Phụ cấp thâm niên là gì? Phụ cấp thâm niên vượt khung được tính như thế nào? Các quy định về phụ cấp này cũng như chế độ phụ cấp đối với ngành nhà giáo sẽ được chúng tôi hệ thống hóa lại cho các bạn qua bài viết dưới đây. Mời các bạn cùng theo dõi!
- Phụ cấp xăng xe tối đa là bao nhiêu? Có tính thuế TNCN không?
- Phụ cấp khu vực là gì? Hệ số phụ cấp khu vực MỚI NHẤT hiện nay
- Phụ cấp độc hại là gì? Trợ cấp độc hại ngành Y tế mới nhất
#1. Phụ cấp thâm niên là gì?
#1.1. Khái niệm
Phụ cấp thâm niên (sau đây gọi tắt là PCTN) có thể hiểu là một trong những chế độ phụ cấp (hoặc trợ cấp) dành cho người lao động nhằm khuyến khích họ có thể gắn bó và làm nghề lâu dài, đồng thời cũng là để tạo động lực cho người lao động làm việc hiệu quả hơn.
>>>Xem thêm các loại phụ cấp lương hiện nay tại đây nhé!
#1.2. Đối tượng được hưởng phụ cấp
Đối tượng được hưởng phụ cấp bao gồm:
- Sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân;
- Hạ sĩ quan hưởng lương thuộc công an nhân dân;
- Người làm công tác cơ yếu trong tổ chức cơ yếu;
- Cán bộ, công chức đã được xếp lương theo các ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm;
- Nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở công lập.
#1.3. Cách tính phụ cấp như thế nào?
Sau 5 năm (đủ 60 tháng) tại ngũ hoặc làm việc liên tục trong ngành thì được hưởng phụ cấp thâm niên nghề bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và PCTN vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm được tính thêm 1%
#2. Quy định về phụ cấp thâm niên vượt khung
#2.1. Điều kiện và tiêu chuẩn được hưởng phụ cấp
Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại điểm 1 Mục I Thông tư này, nếu đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức (sau đây viết tắt là ngạch); trong chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát (sau đây viết tắt là chức danh) hiện giữ, thì được xét hưởng PCTN vượt khung khi có đủ điều kiện thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh và đạt đủ tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung như sau:
1. Điều kiện thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ:
1.1. Thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ để xét hưởng PCTN vượt khung quy định như sau:
a) Cán bộ, công chức, viên chức đã có 3 năm (đủ 36 tháng) xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức từ loại A0 đến loại A3 của bảng 2, bảng 3 quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ và trong chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 9 năm 2004 của ủy ban Thường vụ Quốc hội.
b) Cán bộ, công chức, viên chức đã có 2 năm (đủ 24 tháng) xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại B và loại C của bảng 2, bảng 3 và ngạch nhân viên thừa hành, phục vụ xếp lương theo bảng 4 quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ.
1.2. Các trường hợp được tính và không được tính vào thời gian để xét hưởng PCTN vượt khung được xác định như các trường hợp được tính và không được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương thường xuyên quy định tại điểm 1.2 và điểm 1.3 Mục II Thông tư số 03/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 03/2005/TT-BNV).
2. Tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung:
Tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung thực hiện như hai tiêu chuẩn nâng bậc lương thường xuyên quy định tại điểm 2.1 và điểm 2.2 Mục II Thông tư số 03/2005/TT-BNV trong suốt thời gian giữ bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh hiện giữ hoặc trong thời gian của năm xét hưởng thêm PCTN vượt khung.
#2.2. Mức phụ cấp và cách chi trả
1. Mức phụ cấp:
1.1. Cán bộ , công chức, viên chức có đủ điều kiện thời gian và tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung quy định tại điểm 1 và điểm 2 Mục II Thông tư này được hưởng PCTN vượt khung như sau:
a) Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại tiết a điểm 1.1 Mục I Thông tư này, sau 3 năm (đủ 36 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh, được hưởng PCTN vượt khung bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm có đủ hai tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung được tính hưởng thêm 1%.
b) Cán bộ, công chức, viên chức quy định tại tiết b điểm 1.1 Mục II Thông tư này, sau 2 năm (đủ 24 tháng) đã xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch được hưởng PCTN vượt khung bằng 5% mức hưởng của bậc lương cuối cùng trong ngạch đó; từ năm thứ ba trở đi, mỗi năm có đủ hai tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung được tính hưởng thêm 1 % .
1.2. Cán bộ, công chức, viên chức khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05 tháng 01 năm 2005 của liên tịch Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới cuối với cán bộ, công chức, viên chức, nếu lương mới đã được tính hưởng PCTN vượt khung thì thời gian giữ bậc lương cũ dùng làm căn cứ để chuyển xếp sang lương mới được tính để hưởng thêm PCTN vượt khung theo nguyên tắc cứ mỗi năm giữ bậc lương cũ mà có đủ hai tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung được tính hưởng thêm 1% PCTN vượt khung.
Ví dụ. Bà Nguyễn Thị M, đã xếp lương cũ bậc 10, hệ số lương 4,06, ngạch chuyên viên từ ngày 01 tháng 9 năm 1998 và từ năm 1998 đến nay luôn đạt đủ hai tiêu chuẩn để hưởng PCTN vượt khung, thì bà M được tính hưởng PCTN vượt khung như sau:
Theo bảng chuyển xếp lương cũ sang lương mới ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-BNVBTC nêu trên, thì bậc 10 (cũ) ngạch chuyên viên của bà M được tính hưởng 5% PCTN vượt khung. Thời gian bà M đã xếp lương bậc 10 (cũ) từ ngày 01 tháng 9 năm 1998 đến ngày 01 tháng 9 năm 2004 (đủ 6 năm), bà M được tính hưởng thẽm 6% PCTN vượt khung. như vậy bà M được hưởng tổng mức PCTN vượt khung là 11% (5% + 6%) của - mức lương cuối cùng trong ngạch chuyên viên (bậc 9, hệ số lương 4,98); thời gian tính hưởng PCTN vượt khung lần sau của bà M được tính kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2004.
1.3. Cán bộ, công chức, viên chức không đạt đủ tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung quy định tại điểm 2 Mục II Thông tư này (đã có thông báo hoặc quyết định bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền) thì bị kéo dài thời gian hưởng PCTN vượt khung như sau:
a) Nếu đã có đủ điều kiện thời gian xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh quy định tại điểm 11 Mục II Thông tư này nhưng không đạt đủ tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung, thì cứ mỗi năm không đạt đủ tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung, thời gian tính hưởng mức 5% PCTN vượt khung bị kéo dài thêm 1 năm (đủ 12 tháng) so với thời gian quy định tại điểm 1.1 Mục II Thông tư này.
b) Nếu đang hưởng PCTN vượt khung (từ 5% trở lên), kể từ ngày tính hưởng PCTN vượt khung lần sau mà không đạt đủ tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung, thì thời gian tính hưởng thêm 1% PCTN vượt khung bị kéo dài thêm 1 năm (đủ 12 tháng).
1.4. Cán bộ, công chức, viên chức đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền là oan, sai sau khi bị đình chỉ công tác, bị tạm giữ, tạm giam, bị kỷ Luật (khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bị bãi nhiệm), nếu vẫn được cơ quan có thẩm quyền đánh giá (bằng văn bản) là hoàn thành nhiệm vụ công tác được giao hàng năm, thì được tính lại các mức PCTN vượt khung như khi đạt đủ tiêu chuẩn hưởng PCTN vượt khung quy định tại Thông tư này và được truy lĩnh phụ cấp, truy nộp bảo hiểm xã hội (bao gồm cả phần bảo hiểm xã hội do cơ quan, đơn vị đóng) theo các mức PCTN vượt khung đã được tính lại.
2. Cách chi trả phụ cấp:
PCTN vượt khung được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng của cán bộ, công chức, viên chức và được dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
#3. Phụ cấp thâm niên có tính thuế TNCN và đóng BHXH không?
#3.1. Về việc tính thuế TNCN
Ngày 18/5/2018, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 1840/TCT-TNCN hướng dẫn xác định thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với một số khoản phụ cấp. Theo đó:
Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được hưởng một số khoản phụ cấp như: phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp đặc biệt theo đúng quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì các khoản phụ cấp này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân.
Vậy, người được hưởng PCTN không phải tính nộp thuế TNCN.
>>>Xem thêm cách viết chứng từ khấu trừ thuế TNCN tại đây nhé!
#3.2. Về việc đóng BHXH
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (sau đây gọi là Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH), tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm bao gồm:
Tiền lương = Mức lương + Phụ cấp lương + Các khoản bổ sung khác
- Mức lương: Bắt buộc và là tối thiểu;Trong đó:
- Phụ cấp lương cụ thể như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự (Khoản 1 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
- Các khoản bổ sung khác: Là các khoản xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Do đó, ta có thể thấy PCTN là khoản tiền phải tính vào tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm.
>>>Xem thêm quy định về bảo hiểm xã hội 1 lần tại đây nhé
#4. Quy định về phụ cấp thâm niên ngành nhà giáo
Theo quy định tại Luật Giáo dục 2019 sẽ bãi bỏ "phụ cấp thâm niên" đối với giáo viên từ ngày 1.7.2020, thay vào đó là chế độ tiền lương mới khi thực hiện cải cách tiền lương.
Tuy nhiên do ảnh hưởng của COVID-19, việc thực hiện cải cách tiền lương đối với công chức, viên chức dự kiến được lùi lại đến 1.7.2022.
Như vậy, dự kiến trong năm 2021, giáo viên vẫn được hưởng PCTN bình thường.
Dưới đây là quy định về PCTN ngành nhà giáo:
#4.1. Điều kiện được tính hưởng phụ cấp thâm niên
Nhà giáo có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng PCTN.
#4.2. Thời gian tính hưởng phụ cấp
a) Thời gian giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục;
b) Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng PCTN.
#4.3. Thời gian không tính hưởng phụ cấp
a) Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu;
b) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
c) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
d) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
#4.4. Mức phụ cấp
Nhà giáo đủ 5 năm (60 tháng) giảng dạy, giáo dục được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% của mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và PCTN vượt khung (nếu có); từ các năm sau trở đi, PCTN mỗi năm được tính thêm 1%.
PCTN được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
#4.5. Nguồn kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí thực hiện chế độ PCTN đối với nhà giáo được sử dụng từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị và nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.
#5. Một số câu hỏi liên quan đến phụ cấp thâm niên
Câu hỏi 1: Thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu có được tính hưởng phụ cấp không?
Trả lời: Không được tính hưởng phụ cấp đối với thời gian này
Câu hỏi 2: Có điểm mới nào về đối tượng hưởng trợ cấp thâm niên?
Trả lời: Từ năm 2021 trở đi, chỉ còn 3 đối tượng được hưởng phụ cấp này, bao gồm: Quân đội, công an, cơ yếu.
Như vậy, trên đây Hãng Kiểm toán ES vừa chia sẻ xong nội dung bài viết. Nếu có câu hỏi hay vướng mắc gì các bạn vui lòng đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/ hoặc để lại bình luận hoặc bên dưới bài viết toàn bộ các vấn đề về phụ cấp thâm niên. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!