Phạt vi phạm hợp đồng là gì? Tiền phạt vi phạm đó có phải xuất hóa đơn cũng như tính chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp? ES cùng các bạn đi giải đáp câu trả lời cho những thắc mắc trên nhé.

    Phạt vi phạm hợp đồng
    Phạt hợp đồng

    1. Phạt vi phạm hợp đồng kinh tế là gì?

    Phạt vi phạm hợp đồng (HĐ) là sự thoả thuận, cam kết giữa các bên trong nội dung của hợp đồng, theo đó bên vi phạm có nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

    Mỗi loại phạt hợp đồng thì có Bộ Luật khác nhau điều chỉnh như Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Xây dựng vì vậy mức phạt cho mỗi hình thức vi phạm trong các loại hợp đồng cũng không giống nhau. Cụ thể như sau:

    - Hợp đồng Dân sự

    Căn cứ theo điều 442 Bộ Luật Dân sự năm 2005 thì các bên sẽ tự thỏa thuận với nhau về mức phạt dành cho bên vi phạm mà không bị không chế mức tối đa.

    - Hợp đồng Thương mại

    Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

    - Hợp đồng xây dựng

    Mức phạt trong hợp đồng xây dựng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.

    2. Cách hạch toán tiền phạt vi phạm hợp đồng

    #2.1. Tài khoản phản ánh

    - Theo khoản 1 điều 93 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định:

    a) Tài khoản 711 này dùng để phản ánh các khoản thu nhập khác ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, gồm:

    - Thu tiền được phạt do khách hàng vi phạm HĐ;

    - Thu tiền bồi thường của bên thứ ba để bù đắp cho tài sản bị tổn thất (ví dụ thu tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh và các khoản có tính chất tương tự);

    b) Khi có khả năng chắc chắn thu được các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng, kế toán phải xét bản chất của khoản tiền phạt để kế toán phù hợp với từng trường hợp cụ thể theo nguyên tắc:

    - Đối với bên bán:

    +) Tất cả các khoản tiền phạt vi phạm HĐ thu được từ bên mua nằm ngoài giá trị hợp đồng được ghi nhận là thu nhập khác.

    - Đối với bên mua:

    +) Các khoản tiền phạt về bản chất là khoản giảm giá hàng mua, làm giảm khoản thanh toán cho người bán được hạch toán giảm giá trị tài sản hoặc khoản thanh toán (không hạch toán vào thu nhập khác) trừ khi tài sản có liên quan đã được thanh lý, nhượng bán.

    Ví dụ khi nhà thầu thi công chậm tiến độ, chủ đầu tư được phạt nhà thầu theo đó được quyền thu hồi lại một phần số tiền đã thanh toán cho nhà thầu thì số tiền thu hồi lại được ghi giảm giá trị tài sản xây dựng. Tuy nhiên nếu khoản tiền phạt thu được sau khi tài sản đã được thanh lý, nhượng bán thì khoản tiền phạt được ghi vào thu nhập khác.

    + Các khoản tiền phạt khác được ghi nhận là thu nhập khác trong kỳ phát sinh, ví dụ:

    Người mua được quyền từ chối nhận hàng và được phạt người bán nếu giao hàng không đúng thời hạn quy định trong hợp đồng thì khoản tiền phạt phải thu được ghi nhận là thu nhập khác khi chắc chắn thu được. Trường hợp người mua vẫn nhận hàng và số tiền phạt được giảm trừ vào số tiền phải thanh toán thì giá trị hàng mua được ghi nhận theo số thực phải thanh toán, kế toán không ghi nhận khoản tiền phạt vào thu nhập khác.

    - Theo khoản 1 điều 94 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định:

    a) Tài khoản 811 phản ánh những khoản chi phí phát sinh do các sự kiện hay các nghiệp vụ riêng biệt với hoạt động thông thường của các doanh nghiệp. Chi phí khác của doanh nghiệp có thể gồm:

    - Tiền phạt phải trả do vi phạm HĐ kinh tế, phạt hành chính;

    #2.2. Bên bị vi phạm

    - Trường hợp các khoản tiền phạt được ghi giảm giá trị tài sản, ghi:

    Nợ các TK liên quan

    Có các TK 151, TK 153, TK 154, TK 156, TK 241, TK 211…

    - Trường hợp các khoản tiền phạt được ghi nhận vào thu nhập khác, ghi:

    Nợ các TK liên quan

    TK 711 - Thu nhập khác.

    - Phản ánh các khoản được bên thứ ba bồi thường (như tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh...), ghi:

    Nợ các TK 111, TK 112,...

    TK 711 - Thu nhập khác.

    - Các khoản chi phí liên quan đến xử lý các thiệt hại đối với những trường hợp đã mua bảo hiểm, ghi:

    Nợ TK 811 - Chi phí khác

    Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

    Có các TK 111, TK 112, TK 152,...

    #2.3. Bên vi phạm

    - Hạch toán các khoản tiền bị phạt do vi phạm HĐ kinh tế, phạt vi phạm hành chính, ghi:

    Nợ TK 811 - Chi phí khác

    Có các TK 111, TK 112

    TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339)

    TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.

    3. Phạt hợp đồng kinh tế trong thuế TNDN

    #3.1. Tiền phạt hợp đồng có được tính chi phí được trừ khi tính thuế TNDN hay không?

    - Theo điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính quy định các các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

    "2.36. Các khoản tiền phạt về vi phạm hành chính bao gồm: vi phạm luật giao thông, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, vi phạm chế độ kế toán thống kê, vi phạm pháp luật về thuế bao gồm cả tiền chậm nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các khoản phạt về vi phạm hành chính khác theo quy định của pháp luật."

    Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty có phát sinh các khoản chi về tiền phạt, bồi thường do vi phạm HĐ kinh tế với khách hàng thì khi chi tiền Công ty lập chứng từ chi tiền. Căn cứ vào hợp đồng kinh tế, chứng từ thanh toán trên, Công ty thực hiện xác định tính vào chi phí theo quy định của thuế TNDN.

    Như vậy:

    - Khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Tuy nhiên phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ sau:

    + Điều khoản phạt phải được ghi nhận trên hợp đồng kinh tế hoặc phụ lục hợp đồng kinh tế;

    + Có chứng từ thanh toán như: Phiếu chi, Thanh toán chuyển khoản...

    #3.2. Tiền phạt vi phạm hợp đồng có phải xuất hóa đơn không?

    - Theo Công văn số 3529/TCT-CS ngày 22/8/2014 của Tổng cục thuế:

    Căn cứ khoản 1, điều 5 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định về các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT:

    "1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.

    - Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.

    - Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.”

    Căn cứ quy định cũng như Công văn trên thì:

    - Thu tiền phạt hợp đồng bằng tiền thì không phải xuất hóa đơn.

    - Trường hợp tiền phạt hợp đồng được bồi thường bằng hàng hóa thì bên vi phạm phải lập hóa đơn và kê khai thuế bình thường.

    #4. Một số câu hỏi thường gặp về phạt vi phạm hợp đồng

    Hỏi: Phạt vi phạm hợp đồng là gì?

    Trả lời: Phạt vi phạm HĐ là sự thoả thuận, cam kết giữa các bên trong nội dung của hợp đồng, theo đó bên vi phạm có nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

    Hỏi: Cách hạch toán tiền phạt vi phạm HĐ?

    Trả lời: ES đã chia sẻ cách hạch toán tiền phạt vi phạm hợp đồng bạn xem tại đây nhé.

    Hỏi: Tiền phạt vi phạm HĐ có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không?

    Trả lời: Phạt vi phạm HĐ có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN bạn nhé.

    Hỏi: Tiền phạt vi phạm HĐ có phải xuất hóa đơn không?

    Trả lời: Thu tiền phạt hợp đồng bằng tiền thì không phải xuất hóa đơn.

    Như vậy, trên đây Hãng Kiểm toán ES vừa chia sẻ xong nội dung bài viết. Nếu có câu hỏi hay vướng mắc gì các bạn vui lòng đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/ hoặc để lại bình luận hoặc bên dưới bài viết toàn bộ các vấn đề về phạt vi phạm hợp đồng. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!