Phụ cấp trách nhiệm là gì? Đối tượng nào được hưởng phụ cấp và cách tính phụ cấp như thế nào? Phụ cấp có phải tính thuế TNCN và đóng BHXH không? Tất cả các câu hỏi đó sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây nhé!
#1. Phụ cấp trách nhiệm là gì?
#1.1. Khái niệm
Phụ cấp trách nhiệm (sau đây viết tắt là PCTN) được hiểu là phụ cấp lương cho người lao động vừa trực tiếp sản xuất hoặc làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ, kĩ thuật vừa kiêm nhiệm công tác quản lí không thuộc chức vụ lãnh đạo hoặc làm công việc đòi hỏi trách nhiệm cao chưa được xác định trong mức lương.
>>>Xem thêm các loại phụ cấp lương hiện nay tại đây nhé!
#1.2. Phạm vi áp dụng phụ cấp trách nhiệm
Phụ cấp trách nhiệm công việc áp dụng đối với cán bộ, công chức (kể cả công chức dự bị), viên chức, những người đang trong thời gian tập sự, thử việc thuộc biên chế trả lương của các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, do tính chất, đặc điểm của nghề hoặc công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý nhưng không thuộc chức danh lãnh đạo do bầu cử và do bổ nhiệm (không thuộc đối tượng hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo).
#2. Các quy định về phụ cấp trách nhiệm hiện hành
Sau đây, Hãng Kiểm toán ES sẽ hệ thống hóa các quy định hiện hành về phụ cấp trách nhiệm để các bạn tiện theo dõi nhé!
#2.1. Về mức phụ cấp
Phụ cấp trách nhiệm công việc gồm 4 mức: 0,5; 0,3; 0,2 và 0,1 so với mức lương tối thiểu chung. Theo mức lương tối thiểu theo quy định hiện nay như sau:
- Từ ngày 01/7/2019 đến 30/6/2020: Mức lương tối thiểu chung là 1,49 triệu đồng/tháng (theo quy định tại Nghị quyết 70/2018/QH14 ngày 09 tháng 11 năm 2018);
- Từ ngày 01/7/2020 trở đi: Mức lương tối thiểu chung là 1,6 triệu đồng/tháng (theo quy định tại Nghị quyết 86/2019/QH14 ngày 12 tháng 11 năm 2019).
#2.2. Đối tượng áp dụng các mức phụ cấp
a) Mức 1, hệ số 0,5; áp dụng đối với:
- Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của các phòng Bảo vệ sức khoẻ Trung ương 2, Bảo vệ sức khoẻ Trung ương 3, Bảo vệ sức khoẻ Trung ương 5 thuộc Bệnh viện Hữu nghị và phòng Bảo vệ sức khoẻ cán bộ Trung ương phía Nam thuộc Bệnh viện Thống nhất;
- Lái xe phục vụ các chức danh từ Phó Thủ tướng Chính phủ và tương đương trở lên.
b) Mức 2, hệ số 0,3 áp dụng đối với:
- Trạm trưởng, Trại trưởng các trạm, trại nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm khoa học kỹ thuật của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản;
- Trạm trưởng, Trại trưởng các trạm, trại nuôi trồng cây con, thuốc quý hiếm để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm y, dược khoa và làm thuốc;
- Cán bộ, viên chức trực tiếp vận hành, bảo dưỡng máy gia tốc điện tử MT-17, máy phát nơtron NA-3C, người xử lý mẫu và nguồn phóng xạ kín, hở, an toàn phóng xạ;
- Cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế trả lương của Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cán bộ, viên chức thuộc biên chế trả lương của các khoa, bộ phận hồi sức cấp cứu và trực tiếp phục vụ cấp cứu bệnh nhân tại trạm cấp cứu 05;
- Giáo viên và cán bộ quảnlý giáo dục thuộc biên chế trả lương của các trường chuyên biệt;
- Giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông hạng I;
- Huấn luyện viên trưởng đội tuyển thể dục, thể thao Quốc gia;
- Lái xe phục vụ chức danh Bộ trưởng và tương đương;
- Trưởng kho vật liệu nổ, nhân viên cung ứng vật liệu nổ.
c) Mức 3, hệ số 0,2 áp dụng đối với:
- Phó trạm trưởng, Phó trại trưởng các trạm, trại nghiên cứu ứng dụng, thực nghiệm khoa học kỹ thuật của các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản;
- Phó trạm trưởng, Phó trại trưởng các trạm, trại nuôi trồng cây con, thuốc quý hiếm để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm y, dược khoa và làm thuốc;
- Cán bộ, viên chức bảo vệ, vận chuyển, làm việc với các mẫu và nguồn phóng xạ kín và hở; kiểm tra độ phóng xạ khu vực máy gia tốc điện tử MT-17, máy phát nơtron NA-3C và trung tâm đo phóng xạ; phục vụ công tác an toàn máy gia tốc điện tử MT-17, máy phát nơtron NA-3C, vệ sinh khu vực máy, kho nguồn và trung tâm đo phóng xạ;
- Tổ trưởng các ngành địa chất, khí tượng thuỷ văn, khảo sát, đo đạc, trồng rừng và điều tra rừng;
- Trưởng kho lưu trữ tài liệu, thư viện, Trưởng kho lưu trữ bảo quản, phục chế hiện vật trong các bảo tàng hạng II trở lên, kho khu di tích Phủ Chủ tịch;
- Trưởng kho lưu trữ tài liệu thuộc Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước;
- Trưởng kho thuộc Cục Dự trữ Quốc gia;
- Trưởng kho, Trưởng quỹ tiền, vàng bạc, đá quý Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện;
- Cán bộ, viên chức thuộc biên chế trả lương của các trại điều dưỡng thương binh nặng, bệnh viện điều trị, trại nuôi dưỡng người tâm thần, bệnh phong;
- Giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông hạng II;
- Cán bộ, viên chức thuộc biên chế trả lương của Bệnh viện Hữu nghị;
- Huấn luyện viên trưởng đội tuyển thể dục, thể thao tỉnh, ngành, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bác sĩ, kỹ thuật viên y học thể dục, thể thao ở đội tuyển Quốc gia làm công tác kiểm tra, theo dõi, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho các vận động viên;
- Lái xe phục vụ các chức danh Thứ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương;
- Phó trưởng kho vật liệu nổ.
d) Mức 4, hệ số 0.1 áp dụng đối với:
- Phó trưởng kho lưu trữ tài liệu, thư viện, Phó trưởng kho lưu trữ bảo quản, phục chế hiện vật trong các bảo tàng hạng II trở lên, kho khu di tích Phủ Chủ tịch;
- Trưởng kho lưu trữ tài liệu, thư viện Trưởng kho lưu trữ bảo quản, phục chế và giới thiệu hiện vật trong các bảo tàng;
- Phó trưởng kho, Phó trưởng quỹ tiền, vàng bạc, đá quý Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện;
- Giáo viên được cử làm Tổng phụ trách (chuyên trách và bán chuyên trách) Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông hạng III;
- Cán bộ, viên chức y tế chuyên trách đỡ đẻ ở các trạm, bệnh viện, viện phụ sản, các khoa sản ở bệnh viện đa khoa và ở trung tâm y tế;
- Cán bộ, viên chức y tế trực tiếp làm kiểm nghiệm thuốc;
- Bác sĩ, kỹ thuật viên y học thể dục, thể thao ở đội tuyển cấp ngành, tỉnh làm công tác kiểm tra, theo dõi, chăm sóc, phục hồi sức khoẻ cho các vận động viên;
- Nhân viên bảo vệ, thủ kho vật liệu nổ;
- Thủ quỹ cơ quan, đơn vị;
- Tổ trưởng các ngành còn lại.
#2.3. Nguồn kinh phí chi trả phụ cấp
Các đối tượng thuộc cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, phụ cấp trách nhiệm công việc do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị;
Các đối tượng thuộc cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đối tượng thuộc các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, phụ cấp trách nhiệm công việc do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ.
#2.4. Cách chi trả phụ cấp
Phụ cấp/trợ cấp trách nhiệm công việc được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội;
Khi không làm công việc có quy định hưởng phụ cấp/trợ cấp trách nhiệm công việc từ một tháng trở lên thì không được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc.
#2.5. Phụ cấp trách nhiệm có tính thuế TNCN không?
Căn cứ theo khoản 2, Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC, các khoản phụ cấp sau được miễn thuế TNCN, bao gồm:
"b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
b.2) Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần đối với các đối tượng tham gia kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế, thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ.
b.3) Phụ cấp quốc phòng, an ninh; các khoản trợ cấp đối với lực lượng vũ trang.
b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.
b.5) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.
b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.
b.7) Trợ cấp đối với các đối tượng được bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật.
b.8) Phụ cấp phục vụ đối với lãnh đạo cấp cao.
b.9) Trợ cấp một lần đối với cá nhân khi chuyển công tác đến vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ một lần đối với cán bộ công chức làm công tác về chủ quyền biển đảo theo quy định của pháp luật. Trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
b.10) Phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
b.11) Phụ cấp đặc thù ngành nghề.”
Như vậy:
– Khoản phụ cấp/trợ cấp trách nhiệm cho người lao động là một khoản có tính chất tiền lương và có tính chất tiền lương.
– Khoản phụ cấp/trợ cấp trách nhiệm không nằm trong các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế nên khoản phụ cấp này sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân.
#2.6. Phụ cấp trách nhiệm có đóng BHXH không?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 30 của Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc (sau đây gọi là Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH), tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm bao gồm:
Tiền lương = Mức lương + Phụ cấp lương + Các khoản bổ sung khác
- Mức lương: Bắt buộc và là tối thiểu;Trong đó:
- Phụ cấp lương cụ thể như: Phụ cấp chức vụ, chức danh; Phụ cấp trách nhiệm; Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Phụ cấp thâm niên; Phụ cấp khu vực; Phụ cấp lưu động; Phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự (Khoản 1 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH).
- Các khoản bổ sung khác: Là các khoản xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Do đó, ta có thể thấy phụ cấp này là khoản tiền phải tính vào tiền lương tháng tính đóng bảo hiểm.
#3. Một số câu hỏi liên quan đến phụ cấp trách nhiệm
Câu hỏi 1: Thủ quỹ có được hưởng phụ cấp/trợ cấp trách nhiệm không?
Trả lời: Thủ quỹ là công việc đòi hỏi trách nhiệm cao do đó sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Theo đó, thủ quỹ sẽ được hưởng PCTN theo mức 4, hệ số 0,1. Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 86/2019/QH14, từ ngày 01/07/2020, mức lương cơ sở đã tăng lên thành 1.600.000 đồng/tháng. Cho nên, mức phụ cấp của thủ quỹ tính từ ngày 01/07/2020 sẽ là 160.000 đồng/tháng.
Câu hỏi 2: Kế toán trưởng có được hưởng phụ cấp/trợ cấp trách nhiệm không?
Trả lời: Theo quy định pháp luật thì hiện hành thì người được bổ nhiệm kế toán trưởng ở trong các đơn vị căn cứ tại các Khoản 1, 3, 4, 5, 8 Điều 2 của Thông tư 04/2018/TT-BNV để được hưởng mức phụ cấp trách nhiệm công việc theo hằng tháng 0,2 so với mức lương cơ sở theo quy định hiện hành. Cụ thể đó chính là kế toán trưởng ở các đơn vị như sau:
- Thứ nhất: Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan);
- Thứ hai: Cơ quan nhà nước;
- Thứ ba: Đơn vị sự nghiệp công lập;
- Thứ tư: Tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;
- Thứ năm: Các tổ chức được Nhà nước cấp vốn để tổ chức hoạt động theo Mục tiêu chính trị – xã hội cụ thể.
Như vậy, trên đây Hãng Kiểm toán ES vừa chia sẻ xong nội dung bài viết. Nếu có câu hỏi hay vướng mắc gì các bạn vui lòng đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/ hoặc để lại bình luận hoặc bên dưới bài viết toàn bộ các vấn đề về phụ cấp trách nhiệm. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!