Phụ cấp khu vực là gì? Phụ cấp tiền khu vực có tính thuế TNCN và đóng BHXH không? Qua bài viết này, Hãng Kiểm toán ES sẽ giúp các bạn giải quyết được những câu hỏi đó.
- Phụ cấp điện thoại cho nhân viên mới nhất và chính xác nhất
- Quy định phụ cấp ăn trưa 2020
- Phụ cấp xăng xe tối đa là bao nhiêu? Có tính thuế TNCN không?
#1. Phụ cấp khu vực là gì?
#1.1. Khái niệm
Phụ cấp khu vực (PCKV) có thể hiểu là phụ cấp nhằm bù đắp cho công nhân viên chức, công chức làm việc ở những vùng khí hậu xấu, xa xôi, hẻo lánh, đi lại, sinh hoạt khó khăn và nhằm góp phần ổn định lao động những vùng có địa lý tự nhiên không thuận lợi.
>>>Xem thêm các loại phụ cấp lương hiện nay tại đây nhé!
#1.2. Đối tượng được hưởng
Căn cứ theo Thông tư liên tịch 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ban hành ngày 05 tháng 01 năm 2005 quy định đối tượng được hưởng PCKV bao gồm:
1. Cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc và lao động hợp đồng đã được xếp lương theo bảng lương do nhà nước quy định làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.
2. Cán bộ chuyên trách và công chức ở xã, phường, thị trấn.
3. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế nhà nước và hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định được cử đến làm việc tại các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các dự án và các cơ quan, tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.
4. Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu.
5. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân.
6. Những người làm việc trong các công ty hoạt động theo Luật doanh nghiệp nhà nước, quỹ hỗ trợ phát triển và bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (sau đây gọi chung là công ty nhà nước), gồm:
a) Thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị; thành viên Ban kiểm soát.
b) Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng (không kể Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo hợp đồng).
c) Công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh; viên chức chuyên môn, nghiệp vụ và nhân viên thừa hành, phục vụ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động.
7. Những người nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương.
8. Thương binh (kể cả thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh), bệnh binh hưởng trợ cấp hàng tháng mà không phải là người hưởng lương, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
#2. Nguyên tắc chi trả và cách tính trả phụ cấp khu vực hiện nay
#2.1. Nguyên tắc xác định phụ cấp khu vực
a) Các yếu tố xác định PCKV:
Yếu tố địa lý tự nhiên như: khí hậu xấu, thể hiện ở mức độ khắc nghiệt về nhiệt độ, độ ẩm, độ cao, áp suất không khí, tốc độ gió,… cao hơn hoặc thấp hơn so với bình thường, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ con người;
Xa xôi, hẻo lánh (mật độ dân cư thưa thớt, xa các trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế, xa đất liền…), đường xá, cầu cống, trường học, cơ sở y tế, dịch vụ thương mại thấp kém, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của con người;
Ngoài ra, khi xác định PCKV có thể xem xét bổ sung các yếu tố đặc biệt khó khăn, biên giớ, hải đảo, sình lầy.
b) PCKV được quy định chủ yếu theo địa giới hành chính xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã). Các cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước đóng trên địa bàn xã nào thì hưởng theo mức PCKV của xã đó. Một số trường hợp đặc biệt đóng xa dân hoặc giáp ranh với nhiều xã được xem xét để quy định mức phụ cấp khu vực riêng.
c) Khi các yếu tố dùng xác định PCKV hoặc địa bàn xã thay đổi (chia, nhập, thành lập mới…), PCKV được xác định hoặc điều chỉnh lại cho phù hợp.
#2.2. Mức trợ cấp khu vực
a) PCKV được quy định gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung; mức 1,0 chỉ áp dụng đối với những hải đảo đặc biệt khó khăn, gian khổ như quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hoà.
Mức tiền phụ cấp khu vực | = | Hệ số phụ cấp khu vực | x | Mức lương tối thiểu chung |
Về mức lương tối thiểu chung như sau:
- Từ ngày 01/7/2019 đến 30/6/2020: Mức lương tối thiểu chung là 1,49 triệu đồng/tháng (theo quy định tại Nghị quyết 70/2018/QH14 ngày 09 tháng 11 năm 2018);
- Từ ngày 01/7/2020 trở đi: Mức lương tối thiểu chung là 1,6 triệu đồng/tháng (theo quy định tại Nghị quyết 86/2019/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2019).
Đối với hạ sĩ quan và chiến sĩ nghĩa vụ thuộc quân đội nhân dân và công an nhân dân, mức PCKV được tính so với mức phụ cấp quân hàm binh nhì theo công thức sau:
Mức tiền phụ cấp khu vực | = | Hệ số phụ cấp khu vực | x | Mức lương tối thiểu chung | x | 0,4 |
b) Căn cứ vào các yếu tố xác định các mức trợ cấp khu vực quy định tại Thông tư này và mức PCKV hiện hưởng của các xã và các đơn vị trong cả nước, liên Bộ ban hành danh mục các địa bàn xã và một số đơn vị được hưởng trợ cấp khu vực tại phụ lục kèm theo Thông tư này.
#2.3. Cách tính trả trợ cấp khu vực
a) Trợ cấp khu vực được xác định, tính trả theo nơi làm việc đối với những người đang làm việc; được xác định, tính toán, chi trả theo nơi đăng ký thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp thay lương đối với người nghỉ hưu và người hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định.
b) Tiền trợ cấp khu vực được trả cùng kỳ lương, phụ cấp, trợ cấp hàng tháng.
c) Trường hợp đi công tác, đi học, điều trị, điều dưỡng có thời hạn từ một tháng trở lên thì hưởng phụ cấp khu vực theo mức quy định ở nơi công tác, học tập, điều trị, điều dưỡng kể từ ngày đến nơi mới; nếu nơi mới đến không có tiền trợ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp tiền khu vực ở nơi trước khi đi.
#2.4. Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp khu vực
a. Đối với những người đang làm việc
Đối với các cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, PCKV do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.
Đối với các cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, PCKV do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ;
Đối với các công ty nhà nước, PCKV được tính vào đơn giá tiền lương và hạch toán vào giá thành hoặc chi phí kinh doanh.
b) Đối với những người nghỉ hưu, nghỉ việc vì mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hưởng trợ cấp hàng tháng thay lương; thương binh, bệnh binh hưởng trợ cấp hàng tháng mà không phải là người hưởng lương, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội:
Đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả, PCKV được chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành;
Đối với các đối tượng do Quỹ bảo hiểm xã hội chi trả, PCKV do Quỹ bảo hiểm xã hội bảo đảm.
#3. Phụ cấp khu vực có tính thuế TNCN và đóng BHXH không?
#3.1. Về việc tính thuế TNCN
Căn cứ theo khoản 2, Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC, các khoản phụ cấp sau không phải tính thuế TNCN, bao gồm:
"b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
b.2) Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
b.3) Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
b.5) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
..."
Như vậy, phụ cấp tiền khu vực là thu nhập miễn thuế TNCN, người hưởng phụ cấp không phải tính nộp thuế TNCN.
>>>Xem thêm các vấn đề về khấu trừ thuế TNCN mới nhất tại đây!
#3.2. Về việc đóng BHXH
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (sau đây gọi là Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH), tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm bao gồm:
Tiền lương = Mức lương + Phụ cấp lương + Các khoản bổ sung khác
- Mức lương: Bắt buộc và là tối thiểu;Trong đó:
- Phụ cấp lương cụ thể như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự (Khoản 1 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
- Các khoản bổ sung khác: Là các khoản xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Do đó, ta có thể thấy phụ cấp tiền khu vực là khoản tiền phải tính vào tiền luong tháng tính đóng bảo hiểm.
>>>Xem thêm quy định về BHXH mới nhất hiện nay tại đây nhé!
Như vậy, trên đây Hãng Kiểm toán ES vừa chia sẻ xong nội dung bài viết. Nếu có câu hỏi hay vướng mắc gì các bạn vui lòng đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/ hoặc để lại bình luận hoặc bên dưới bài viết toàn bộ các vấn đề về phụ cấp khu vực. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!