãi
Khi Kiểm toán cho khách hàng, ES đã gặp rất nhiều trường hợp kế toán hiểu không đúng về khoảng thời gian ưu đãi thuế hoặc hiểu sai nội dung của ưu đãi thuế dẫn tới tính thiếu số tiền thuế TNDN phải nộp. Vì vậy, nếu cần hãy tham khảo ai đó mà các bạn tin tưởng và cũng đừng ngại gọi cho ES để được nhận các tư vấn hoàn toàn miễn phí nhé.
3. Xác định sai, thiếu khoản chi phí không được trừ
Đây là một lỗi rất hay gặp phải của các bạn kế toán nhất là với sự thay đổi về luật như hiện nay. Tốt nhất là các bạn nên tạo 1 TK riêng để quản lý chi phí đó hoặc tạo 1 File theo dõi các khoản chi phí này. Cuối năm khi thực hiện QTT TNDN thì kiểm tra lại, đối chiếu chúng với nhau.
4. Kết chuyển lỗ bị sai
Đây cũng là một lỗi rất quan trọng mà kế toán thường mắc phải. Lỗi này gặp phải thường do hiểu sai về kết chuyển lỗ hoặc trên biên bản thanh, kiểm tra có điều chỉnh giảm chi phí được trừ dẫn tới giảm lỗ cho các năm sau nhưng kế toán không biết điều chỉnh để thực hiện giảm lỗ được kết chuyển cho các năm sau.
5. Doanh nghiệp có quan hệ liên kết mà không thực hiện kê khai, lập hồ sơ giao dịch liên kết
Đây là một lỗi rất quan trọng đối với kế toán. Vì nếu vi phạm lỗi này doanh nghiệp bị Cơ quan thuế ấn định mức giá; tỷ suất lợi nhuận; tỷ lệ phân bổ lợi nhuận được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Như vậy, nếu doanh nghiệp của bạn thuộc trường hợp phải kê khai, lập hồ sơ giao dịch liên kết thì cần làm ngay nhé.
>>> Xem thêm rủi ro trong giao dịch liên kết tại đây nhé!
VI. Câu hỏi thường gặp
Hỏi: Có được nộp lại tờ khai quyết toán thuế TNDN hay không?
Trả lời: Có, doanh nghiệp được phép nộp lại tờ khai QTT TNDN nếu phát hiện ra sai sót ảnh hưởng đến số liệu trên tờ khai.
Hỏi: Thời hạn nộp Quyết toán thuế là khi nào?
Trả lời: Trước ngày 1/7/2020: Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm chậm nhất là ngày thứ 90 (chín mươi), kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 thì: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm.
Trên đây là những chia sẻ của Hãng kiểm toán ES về quyết toán thuế, hồ sơ quyết toán thuế cũng như những lưu ý quan trọng khi quyết toán thuế TNDN năm 2020. Hi vọng bài viết giúp các bạn nắm vững lại quyết toán thuế TNDN cũng như lưu ý khi thực hiện quyết toán thuế. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cám ơn bạn đã theo dõi.