Hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu được xác định như thế nào? Điều kiện hoàn thuế đối với doanh nghiệp là gì? Bộ hồ sơ hoàn thuế đầy đủ? Hãng Kiểm toán ES xin được chia sẻ đến bạn đọc qua bài viết dưới đây:

    Hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu
    Hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu

    #1. Hoàn thuế GTGT là gì?

    Hoàn thuế GTGT được hiểu là doanh nghiệp được nhà nước hoàn lại phần thuế GTGT sau khi doanh nghiệp đã hoàn thành xong nghĩa vụ thuế và vẫn còn dư phần thuế đầu vào thỏa mãn điều kiện được hoàn.

    #2. Các trường hợp hoàn thuế GTGT

    Hoàn thuế GTGT được áp dụng với các đối tượng sau:

    • Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ;
    • Cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư;
    • Cơ sở kinh doanh đang hoạt động thuộc đối tượng nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ có dự án đầu tư mới;
    • Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu;
    • Hoàn thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động có số thuế GTGT nộp thừa hoặc số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết;
    • Hoàn thuế GTGT đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo;
    • Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về ưu đãi miễn trừ ngoại giao mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam để sử dụng;
    • Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu hoặc giấy tờ nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp được hoàn thuế đối với hàng hoá mua tại Việt Nam mang theo người khi xuất cảnh;
    • Cơ sở kinh doanh có quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
    • Hoàn thuế GTGT theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

    Trong bài viết này, ES xin chia sẻ đến bạn đọc toàn bộ các quy định về trường hợp hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

    #3. Hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu

    Hoàn thuế đối với cơ sở kinh doanh kê khai theo tháng, quý mà trong tháng, quý có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên: áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài.

    Lưu ý: Doanh nghiệp cần hạch toán riêng số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu hoặc căn cứ vào tỷ trọng doanh thu xuất khẩu trên tổng doanh thu để xác định số thuế GTGT đầu vào phân bổ cho hàng xuất khẩu.

    Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu sau khi bù trừ với số thuế GTGT phải nộp của hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ trong nước còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu. Số thuế GTGT được hoàn của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu không vượt quá doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nhân (x) với 10%.

    Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế GTGT đối với trường hợp:

    • Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan;
    • Hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.

    Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không bị xử lý đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế, gian lận thương mại trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    #4. Đối tượng được hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu

    • Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩu: cơ sở có hàng hóa ủy thác xuất khẩu;
    • Đối với gia công chuyển tiếp: cơ sở ký hợp đồng gia công xuất khẩu với phía nước ngoài;
    • Đối với hàng hóa xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài: doanh nghiệp có hàng hóa, vật tư xuất khẩu thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài;
    • Đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ: cơ sở kinh doanh có hàng hóa xuất khẩu tại chỗ.

    #5. Xác định số thuế được hoàn cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

    Hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp khi xuất khẩu chịu thuế suất 0%, doanh nghiệp nếu đã nộp thuế được hoàn tương ứng với 2 trường hợp sau:

    #5.1 Doanh nghiệp chỉ phát sinh hoạt động xuất khẩu

    Doanh nghiệp được hoàn số thuế GTGT đã nộp ở khâu xuất khẩu theo tháng, quý (tùy thuộc việc doanh nghiệp kê khai tính thuế theo tháng hoặc theo quý), khi có số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu chưa khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên. Nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu dưới 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo. Số thuế GTGT được hoàn tối đa bằng 10% doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

    >>> Bạn đọc tham khảo điều kiện kê khai thuế GTGT theo tháng hay quý tại đây nhé!

    #5.2 Doanh nghiệp phát sinh cả hoạt động bán hàng nội địa và xuất khẩu

    Doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ hết từ 300 triệu đồng trở lên. Số thuế GTGT đầu vào hàng xuất khẩu còn lại sau khi bù trừ với thuế GTGT hàng nội địa phải nộp, tối đa được hoàn bằng 10% doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trong kỳ hoàn thuế.

    >>> Xem thêm bài viết Hướng dẫn hoàn thuế điện tử mới nhất hiện nay tại đây nhé!

    Theo đó, số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được hoàn được xác định như sau:

    Số thuế GTGT đầu vào phân bổ cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu = (Doanh thu xuất khẩu/ Tổng doanh thu) x Tổng thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ

    Thuế GTGT hàng nội địa phải nộp = Thuế GTGT đầu ra - (Doanh thu bán trong nước/ Tổng doanh thu) x Tổng thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ (nếu số này <0: doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT cho hàng hóa dịch vụ bán nội địa)

    Thuế GTGT hàng hóa dịch vụ xuất khẩu được hoàn = Số thuế GTGT đầu vào phân bổ cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu - Thuế GTGT hàng nội địa phải nộp

    Lưu ý: Số thuế GTGT tối đa được hoàn cho hàng hóa dịch vụ xuất khẩu = 10% x Doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

    Ví dụ 1: Quý II/2019 tờ khai thuế GTGT của doanh nghiệp Y có số liệu như sau:

    - Thuế GTGT còn được khấu trừ kỳ trước chuyển sang: 1,15 tỷ đồng.

    - Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong quý: 976 triệu đồng.

    - Tổng doanh thu (TDT) trong quý là 3,5 tỷ, trong đó: doanh thu xuất khẩu (DTXK) là 2,45 tỷ đồng, doanh thu bán trong nước chịu thuế GTGT là 1,05 tỷ đồng.

    - Thuế GTGT đầu ra của hàng hóa, dịch vụ bán trong nước là 105 triệu đồng.

    Số thuế GTGT được hoàn theo quý của hàng xuất khẩu được xác định như sau:

    • Tỷ trọng doanh thu xuất khẩu: 2,45/ 3,5 = 70%;
    • Thuế GTGT đầu vào phân bổ cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu: 70% x 0,976 = 0,6832 tỷ đồng;
    • Thuế GTGT hàng nội địa trong kỳ phải nộp: 0,105 - 1,15 - 0,976 x (1 - 70%) = -1,3378 (doanh nghiệp không phải nộp thuế GTGT đối với hàng bán trong nước);
    • Thuế GTGT đầu vào hàng xuất khẩu tối đa được hoàn 10% x 2,45 = 0,245 tỷ đồng > 300 triệu đồng.

    Do số thuế GTGT đầu vào phân bổ cho hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên 300 triệu đồng -> doanh nghiệp đủ điều kiện được hoàn thuế, tuy nhiên số thuế tối đa được hoàn bằng 0,245 tỷ đồng hay 245 triệu đồng.

    Chú ý: Đối với cơ sở kinh doanh thương mại mua hàng hóa để thực hiện xuất khẩu: số thuế GTGT đầu vào được hoàn cho hàng hóa xuất khẩu được xác định như sau:

    Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu

    =

    〈Số thuế GTGT chưa khấu trừ hết của tháng/quý

    -

    Số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa còn tồn kho cuối tháng/quý〉

    x

    Tổng doanh thu xuất khẩu trong kỳ

    x 100%

    Tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ trong kỳ bán ra chịu thuế (bao gồm cả doanh thu xuất khẩu)

    Nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã tính phân bổ như trên chưa được khấu trừ nhỏ hơn 300 triệu đồng: doanh nghiệp không được xét hoàn thuế theo tháng/quý mà kết chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo;

    Nếu số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT theo tháng/quý.

    Ví dụ: Tháng 5/2014 tờ khai thuế GTGT của doanh nghiệp thương mại XNK B có số liệu:

    - Thuế GTGT kỳ trước chuyển sang: 400 triệu đồng.

    - Thuế GTGT đầu vào phục vụ hoạt động xuất khẩu, phục vụ hoạt động kinh doanh trong nước chịu thuế phát sinh trong tháng: 800 triệu đồng.

    - Tổng doanh thu (TDT) phát sinh là 1,36 tỷ, trong đó: doanh thu xuất khẩu (DTXK) là 400 triệu đồng, doanh thu bán trong nước chịu thuế GTGT là 960 triệu đồng.

    Tỷ lệ % DTXK/TDT = 0,4/1,36 x 100% = 29,4%.

    - Thuế GTGT đầu ra của hàng hóa, dịch vụ bán trong nước là 840 triệu đồng.

    - Giá trị hàng hóa tồn kho có thuế GTGT đầu vào cuối tháng 5/2014 là 3 tỷ đồng, tương đương thuế GTGT đầu vào đã kê khai, khấu trừ là 300 triệu đồng (thuế suất là 10%)

    Số thuế GTGT được hoàn theo tháng của hàng xuất khẩu được xác định như sau:

    Số thuế GTGT chưa khấu trừ hết của tháng = 840 - (400 + 800) = -360 triệu đồng

    Số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ sau khi loại trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, nguyên vật liệu còn tồn kho là: 360 - 300 = 60 triệu đồng

    Số thuế GTGT đầu vào của hàng xuất khẩu = 60 x 29,4% = 17,64 triệu đồng <300 triệu đồng

    --> Doanh nghiệp không được hoàn thuế, số thuế này được kết chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo.

    #6. Điều kiện hoàn thuế

    Doanh nghiệp trong kỳ phát sinh hoạt động xuất khẩu được hoàn thuế khi đáp ứng các điều kiện sau:

    • Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư hợp pháp
    • Đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
    • Lập và lưu giữ sổ kế toán, chứng từ kế toán theo quy định của pháp luật
    • Có tài khoản tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp
    • Trong kỳ doanh nghiệp phát sinh hoạt động xuất khẩu, thỏa mãn số thuế GTGT chưa khấu trừ của hhdv xuất khẩu (hoặc chưa được khấu trừ hết) từ 300 triệu đồng trở lên
    • Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu, cụ thể như sau

    #7. Hồ sơ hoàn thuế

    Hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu bao gồm các giấy tờ sau:

    • Hợp đồng bán, gia công hàng hóa cung ứng dịch vụ cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài. Đối với trường hợp ủy thác xuất khẩuhợp đồng ủy thác xuất khẩu và biên bản thanh lý hợp đồng (trường hợp đã kết thúc hợp đồng) hoặc biên bản đối chiếu công nợ định kỳ giữa bên ủy thác xuất khẩu và bên nhận ủy thác xuất khẩu
    • Tờ khai hải quan đối với hàng xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan;
    • Hàng hóa dịch vụ xuất khẩu phải thanh toán qua ngân hàng;
    • Hóa đơn thương mại, theo đó ngày xác định doanh thu xuất khẩu để tính thuế là ngày xác nhận hoàn tất thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan.

    Lưu ý: thanh toán qua ngân hàng được hiểu là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang bên xuất khẩu theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định trên hợp đồng và tại ngân hàng

    • Trường hợp thanh toán chậm trả: phải có quy định trên hợp đồng;
    • Trường hợp ủy thác xuất khẩu: phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên nhập khẩu cho bên nhận ủy thác, tương tự của bên nhận ủy thác cho bên ủy thác.
    • Các trường hợp được coi là thanh toán qua ngân hàng: bao gồm các trường hợp như sau:

    + Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được thanh toán cấn trừ vào khoản tiền vay nợ nước ngoài;

    + Cơ sở kinh doanh xuất khẩu sử dụng tiền thanh toán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu để góp vốn với cơ sở nhập khẩu ở nước ngoài;

    + Bên nước ngoài ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán (với điều kiện việc thanh toán theo ủy quyền phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu);

    + Phía nước ngoài yêu cầu bên thứ 3 là tổ chức ở Việt Nam thanh toán bù trừ công nợ với phía nước ngoài bằng thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền phía nước ngoài phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu, việc yêu cầu thanh toán bù trừ công nợ nêu trên có quy định trong hợp đồng xuất khẩu;

    + Phía nước ngoài (bên nhập khẩu) ủy quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán; bên thứ ba yêu cầu tổ chức ở Việt Nam (bên thứ tư) thanh toán bù trừ công nợ với bên thứ ba bằng việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền bên nhập khẩu phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu;

    + Phía nước ngoài ủy quyền cho Văn phòng đại diện tại Việt Nam thực hiện thanh toán vào tài khoản của bên xuất khẩu và việc ủy quyền thanh toán nêu trên có quy định trong hợp đồng xuất khẩu;

    + Phía nước ngoài (trừ trường hợp phía nước ngoài là cá nhân) thanh toán từ tài khoản tiền gửi vãng lai của phía nước ngoài mở tại các tổ chức tín dụng tại Việt Nam thì việc thanh toán này phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu;

    + Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài nhưng vì lý do khách quan phía nước ngoài từ chối không nhận hàng và cơ sở kinh doanh tìm được khách hàng mới cùng quốc gia với khách hàng ký kết hợp đồng mua bán ban đầu để bán lô hàng trên;

    + Các trường hợp thanh toán khác theo quy định của Chính phủ.

    Một số trường hợp không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng nhưng vẫn được hoàn thuế bao gồm:

    • Đối với trường hợp bên nước ngoài mất khả năng thanh toán: cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng;
    • Đối với trường hợp hàng hóa xuất khẩu không đảm bảo chất lượng phải tiêu hủy, cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng biên bản tiêu hủy kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với chi phí tiêu hủy hoặc kèm giấy tờ chứng minh chi phí tiêu hủy thuộc trách nhiệm của người mua hoặc bên thứ ba;
    • Hàng hóa xuất khẩu bị tổn thất: cơ sở xuất khẩu hàng hóa phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng;

    >>> Bạn đọc tham khảo chi tiết hồ sơ hoàn thuế GTGT hàng nhập khẩu đối với từng trường hợp nêu trên tại đây nhé!

    Ví dụ: <1> TH hhdv xuất khẩu được thanh toán cấn trừ vào khoản tiền vay nợ nước ngoài, doanh nghiệp cần chuẩn bị:

    + Hợp đồng vay nợ (đối với những khoản vay tài chính dưới 01 năm); hoặc giấy xác nhận đăng ký khoản vay của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (đối với những khoản vay trên 01 năm).

    + Chứng từ chuyển tiền qua ngân hàng (chú ý: phương thức thanh toán hhdv xuất khẩu cấn trừ vào khoản nợ vay nước ngoài phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu.)

    + Bản xác nhận của phía nước ngoài về cấn trừ khoản nợ vay.

    + TH sau cấn trừ giá trị hhdv xuất khẩu vào khoản nợ vay của nước ngoài có chênh lệch: số chênh lệch phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

    <2> TH hhdv xuất khẩu thanh toán bằng hàng (tức là việc thanh toán giữa doanh nghiệp Việt Nam và phía nước ngoài đưuọc thực hiện dưới hình thức bù trừ giữa giá trị hhdv xuất khẩu, tiền công gia công hàng hóa xuất khẩu với giá trị hhdv mua của phía nước ngoài).

    Hhdv xuất khẩu thanh toán bằng hàng phải có thêm thủ tục hồ sơ như sau:

    + Phương thức thanh toán đối với hàng xuất khẩu bằng hàng phải được quy định trong hợp đồng xuất khẩu;

    + Hợp đồng mua hhdv của phía nước ngoài;

    + Tờ khai hải quan về hàng hóa nhập khẩu thanh toán bù trừ với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.

    + Văn bản xác nhận với phía nước ngoài về việc số tiền thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa nhập khẩu, dịch vụ mua của phía nước ngoài.

    + TH sau khi thanh toán bù trừ phát sinh chênh lệch giữa giá trị hhdv vụ xuất khẩu và giá trị hhdv nhập khẩu: số chênh lệch phải thực hiện thanh toán qua Ngân hàng.

    #8. Các trường hợp làm hồ sơ hoàn thuế không cần tờ khai hải quan

    TH1: Cơ sở kinh doanh xuất khẩu phần mềm qua phương tiện điện tử: thay vì phải khai tờ khai hải quan, cơ sở kinh doanh phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để xác nhận bên mua đã nhận được hàng theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử;

    TH2: Hoạt động xây lắp công trình ở nước ngoài hoặc trong khu phi thuế quan;

    TH3: Cơ sở kinh doanh cung cấp điện nước, văn phòng phẩm và hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất gồm lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng (bao gồm cả đồ bảo hộ lao động: áo, mũ, giày, ủng, găng tay)

    #9. Hoàn thuế GTGT đầu vào đối với hàng hóa dịch vụ được coi như xuất khẩu

    Các trường hợp hàng hóa dịch vụ được coi như xuất khẩu bao gồm:

    • Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài;
    • Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật;
    • Hàng hóa, vật tư do doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài;
    • Hàng hóa, vật tư do cơ sở kinh doanh trong nước bán cho doanh nghiệp Việt Nam để thực hiện công trình xây dựng ở nước ngoài và thực hiện giao hàng hóa tại nước ngoài theo Hợp đồng ký kết;

    >>> Hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho các trường hợp này, bạn đọc tham khảo tại đây nhé!

    #10. Các câu hỏi thường gặp

    Hỏi: Số thuế GTGT hàng xuất khẩu tối đa được hoàn là bao nhiêu?

    Đáp: Thuế GTGT hàng xuất khẩu được hoàn tối đa bằng 10% doanh thu xuất khẩu.

    Hỏi: Trường hợp nào làm hồ sơ hoàn thuế không cần tờ khai hải quan?

    Đáp: Các trường hợp làm hồ sơ hoàn thuế không cần tờ khai hải quan bao gồm:

    • Cơ sở kinh doanh xuất khẩu phần mềm qua phương tiện điện tử;

    • Hoạt động xây lắp công trình ở nước ngoài hoặc trong khu phi thuế quan;

    • Cơ sở kinh doanh cung cấp điện nước, văn phòng phẩm và hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày của doanh nghiệp chế xuất (đồ bảo hộ, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng).

    Hỏi: Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu xác định thế nào?

    Đáp: Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa dịch vụ xuất khẩu = (Doanh thu xuất khẩu / Tổng doanh thu) x Thuế GTGT đầu vào phát sinh trong kỳ.

    Trên đây là những chia sẻ của Hãng Kiểm toán ES về Hoàn thuế GTGT hàng xuất khẩu. Nếu có chỗ nào chưa hiểu hoặc vướng mắc, các bạn có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/

    Nếu các bạn cần dịch vụ lập hồ sơ hoàn thuế thì đừng quên liên hệ với chúng tôi nhé. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.