Thẩm định giá là gì? Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hiện nay có những tiêu chuẩn nào, mục đích và nguồn gốc hình thành của các tiêu chuẩn đó như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Hãng Kiểm toán ES .

Trước tiên các bạn lướt qua bên dưới để xem tổng quan về hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hiện nay nhé.

Mục lục

#1. Thẩm định giá là gì? Chứng thư thẩm định giá là gì? Báo cáo thẩm định giá là gì?

#1.1 Thẩm định giá là gì?

Căn cứ theo Luật giá số 11/2012/QH13 năm 2012 thì Thẩm định giá là việc cơ quan, tổ chức có chức năng thẩm định giá xác định giá trị bằng tiền của các loại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định theo tiêu chuẩn về thẩm định giá.

Thẩm định giá có tên gọi tiếng anh là Price appraisal.

#1.2 Chứng thư thẩm định giá là gì?

Chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp, công ty thẩm định giá lập với mục đích thông báo cho khách hàng và những cá nhân, tổ chức có liên quan về những nội dung bắt buộc phải có của báo cáo kết quả thẩm định giá.

Chứng thư thẩm định tiếng anh là Valuation Certificate.

>>> Xem thêm các thông tin đối với chứng thư thẩm định giá tại đây nhé!

#1.3 Báo cáo kết quả thẩm định giá là gì?

Báo cáo kết quả thẩm định giá là văn bản do tổ chức, công ty thẩm định giá lập mà trong đó nêu rõ quá trình của công việc thẩm định giá, kết quả thẩm định giá và ý kiến của công ty thẩm định giá về giá trị của tài sản được thẩm định để khách hàng và các cá nhân, tổ chức có liên quan có căn cứ sử dụng cho các mục đích được ghi trong hợp đồng thẩm định giá.

Các nội dung chi tiết của báo cáo kết quả thẩm định giá sẽ được thay đổi tùy theo đối tượng thẩm định giá, mục đích, các yêu cầu tiến hành thẩm định và theo yêu cầu của từng khách hàng. Tuy nhiên về cơ bản một báo cáo kết quả thẩm định giá phải gồm các nội dung sau:

  • Tên, loại tài sản;
  • Nguồn gốc của tài sản (máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ…);
  • Vị trí của bất động sản (đất đai, nhà cửa và công trình kiến trúc khác);
  • Tên, địa chỉ, số điện thoại, số Fax của khách hàng yêu cầu thẩm định giá;
  • Ngày tháng năm thẩm định giá;
  • Tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax của doanh nghiệp, tổ chức thẩm định giá hoặc chi nhánh;
  • Họ và tên thẩm định viên lập báo cáo thẩm định giá;
  • Họ và tên, chữ ký của giám đốc doanh nghiệp, người đứng đầu công ty thẩm định giá hoặc phụ trách chi nhánh.

#2. Khát quát về hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam hiện nay

he-thong-tieu-chuan-tham-dinh-gia-viet-nam

Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam (TĐG VN) hiện nay được ban hành qua 06 đợt với 13 tiêu chuẩn thẩm định. Chi tiết 13 tiêu chuẩn bao gồm:

Hệ thống 13 tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam
Tiêu chuẩn TĐG VN số 01Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá
Tiêu chuẩn TĐG VN số 02Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá
Tiêu chuẩn TĐG VN số 03Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá
Tiêu chuẩn TĐG VN số 04Những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá
Tiêu chuẩn TĐG VN số 05Quy trình thẩm định giá
Tiêu chuẩn TĐG VN số 06Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá
Tiêu chuẩn TĐG VN số 07Phân loại tài sản trong thẩm định giá
Tiêu chuẩn TĐG VN số 08Cách tiếp cận từ thị trường
Tiêu chuẩn TĐG VN số 09Cách tiếp cận từ chi phí
Tiêu chuẩn TĐG VN số 10Cách tiếp cận từ thu nhập
Tiêu chuẩn TĐG VN số 11Thẩm định giá bất động sản
Tiêu chuẩn TĐG VN số 12Thẩm định giá doanh nghiệp
Tiêu chuẩn TĐG VN số 13Thẩm định giá tài sản vô hình

Với các tiêu chuẩn trên thì việc ban hành là không đồng thời, trải qua từ năm 2014 - 2017 thì mới ban hành hết. Bạn cùng ES đi tìm hiểu quyết định và mục đích ban hành của từng hệ thống tiêu chuẩn nhé. 

#3. Bộ hệ thống tiêu chuẩn về thẩm định giá việt nam ban hành đợt 01

Ngày 27 tháng 10 năm 2014, Bộ tài chính ban hành Thông tư số 158/2014/TT-BTC kèm theo 04 (bốn) Tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam có số hiệu và tên gọi như sau:

  • Tiêu chuẩn TĐG VN số 01 – Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá;
  • Tiêu chuẩn TĐG VN số 02 – Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá;
  • Tiêu chuẩn TĐG VN số 03 – Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá;
  • Tiêu chuẩn TĐG VN số 04 – Những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá.

#3.1 Tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam số 01 – Những quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá

Quy định chung của tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam số 01 nhằm mục đích đưa ra phạm vi điều chỉnh về những quy tắc đạo đức chi phối thẩm định viên về giá hành nghề, doanh nghiệp thẩm định giá trong quá trình hành nghề thẩm định giá và các đối tượng áp dụng của tiêu chuẩn này áp dụng đối với thẩm định viên về giá hành nghề, công ty thẩm định giá, các tổ chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật Giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá 01 - Quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá tại đây nhé!

#3.2 Tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam số 02 – Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá

Mục đích ban hành của tiêu chuẩn Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá đó là khống chế về phạm vi điều chỉnh về giá trị thị trường của tài sản và việc vận dụng giá trị thị trường khi tiến hành thẩm định giá tài sản và đối tượng áp dụng là các thẩm định viên về giá hành nghề, công ty thẩm định giá, các tổ chức và cá nhân khác thực hiện hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật Giá và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 02 – Giá trị thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá tại đây nhé!

#3.3 Tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam số 03 – Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá

Tiêu chuẩn này đưa ra định nghĩa về giá trị phi thị trường là mức giá ước tính của một tài sản tại thời điểm, địa điểm thẩm định giá, không phản ánh giá trị thị trường mà căn cứ vào đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, chức năng, công dụng của tài sản, những lợi ích mà tài sản mang lại trong quá trình sử dụng, giá trị đối với một số người mua đặc biệt, giá trị khi giao dịch trong điều kiện hạn chế, giá trị đối với một số mục đích thẩm định giá đặc biệt và các giá trị không phản ánh giá trị thị trường khác và đưa ra quy định về giá trị phi thị trường của tài sản và việc vận dụng giá trị phi thị trường khi tiến hành thẩm định giá.

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 03 – Giá trị phi thị trường làm cơ sở cho thẩm định giá tại đây nhé!

#3.4 Tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam số 04 – Những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá

Tiêu chuẩn này quy định 11 nguyên tắc xác định giá trị của tài sản và hướng dẫn nguyên tắc khi tiến hành thẩm định giá bao gồm:

  • Nguyên tắc sử dụng tốt nhất và có hiệu quả nhất;
  • Nguyên tắc cung - cầu;
  • Nguyên tắc thay đổi;
  • Nguyên tắc thay thế;
  • Nguyên tắc cân bằng;
  • Nguyên tắc thu nhập tăng hoặc giảm;
  • Nguyên tắc phân phối thu nhập;
  • Nguyên tắc đóng góp;
  • Nguyên tắc phù hợp;
  • Nguyên tắc cạnh tranh;
  • Nguyên tắc dự tính lợi ích tương lai;

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 04 – Những nguyên tắc kinh tế chi phối hoạt động thẩm định giá tại đây nhé!

#4. Hệ thống tiêu chuẩn về thẩm định giá ban hành đợt 2

Ngày 06 tháng 03 năm 2015 Bộ tài chính ban hành Thông tư số 28/2015/TT-BTC về việc ban hành và công bố thêm 03 tiêu chuẩn đợt 2. Số hiệu và tên của 03 tiêu chuẩn đợt 2 bao gồm:

  • Tiêu chuẩn TĐG VN số 05 - Quy trình thẩm định giá;
  • Tiêu chuẩn TĐG VN số 06 - Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá;
  • Tiêu chuẩn TĐG VN số 07 - Phân loại tài sản trong thẩm định giá.

#4.1 Tiêu chuẩn TĐG VN số 05 - Quy trình thẩm định giá

Tiêu chuẩn này quy định và hướng dẫn thực hiện quy trình thẩm định giá khi thẩm định giá theo quy định của pháp luật bao gồm các bước sau:

  • Bước 1. Xác định tổng quát về tài sản cần thẩm định giá và xác định giá trị thị trường hoặc phi thị trường làm cơ sở thẩm định giá.
  • Bước 2. Lập kế hoạch thẩm định giá.
  • Bước 3. Khảo sát thực tế, thu thập thông tin.
  • Bước 4. Phân tích thông tin.
  • Bước 5. Xác định giá trị tài sản cần thẩm định giá.
  • Bước 6. Lập báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và gửi cho khách hàng, các bên liên quan.

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 – Quy trình thẩm định giá tại đây nhé!

#4.2 Tiêu chuẩn TĐG VN số 06 - Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá

Tiêu chuẩn này quy định nội dung và thể thức của báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá trong hoạt động thẩm định giá tài sản theo quy định của pháp luật. Báo cáo kết quả thẩm định giá phải thể hiện thông tin đúng theo thực tế, mang tính mô tả và dựa trên bằng chứng cụ thể để thuyết minh về mức giá của tài sản cần thẩm định giá

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 06 – Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá tại đây nhé!

#4.3 Tiêu chuẩn TĐG VN số 07 - Phân loại tài sản trong thẩm định giá

Tiêu chuẩn đưa quy định về phân loại tài sản và hướng dẫn thực hiện phân loại tài sản trong quá trình thẩm định giá.

Tài sản có thể được phân chia theo các cách sau:

  • Phân loại theo khả năng di dời, tài sản được chia thành: bất động sản và động sản;
  • Phân loại theo đặc tính vật chất và hình thức mang giá trị, tài sản được chia thành: tài sản hữu hình, tài sản vô hình và tài sản tài chính.

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 07 – Phân loại tài sản trong thẩm định giá tại đây nhé!

#5. Hệ thống tiêu chuẩn về thẩm định giá ban hành đợt 3

Trong đợt 3 này, Bộ tài chính chỉ ban hành 01 Tiêu chuẩn về thẩm định giá đó là Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07 tháng 01 năm 2014 đó là tiêu chuẩn về thẩm định giá số 13 - thẩm định giá tài sản vô hình.

(*) Tiêu chuẩn TĐG VN số 13 - Thẩm định giá tài sản vô hình

Tiêu chuẩn nhằm đưa ra các quy định và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá tài sản vô hình để phục vụ cho các mục đích mua, bán, chuyển nhượng, thế chấp, hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp, góp vốn, phân chia lợi nhuận, tranh chấp và tố tụng phá sản và các mục đích khác theo quy định của pháp luật.

>>> Xem chi tiết tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 13 - Thẩm định giá tài sản vô hình tại đây nhé!

#6. Hệ thống tiêu chuẩn về thẩm định giá ban hành đợt 4

Ngày 20 tháng 08 năm 2015, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 126/2015/TT-BTC để ban hành thêm 03 (ba) Tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam có số hiệu và tên gọi như sau:

  • Tiêu chuẩn TĐG VN số 08 - Cách tiếp cận từ thị trường;
  • Tiêu chuẩn TĐG VN số 09 - Cách tiếp cận từ chi phí;
  • Tiêu chuẩn TĐG VN số 10 - Cách tiếp cận từ thu nhập.

#6.1 Tiêu chuẩn TĐG VN số 08 - Cách tiếp cận từ thị trường

Cách tiếp cận từ thị trường được hiểu là đưa ra cách xác định về giá trị của tài sản thẩm định giá thông qua việc đưa ra so sánh tài sản thẩm định giá với các tài sản khác giống hệt hoặc tương tự đã có các thông tin về giá trên thị trường. Ngoài ra, tiêu chuẩn này còn quy định và hướng dẫn thực hiện cách tiếp cận từ thị trường trong quá trình thẩm định giá tài sản.

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 08 - Cách tiếp cận từ thị trường tại đây nhé!

#6.2 Tiêu chuẩn TĐG VN số 09 - Cách tiếp cận từ chi phí

Tiêu chuẩn đưa ra các quy định và hướng dẫn thực hiện cách tiếp cận từ chi phí trong quá trình thẩm định giá đối với tất cả các loại tài sản. Trong trường hợp có Tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam áp dụng riêng cho một nhóm tài sản cụ thể thì áp dụng tiêu chuẩn về thẩm định giá riêng đó.

Cách tiếp cận từ chi phí là cách thức xác định giá trị của tài sản thẩm định giá thông qua chi phí tạo ra một tài sản có chức năng, công dụng giống hệt hoặc tương tự với tài sản thẩm định giá và hao mòn của tài sản thẩm định giá.

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 09 - Cách tiếp cận từ chi phí tại đây nhé!

#6.3 Tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam số 10 - Cách tiếp cận từ thu nhập

Ngoài việc đưa ra định nghĩa cách tiếp cận từ thu nhập là cách thức xác định giá trị của tài sản thông qua việc quy đổi dòng tiền trong tương lai có được từ tài sản về giá trị hiện tại; tiêu chuẩn còn đưa ra quy định và hướng dẫn thực hiện cách tiếp cận từ thu nhập trong quá trình thẩm định giá đối với tất cả các loại tài sản. Trường hợp có Tiêu chuẩn về thẩm định giá Việt Nam áp dụng riêng cho một nhóm tài sản cụ thể thì áp dụng theo Tiêu chuẩn về thẩm định giá riêng đó

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 10 - Cách tiếp cận từ thu nhập tại đây nhé!

#7. Hệ thống tiêu chuẩn về thẩm định giá ban hành đợt 5

Tương tự như đợt ban hành số 3 thì đợt ban hành này Bộ Tài Chính Thông tư số 145/2016/TT-BTC ngày 6 tháng 10 năm 2016 ban hành tiêu chuẩn về thẩm định giá việt nam số 11 - thẩm định giá bất động sản.

(*) Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11 - Thẩm định giá bất động sản

Tiêu chuẩn này quy định và hướng dẫn thực hiện thẩm định giá bất động sản. Khi tiến hành thẩm định giá bất động sản, thẩm định viên có thể áp dụng các cách tiếp cận và phương pháp thẩm định giá tại Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam về cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập theo từng trường hợp áp dụng cụ thể. Ngoài ra, thẩm định viên có thể áp dụng phương pháp chiết trừ và phương pháp thặng dư quy định tại điểm 3 và điểm 4 tiêu chuẩn số 11 để xác định giá trị quyền sử dụng đất. Phương pháp chiết trừ và phương pháp thặng dư được xây dựng trên cơ sở kết hợp cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập.

Đối với từng phương pháp thẩm định giá, thẩm định viên lựa chọn các thông tin thu thập nhằm đảm bảo tính chính xác của kết quả thẩm định giá. Mẫu phiếu thu thập thông tin bất động sản tham khảo tại Phụ lục số 3 kèm theo Tiêu chuẩn thẩm định số 11.

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 11 - Thẩm định giá bất động sản tại đây nhé!

#8. Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá ban hành đợt 6

Ngày 15 tháng 11 năm 2017 Bộ Tài Chính ban hành Thông tư số 122/2017/TT-BTC để ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá số 12 - Thẩm định giá doanh nghiệp. Đây là tiêu chuẩn thẩm định giá cuối cùng hiện nay.

(*) Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 - Thẩm định giá doanh nghiệp

Cơ sở giá trị doanh nghiệp là cơ sở giá trị thị trường hoặc cơ sở giá trị phi thị trường. Cơ sở giá trị doanh nghiệp được xác định trên cơ sở mục đích thẩm định giá, đặc điểm pháp lý, đặc điểm kinh tế - kỹ thuật và đặc điểm thị trường của doanh nghiệp cần thẩm định giá, yêu cầu của khách hàng thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá và quy định của pháp luật có liên quan. Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Tiêu chuẩn TĐG VN số 2 và số 3.

Căn cứ vào triển vọng thực tế của doanh nghiệp, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp, mục đích thẩm định giá và quy định của pháp luật, thẩm định viên đưa ra nhận định về tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch (thực tế hoặc giả thiết) của doanh nghiệp cần thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá. Thông thường giá trị của doanh nghiệp là giá trị doanh nghiệp hoạt động liên tục. Trong trường hợp thẩm định viên nhận định rằng doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động sau thời điểm thẩm định giá thì giá trị của doanh nghiệp sẽ là giá trị doanh nghiệp hoạt động có thời hạn hoặc giá trị thanh lý.

Việc áp dụng các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp cần phù hợp với cơ sở giá trị doanh nghiệp và nhận định của thẩm định viên về trạng thái hoạt động của doanh nghiệp tại và sau thời điểm thẩm định giá.

>>> Xem thêm tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 - thẩm định giá doanh nghiệp tại đây nhé!

#9. Một số câu hỏi thường gặp về thẩm định giá

Hỏi: Hiện nay có bao nhiêu tiêu chuẩn TĐG ở VN?

Trả lời: Hiện này có 13 tiêu chuẩn thẩm định giá. Để xem chi tiết các tiêu chuẩn thẩm định giá bạn tham khảo tại đây.

Hỏi: Điều kiện thi thẻ thẩm định viên về giá có khó không?

Trả lời: Để hiểu rõ điều kiện dự thi thẻ thẩm định viên về giá tại đây nhé.

Hỏi: Những ai được ký vào chứng thư thẩm định giá vậy?

Trả lời: Trên chứng thư thẩm định giá gồm có hai chữ ký đều là thẩm định viên về giá. Trong đó có một chữ ký là thành viên ban giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.

Hỏi: Hàng năm Bộ tài chính tổ chức thi mấy lần vậy?

Trả lời: Những năm gần đây, BTC tổ chức thi một lần hàng năm và thường vào tháng 8 đến tháng 12 hàng năm.

Như vậy, Hãng Kiểm toán ES đã chia sẻ về bài viết. Nếu có vướng mắc hay câu hỏi gì các bạn có thể đặt câu hỏi theo đường dẫn https://esaudit.com.vn/hoi-dap/ hoặc để lại bình luận bên dưới bài viết hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam mới nhất hiện nay. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!