Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng là gì? Mức trích lập dự phòng đối với các khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng mới nhất hiện nay là bao nhiêu? Hãng kiểm toán ES xin được chia sẻ cùng bạn đọc qua bài viết dưới đây.

    du-phong-bao-hanh-cong-trinh
    Dự phòng bảo hành công trình

    I. Dự phòng bảo hành sản phẩm, công trình xây dựng là gì?

    Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng là dự phòng chi phí cho những sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng đã bán, đã cung cấp hoặc đã bàn giao cho người mua nhưng doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện theo hợp đồng hoặc theo cam kết với khách hàng.

    II. Nguyên tắc trong trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng

    • Các khoản dự phòng quy định tại Thông tư 48/2019/TT-BTC được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ báo cáo năm để bù đắp tổn thất có thể xảy ra trong kỳ báo cáo năm sau; đảm bảo cho doanh nghiệp phản ánh giá trị của các khoản nợ phải thu không cao hơn giá trị có thể thu hồi được tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm.
    • Thời điểm trích lập và hoàn nhập các khoản dự phòng là thời điểm lập báo cáo tài chính năm.
    • Doanh nghiệp xem xét, quyết định việc xây dựng quy chế về quản lý công nợ để hạn chế các rủi ro trong kinh doanh, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, từng người trong việc theo dõi, quản lý vật tư, hàng hoá, thu hồi công nợ.

    III. Đối tượng và điều kiện lập dự phòng

    Thông tư 48/2019/TT-BTC Hướng dẫn về trích lập các khoản dự phòng quy định đối tượng và điều kiện lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và công trình xây dựng bao gồm: Những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng do doanh nghiệp thực hiện đã bán, đã cung cấp hoặc đã bàn giao cho người mua còn trong thời hạn bảo hành và doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải tiếp tục sửa chữa, hoàn thiện, bảo hành theo hợp đồng hoặc cam kết với khách hàng.

    IV. Mức trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và công trình xây dựng

    Doanh nghiệp dự kiến mức tổn thất để trích lập dự phòng bảo hành sản phấm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng đã tiêu thụ và dịch vụ đã cung cấp trong năm và tiến hành lập dự phòng cho từng loại sản phấm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng có cam kết bảo hành.

    Tổng mức trích lập dự phòng bảo hành của các sản phấm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng theo cam kết với khách hàng nhưng tối đa không quá 5% tổng doanh thu tiêu thụ trong năm đối với các sản phấm, hàng hoá, dịch vụ và không quá 5% trên giá trị hợp đồng đối với các công trình xây dựng.

    trich-lap-du-phong-bao-hanh-san-pham-cong-trinh
    Công thức tính mức trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, công trình

    V. Xử lý khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và công trình xây dựng

    Tại thời điểm lập báo cáo tài chính năm, căn cứ tình hình tiêu thụ, bàn giao sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng và các cam kết bảo hành tại hợp đồng hoặc các văn bản quy định liên quan, doanh nghiệp thực hiện trích lập dự phòng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Thông tư 48/2019/TT-BTC và các quy định sau:

    • Nếu số dự phòng phải trích lập = (bằng) số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước, doanh nghiệp không được trích lập bổ sung thêm.
    • Nếu số dự phòng phải trích lập > (lớn) số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước, doanh nghiệp trích được trích lập bổ sung số chênh lệch và ghi nhận vào chi phí trong kỳ.
    • Nếu số dự phòng phải trích lập < (nhỏ) số dư khoản dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng đã trích lập ở báo cáo năm trước, doanh nghiệp thực hiện hoàn nhập phần chênh lệch và ghi giảm chi phí trong kỳ.
    • Hết thời hạn bảo hành, nếu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng không phải bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công trình xây dựng lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số dư còn lại được hoàn nhập vào thu nhập trong kỳ của doanh nghiệp.

    VI. Hồ sơ để trích lập dự phòng gồm những gì?

    Hồ sơ để trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và công trình xây dựng bao gồm:

    • Hợp đồng giữa các bên trong đó quy định rõ về điều kiện, cam kết bảo hành;
    • Biên bản nghiệm thu giữa các bên để xác định thời gian xem còn phải bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hay công trình xây dựng hay không?
    • Cam kết bảo hành trong một số văn bản có liên quan như: Phụ lục hợp đồng...

    Trên đây là chia sẻ của Hãng kiểm toán ES (https://esaudit.com.vn/) về Quy định về trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và công trình xây dựng theo Thông tư mới nhất.

    Cám ơn các bạn đã theo dõi bài viết.

    Xem thêm:

    Quy định về trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi

    Quy định về trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho