Chiết khấu thanh toán là gì? Cách hạch toán như thế nào. Hãng kiểm toán Es-glocal xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết Hạch toán chiết khấu thanh toán (CKTT) năm 2020 ĐẦY ĐỦ NHẤT hiện nay theo Thông tư 133 và 200.
- Hướng dẫn kê khai hóa đơn chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán
- Hướng dẫn hạch toán chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán
- Chiết khấu thanh toán theo Thông tư 133 và Thông tư 200
Để tiện theo dõi các bạn lướt qua nội dung dưới đây trước nhé.
#1. Thế nào là chiết khấu thanh toán
- CKTT là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua, do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng.
#2. Quy định về chiết khấu thanh toán
#2.1. Chiết khấu thanh toán có phải xuất hóa đơn
Theo Công văn số 2854/CT-TTHT của Cục Thuế tỉnh Lào Cai ngày 20/8/2015 hướng dẫn về hóa đơn, chứng từ:
“ Theo quy định trên, Công ty TNHH Vạn Chúng cho khách hàng A thuê gian hàng theo năm, khách hàng A có trả tiền thuê gian hàng trước thời hạn theo hợp đồng nên được Công ty TNHH Vạn Chúng miễn tiền thuê cho 6 tháng. Đối với trường hợp chiết khấu thanh toán này, Công ty TNHH Vạn Chúng không được ghi giảm giá trên hóa đơn GTGT. Công ty phải xuất hóa đơn với thuế suất thuế GTGT là 10% theo giá thanh toán cho cả năm (đơn giá thuê 1 tháng x 12 tháng).
- Số tiền chiết khấu thanh toán, đây là một khoản chi phí tài chính Công ty chấp nhận chi cho người mua. Người bán lập phiếu chi, người mua lập phiếu thu để trả và nhận khoản chiết khấu thanh toán. Các bên căn cứ chứng từ thu, chi tiền để hạch toán kế toán và xác định thuế TNDN theo quy định.”
#2.2. Kê khai thuế GTGT khoản chiết khấu thanh toán
Theo điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC
"Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền."
Như vậy: CKTT không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
#2.3. Về thuế TNDN
a. Bên CKTT:
- Kế từ ngày 2/8/2014: Khoản CKTT không bị khống chế nữa (Trước đó bị khống chế 15%)
(Theo Công văn Số 2785/TCT-CS ngày 23/7/2014 giới thiệu nội dung mới của Thông tư số 78/2014/TT-BTC về thuế TNDN)
b. Bên nhận được CKTT:
Theo khoản 15 điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định các khoản Thu nhập khác:
#2.4. Về thuế TNCN
- Theo Công văn 1162/TCT-TNCN ngày 21/03/2016 của Tổng cục thuế:
"Căn cứ quy định nêu trên, cá nhân là đại lý bán hàng hóa nếu được công ty chi trả khoản “chiết khấu thanh toán” thì khoản tiền này thuộc diện chịu thuế TNCN 1%.
Công ty chi trả khoản “chiết khấu thanh toán” cho cá nhân thực hiện khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân theo tờ khai thuế mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính. Công ty ghi cụm tờ “Khai thay” vào phần trước cụm từ “Người nộp thuế hoặc Đại diện hợp pháp của người nộp thuế” đồng thời người khai ký tên, đóng dấu của Công ty. Công ty nộp hồ sơ khai thuế thay cho cá nhân tại Chi cục Thuế nơi Công ty đặt trụ sở. Trên hồ sơ tính thuế, chứng từ thu thuế vẫn thể hiện người nộp thuế là cá nhân kinh doanh."
- Theo Công văn số 5251/TCT-TNCN ngày 15/11/2017 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế đối với khoản chi trả thu nhập cho cá nhân kinh doanh
Tổng cục Thuế đã có công văn số 1163/TCT-TNCN ngày 21/03/2016 trả lời Cục thuế tỉnh Hậu Giang về chính sách thuế đối với các khoản chi trả của đại lý cho cá nhân kinh doanh (bản photocopy đính kèm).
Đề nghị Cục thuế tỉnh Bến tre nghiên cứu và hướng dẫn Doanh nghiệp tư nhân Việt Trung áp dụng theo đúng bản chất của từng khoản chi trả và thực hiện khai, nộp thuế thay cho các cá nhân là các cửa hàng theo hướng dẫn tại công văn số 1163/TCT-TNCN ngày 21/03/2016 của Tổng cục Thuế nêu trên nếu khoán chi trả được xác định là chi “chiết khấu thanh toán” hoặc chi “hỗ trợ khách hàng đạt doanh số”.
#3. Cách hạch toán chiết khấu thanh toán
- Người bán lập phiếu chi, người mua lập phiếu thu để trả và nhận khoản CKTT. Căn cứ vào phiếu thu, chi 2 bên hạch toán CKTT như sau:
- Bên bán: Căn cứ vào phiếu chi
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (nếu bù trừ luôn vào khoản phải thu)
Có TK 111, TK 112: ( nếu trả bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản)
- Bên mua: Căn cứ vào phiếu thu
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (Nếu giảm trừ công nợ)
Nợ TK 111, TK 112: (Nếu nhận tiền mặt hoặc chuyển khoản)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính
Ví dụ: Công ty TNHH Kiểm toán Es-Glocal xuất hàng hoá bán cho Công ty Sơn Hà với tổng giá thanh toán là 110.000.000. Công ty Sơn Hà đã thanh toán bằng chuyển khoản. Do Khách hàng thanh toán sớm nên được chiết khấu thanh toán 1% và Công ty TNHH Kiểm toán Es-Glocal đã chi khoản CKTT bằng chuyển khoản.
Cách hạch toán như sau:
1. Bên bán:
- Phản ánh khoản CKTT 1%:
Nợ TK 635 : 1% x 110.000.000 = 1.100.000
Có TK 112 : 1% x 110.000.000 = 1.100.000
2. Bên mua:
Nợ TK 112: 1.100.000
Có TK 515: 1.100.000
#4. Một số câu hỏi thường gặp về chiết khấu thanh toán
Hỏi: CKTT là gì?
Trả lời: CKTT là khoản tiền người bán giảm trừ cho người mua, do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn theo hợp đồng.
Hỏi: CKTT có phải kê khai, tính nộp thuế GTGT không?
Trả lời: CKTT không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT bạn nhé.
Hỏi: Cách hạch toán CKTT?
Trả lời: ES đã chia sẻ cách hạch toán chiết khấu thanh toán bạn xem tại đây nhé.
Như vậy, trên đây Hãng Kiểm toán ES vừa chia sẻ xong nội dung bài viết. Nếu có câu hỏi hay vướng mắc gì các bạn vui lòng đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/ hoặc để lại bình luận hoặc bên dưới bài viết toàn bộ các vấn đề về chiết khấu thanh toán. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!