Giao dịch liên kết được hiểu là giao dịch giữa các bên có mối quan hệ liên kết, cụ thể thuộc một trong các trường hợp sau (Điều 5):
- Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của doanh nghiệp kia.
- Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp.
- Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của doanh nghiệp kia và nắm giữ ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;
- Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn ít nhất bằng 25% vốn góp của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ của doanh nghiệp đi vay;
- Một doanh nghiệp chỉ định trên 50% thành viên ban lãnh đạo của doanh nghiệp kia.
- Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo được chỉ định bởi một bên thứ ba.
- Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát bởi các cá nhân có mối quan hệ thân thích;
- Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp.
Giá giao dịch liên kết sẽ được xác định theo nguyên tắc so sánh với giao dịch độc lập tương đồng và nguyên tắc "bản chất quyết định hình thức" để loại trừ các yếu tố làm giảm nghĩa vụ thuế do quan hệ liên kết chi phối, tác động.
Doanh nghiệp nếu có phát sinh giao dịch liên kết phải kê khai thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết theo Mẫu số 01 ban hành tại Nghị định này và nộp cùng Tờ khai quyết toán thuế, đồng thời phải lập và lưu giữ hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết (khoản 3, khoản 4 Điều 10).
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/5/2017.