Quy định mức phạt chậm đóng BHXH, BHTN và Cách tính tiền lãi chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN như thế nào? Hãng Kiểm toán ES xin chia sẻ với bạn đọc thông qua bài viết dưới đây.

muc-pham-cham-dong-bhxh-02-copy

Bài viết tổng hợp các trường hợp vi phạm đóng BHXH, chi tiết như sau:

Căn cứ theo Chương III Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực BHXH, các trường hợp bị xử phạt cần lưu ý như sau:

#1. Đối tượng bắt buộc tham gia BHXH nhưng không tham gia hoặc tham gia không đúng mức

->> Về các đối tượng bắt buộc phải tham gia BHXH, bạn đọc xem thêm tại đây nhé!

Đối với trường hợp người lao động hoặc NLĐ và người sử dụng lao động câu kết không tham gia BHXH/ tham gia dưới mức tối thiểu của bảo hiểm xã hội: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động.

#2. Phạt tiền đối với hành vi xử lý thông tin đóng BHXH

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với các trường hợp sau:

  • Không công khai thông tin đóng BHXH của người lao động theo quy định của BHXH;
  • Không thực hiện thủ tục xác nhận quy trình đóng BHTN của người lao động khi NLĐ nghỉ việc, ảnh hưởng đến quy trình làm hồ sơ hưởng BHTN;
  • Không cung cấp/ cung cấp không đủ thông tin về đóng BHXH bắt buộc, BHTN khi người lao động hoặc công đoàn yêu cầu.

#3. Người sử dụng lao động không cung cấp đầy đủ kịp thời chính xác thông tin đóng/hưởng BHXH, BHTN

Người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi không cung cấp/ cung cấp thiếu/ không chính xác/ không kịp thời thông tin, hồ sơ liên quan đến việc đóng/ hưởng BHXH, BHTN của người lao động khi cơ quan bảo hiểm có yêu cầu.

#4. Chậm đóng/ đóng thiếu BHXH, KPCĐ

Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

  • Chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp;
  • Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;
  • Đóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.

#5. Người sử dụng lao động không đóng BHXH cho toàn bộ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc

Người sử dụng lao động bị phạt từ 18 - 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm tại thời điểm lập bên bản vi phạm hành chính (tối đa phạt 75.000.000 đồng) khi không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho toàn bộ lao động thuộc diện bắt buộc tham gia BHXH.

#6. Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN

Trốn đóng BHXH, BHTN, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 50.000.000 đồng - 75.000.000 đồng.

#7.Cách tính tiền lãi chậm đóng BHXH

#7.1. Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN

Tiền lãi chậm đóng được xác định hằng tháng theo công thức sau:

Số tiền lãi phải thu phát sinh trong tháng (n) = Số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng (n-2) x Lãi suất chậm đóng (%/tháng)

Trong đó:

(n): tháng xác định tiền lãi chậm đóng.

(n-2): tháng liền trước 02 tháng của tháng (n).

Lãi suất chậm đóng (%/tháng) là mức lãi suất bình quân tính theo tháng do BHXH Việt Nam thông báo trong vòng 15 ngày đầu của tháng 1 hàng năm.

#7.2. Trốn đóng, đóng không đủ số người, số tiền, thấp hơn mức đóng bắt buộc, chiếm dụng tiền đóng

Đối với các trường hợp này, nếu được cơ quan BHXH, cơ quan có thẩm quyền phát hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:

  • Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01 tháng 01 năm 2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;
  • Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 trở đi, tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm và xác định theo công thức của mục #7.1.

Lưu ý: Số tiền lãi chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN phải thu trong tháng gồm số tiền lãi chậm đóng lũy kế đến cuối tháng trước liền kề chuyển sang và số tiền lãi chậm đóng tính trên số tiền chậm đóng phát sinh trong tháng được xác định theo mục #7.1 nêu trên.

#8. Các câu hỏi thường gặp

Hỏi: Doanh nghiệp chậm đóng BHXH bị phạt bao nhiêu tiền?

Đáp: Doanh nghiệp có thể bị phạt từ 12 đến 15% số tiền chậm đóng, tối đa tiền phạt không quá 75.000.000 đồng.

Hỏi: Lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội xem ở đâu?

Đáp: Khoản lãi chậm nộp BHXH được thể hiện trên chỉ tiêu [5] Lãi mục B Phát sinh trong kỳ của thông báo bảo hiểm hàng tháng của đơn vị.

Trên đây, Hãng Kiểm toán ES vừa chia sẻ xong về quy định phạt chậm đóng BHXH. Nếu có vướng mắc hay cần hỗ trợ các bạn để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết, chúc các bạn thành công!