Ngày 11 tháng 6 năm 2019 Bộ quốc phòng ban hành Thông tư 79/2019/TT-BQP hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc bộ quốc phòng
- Lương cơ bản là gì? Cách tính và mức lương cơ bản 2020, 2021
- Lương cơ sở là gì? Cách tính, mức lương cơ sở 2020, năm 2021
- Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở
Dưới đây là nội dung chi tiết Thông tư 79/2019/TT-BQP để bạn tiện theo dõi nhé.
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỨC LƯƠNG CƠ SỞ ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG ĐANG HƯỞNG LƯƠNG HOẶC PHỤ CẤP QUÂN HÀM TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính Bộ Quốc phòng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng và công chức quốc phòng.
2. Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu; học viên cơ yếu hưởng phụ cấp sinh hoạt phí (sau đây viết tắt là học viên cơ yếu).
3. Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây viết tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP).
Điều 3. Cách tính mức lương, phụ cấp và trợ cấp
1. Mức lương cơ sở: 1.490.000 đồng/tháng.
2. Cách tính mức lương, phụ cấp quân hàm, hệ số chênh lệch bảo lưu và phụ cấp, trợ cấp của các đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này như sau:
a) Mức lương
Mức lương thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Hệ số lương hiện hưởng |
b) Mức phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu
Mức phụ cấp quân hàm thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Hệ số phụ cấp quân hàm hiện hưởng |
c) Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu
Mức tiền của hệ số chênh lệch bảo lưu thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Hệ số chênh lệch bảo lưu hiện hưởng |
d) Mức phụ cấp tính theo mức lương cơ sở
- Đối với người hưởng lương
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định |
- Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức phụ cấp quân hàm binh nhì (tính theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định |
đ) Mức phụ cấp tính theo tỷ lệ %
- Đối với người hưởng lương
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
+ |
Mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
+ |
Mức phụ cấp thâm niên vượt khung thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
x |
Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định |
- Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu
Mức phụ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức phụ cấp quân hàm hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) tính theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Tỷ lệ % phụ cấp được hưởng theo quy định |
e) Mức trợ cấp tính theo mức lương cơ sở
Mức trợ cấp thực hiện từ ngày 01/7/2019 |
= |
Mức lương cơ sở 1.490.000 đồng/tháng |
x |
Số tháng được hưởng trợ cấp theo quy định |
3. Các mức lương, phụ cấp, trợ cấp của sĩ quan, người hưởng lương cấp hàm cơ yếu, quân nhân chuyên nghiệp, người hưởng lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu, công nhân quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu được quy định cụ thể tại các bảng của Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Đối với viên chức quốc phòng, công chức quốc phòng, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được áp dụng cách tính mức lương, phụ cấp, trợ cấp như quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Các khoản phụ cấp, trợ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể, giữ nguyên theo quy định hiện hành.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ vào nội dung hướng dẫn tại Thông tư này, các cơ quan, đơn vị lập bảng lương, phụ cấp, cấp phát cho các đối tượng được hưởng.
2. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư này có quyết định điều động công tác sang cơ quan, đơn vị khác trước khi Thông tư này có hiệu lực thi hành, thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận đối tượng căn cứ vào yếu tố ghi trong “Giấy giới thiệu cung cấp tài chính” hoặc “Giấy thôi trả lương” của đơn vị cũ, lập danh sách cấp phát, truy lĩnh phần chênh lệch theo quy định.
3. Các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đang vận dụng thang lương, bảng lương và chế độ phụ cấp lương do Nhà nước quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP được áp dụng mức lương cơ sở tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này để tính các mức lương trong hệ thống thang lương, bảng lương và mức phụ cấp lương làm căn cứ tính đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác theo quy định của pháp luật về lao động cho các đối tượng được hưởng. Nguồn kinh phí thực hiện do doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bảo đảm.
4. Khi cấp phát tiền lương cho các đối tượng được hưởng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tính thu các khoản phải nộp theo quy định của pháp luật hiện hành (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và thuế thu nhập cá nhân (nếu có)). Lập các báo cáo quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này, gửi về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính) trước ngày 30 tháng 6 năm 2019.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 7 năm 2019 và thay thế Thông tư số 88/2018/TT-BQP ngày 28 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
Điều 6. Điều khoản tham chiếu
Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư này (kể cả Phụ lục ban hành kèm theo) được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản quy phạm pháp luật mới thì các nội dung được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản quy phạm pháp luật mới đó.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Tài chính) để nghiên cứu, giải quyết./.
Trên đây là chia sẻ của Hãng Kiểm toán ES về Thông tư 79/2019/TT-BQP .Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cám ơn bạn đã theo dõi!