Hướng dẫn cách kê khai thuế nhà thầu qua mạng đối với tờ khai 01/NTNN bằng phần mềm hỗ trợ kê khai (HTKK) đối với trường hợp bên Việt Nam khấu trừ và nộp thuế thay cho Nhà thầu nước ngoài (NTNN)

Hiện nay việc kê khai thuế nhà thầu trở nên thuận tiện hơn trước khá nhiều. Với 03 (ba) cách thức nộp tờ khai thuế nhà thầu như:

  • Nộp trực tiếp tại CQT (hiện này ít áp dụng);
  • Nộp tờ khai thuế qua mạng;
  • Nộp trực tuyến trên hệ thống iHTKK hoặc Thuế điện tử (ETAX).

Với phương thức nộp tờ khai thuế nhà thầu trực tiếp tại cơ quan thuế ít áp dụng do: Tốn thời gian, ký tá phức tạp, phải bảo quản tờ khai, ... và hơn nữa khá nhiều CQT không nhận tờ khai bằng bản cứng trực tiếp tại CQT.

Để thực hiện kê khai thuế nhà thầu các bạn thực hiện lần lượt các bước:

  • Bước 1: Tải phần mềm HTKK mới nhất;
  • Bước 2: Cài đặt phần mềm HTKK vừa tải về vào máy tính;
  • Bước 3: Cập nhật thông tin doanh nghiệp vào phần mềm HTKK;
  • Bước 4: Lập tờ khai thuế nhà thầu trên HTKK;
  • Bước 5: Kết xuất tờ khai thuế nhà thầu;
  • Bước 6: Nộp tờ khai thuế nhà thầu qua mạng/nộp trực tuyến/in và nộp trực tiếp;

Để tiện theo dõi việc lập và kê khai thuế nhà thầu các bạn xem những nội dung chính bên dưới nhé.

Giờ các bạn tiến hành việc kê khai thuế nhà thầu lần lượt theo các bước ở trên nhé.

Bước 1: Tải phần mềm HTKK mới nhất về máy tính

Các bạn truy cập vào hệ thống Tổng cục thuế hoặc tải phần mềm HTKK mới nhất tại đây nhé.

>>> Xem thêm Phần mềm HTKK mới nhất tại đây nhé!

Sau khi tải phần mềm HTKK này về rồi, các bạn tiến hành giải nén và từng bước để cài đặt phần mềm HTKK mới nhất này về máy tính;

Bước 2: Cài đặt phần mềm HTKK vừa tải về vào máy tính

Việc cài đặt phần mềm HTKK này khá đơn giản, các bạn CLICK vào biểu tưởng cài đặt và tiến hành Next, Next, Finish để tiến hành hoàn thành việc cài đặt này.

Nếu các bạn chưa biết cài đặt phần mềm này thì các bạn tham khảo hướng dẫn cài đặt phần mềm HTKK của chúng tôi nhé

>>>Các bạn xem thêm hướng dẫn cài đặt phần mềm HTKK tại đây nhé bạn!

Lưu ý: Việc cài đặt phần mềm này khá đơn giản, nhưng nếu trong máy tính các bạn đã tồn tại phần mềm HTKK đã cài đặt rồi, nhưng giờ cập nhật phiên bản mới hơn thì các bạn cập nhật trực tiếp hoặc cài đặt phiên bản mới thì phải sao lưu dữ liệu HTKK lại trước. Sau đó mới tiến hành cài đặt, tránh trường hợp mất dữ liệu đáng tiếc nhé.

Trường hợp, các bạn chưa biết các sao lưu, chuyển đổi và phục hồi dữ liệu HTKK thì xem thêm bài viết dưới đây của chúng tôi nhé.

>>>Xem thêm hướng dẫn cách sao lưu và phục hồi dữ liệu trong HTKK tại đây nhé!

Như mình biết thì hiện nay các bạn đều đã có phần mềm HTKK mới nhất ở máy tính rồi. Trường hợp các bạn chưa nộp tờ khai thuế qua mạng bằng HTKK lần nào thì xem thêm hướng dẫn nộp tờ khai thuế qua mạng từ A-Z nhé.

Bước 3: Cập nhật thông tin doanh nghiệp vào phần mềm HTKK

Giờ mình hướng dẫn các bạn cập nhật dữ liệu ở Hệ thống của phần mềm HTKK này.

Kê khai các thông tin hệ thống HTKK
Kê khai các thông tin hệ thống HTKK

(01) - Nếu doanh nghiệp của bạn chưa có dữ liệu trong phần mềm HTKK này;

(02) - Nếu doanh nghiệp bạn đã có dữ liệu, truy cập vào HTKK để kiểm tra thông tin;

Các bạn vào phần mềm vào phân hệ "Hệ thống" --> Thông tin doanh nghiệp/Thông tin người nộp thuế để cập nhật các thông tin của DN của bạn.

Bước 4: Lập tờ khai thuế nhà thầu trên HTKK

Bước này rất quan trọng nhé, Mình hướng dẫn từng bước cách lập tờ kê khai thuế nhà thầu trên phần mềm HTKK nhé. Các bạn làm lần lượt các bước bên dưới:

B1 - Các bạn đăng nhập vào phần mềm HTKK để bắt đầu kê khai

Các bạn đăng nhập bằng mã số thuế nhà thầu (nhà thầu Việt Nam) kê khai thuế nhà thầu thay nhé

Đăng nhập vào hệ thống HTKK
Đăng nhập vào hệ thống HTKK bằng MST nhà thầu VN nộp thay

B2 - Các bạn truy cập vào phân hệ thuế nhà thầu, chọn tờ khai thuế

Chi tiết các loại tờ khai thuế nhà thầu như sau:

  • Tờ khai thuế nhà thầu nước ngoài (01/NTNN) - Dành cho trường hợp bên Việt Nam khấu trừ và nộp thuế thay cho NTNN;
  • Tờ khai Quyết toán thuế NTNN (02/NTNN) - Dành cho trường hợp bên Việt Nam khấu trừ và nộp thuế thay cho NTNN;
  • Tờ khai thuế nhà thầu nước ngoài (03/NTNN) - Dành cho NTNN trực tiếp nộp thuế TNDN theo tỷ lệ trên doanh thu tính thuế
  • Tờ khai Quyết toán thuế NTNN (04/NTNN) - Dành cho NTNN trực tiếp nộp thuế TNDN theo tỷ lệ trên doanh thu tính thuế

Các bạn lựa chọn tờ khai thuế nhà thầu cho phù hợp với trường hợp bên mình. Thông thường sẽ là tờ khai thuế nhà thầu mẫu 01/NTNN nhé.

Lưa chọn phân hệ thuế nhà thầu
Lưa chọn phân hệ thuế nhà thầu

B3: Lựa chọn kỳ tính thuế nhà thầu cho phù hợp

Lựa chọn kỳ tính thuế nhà thầu
Lựa chọn kỳ tính thuế nhà thầu

Các bạn điền các thông tin thuế nhà thầu: Tờ khai từng lần phát sinh, ngày tháng, tờ khai lần đầu hay tờ khai bổ sung, ==> Đồng ý

B4: Các bạn tiến hành kê khai các thông tin tờ khai 01/NTNN

Cập nhật thông tin tờ khai thuế nhà thầu
Cập nhật thông tin tờ khai thuế nhà thầu

Cột 1: “Nội dung”

Chỉ tiêu này phản ánh nội dung công việc mà NTNN thực hiện theo từng hợp đồng ký kết với Bên Việt Nam. Người nộp thuế khai vào chỉ tiêu này chi tiết các hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ của Nhà thầu theo các nhóm ngành nghề tương ứng theo hợp đồng, với các mức tỷ lệ GTGT, tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu... khác nhau.

Trường hợp Bên Việt Nam ký hợp đồng với nhiều NTNN hoặc một Nhà thầu nước ngoài nhưng có nhiều hợp đồng Nhà thầu thì kê khai riêng theo từng hợp đồng thầu.

Ví dụ 1: Doanh nghiệp A tại Việt Nam ký hợp đồng mua dây chuyền máy móc thiết bị cho Dự án Nhà máy xi măng với Doanh nghiệp B tại nước ngoài. Doanh nghiệp B sẽ thực hiện bán máy móc thiết bị và cung cấp dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, giám sát lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng cho Doanh nghiệp A thì tại cột (1) “Nội dung” của Tờ khai được ghi như sau:

- Bán dây chuyền máy móc thiết bị

- Dịch vụ hướng dẫn lắp đặt, giám sát lắp đặt, bảo hành, bảo dưỡng

(*) Trường hợp trong hợp đồng nhà thầu có các hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ tính thuế theo tỷ lệ GTGT, tỷ lệ thuế thu nhập doanh nghiệp tính trên doanh thu khác nhau thì NNT khai thuế tách riêng giá trị của từng hoạt động kinh doanh; nếu không tách riêng được thì khai chung vào một dòng và áp dụng tỷ lệ GTGT, tỷ lệ thuế TNDN cao nhất cho toàn bộ giá trị hợp đồng.

Cột 2: “Mã số thuế”

Tại chỉ tiêu này, người nộp thuế ghi mã số thuế của các NTNN thực hiện hợp đồng Nhà thầu.

Cột 3: “Hợp đồng số ... ngày ... tháng ...”

Người nộp thuế ghi thông tin về hợp đồng Nhà thầu với từng NTNN, bao gồm: số hợp đồng và ngày, tháng ký hợp đồng giữa Bên Việt Nam và Nhà thầu.

Cột 4: “Số tiền thanh toán kỳ này”

Chỉ tiêu này phản ánh số tiền thực thanh toán trong kỳ của Bên Việt Nam cho Nhà thầu nước ngoài. Số tiền thanh toán được kê khai chi tiết theo từng nội dung công việc trong hợp đồng.

Trường hợp trong tháng có nhiều lần thanh toán cho cùng một hợp đồng Nhà thầu, số tiền ghi vào chỉ tiêu này là tổng cộng số tiền thanh toán trong tháng.

Cột 5: “Ngày thanh toán”

Bắt buộc nhập thông tin 'Ngày thanh toán'. Tờ khai theo lần phát sinh: Ngày thanh toán mặc định hiển thị bằng kỳ tính thuế, không cho sửa.

Cho phép trùng giá trị ngày thanh toán giữa các dòng.

Tờ khai theo tháng: 'Ngày thanh toán' bắt buộc nhập và phải thuộc kỳ tính thuế.

Cột 6: “Doanh thu tính thuế”

Số liệu ghi vào cột này là doanh thu tính thuế GTGT do NTNN cung cấp dịch vụ, dịch vụ gắn với hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, chưa trừ các khoản thuế phải nộp mà NTNN nhận được, kể cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu (nếu có).

Số liệu để kê khai vào chỉ tiêu này trong một số trường hợp được xác định như sau:

- Trường hợp theo thoả thuận tại hợp đồng Nhà thầu, doanh thu NTNN nhận được không bao gồm thuế GTGT phải nộp thì doanh thu tính thuế GTGT phải được quy đổi thành doanh thu có thuế GTGT và được xác định theo công thức:

Doanh thu tính thuế GTGT = Doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT
1 - Tỷ lệ (%) GTGT trên doanh thu x thuế suất thuế GTGT

Ví dụ 2: Nhà thầu nước ngoài C cung cấp cho Bên Việt Nam dịch vụ giám sát kỹ thuật xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm H, giá trị hợp đồng chưa bao gồm thuế GTGT là 500.000 USD. Ngoài ra, Bên Việt Nam thu xếp chỗ ở và làm việc cho nhân viên quản lý của Nhà thầu với giá trị là 30.000 USD. Theo hợp đồng, Bên Việt Nam chịu trách nhiệm trả thuế GTGT thay cho NTNN. Theo quy định tại Thông tư số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính, tỷ lệ GTGT tính trên doanh thu là 50% và thuế suất thuế GTGT là 10%. Việc xác định doanh thu tính thuế GTGT NTNN như sau:

Doanh thu tính thuế GTGT = 500.000 + 30.000 = 557.894,74 USD
1 - 50% x 10%

Số tiền 557.894,74 USD này được xác định là doanh thu tính thuế GTGT của hợp đồng Nhà thầu nước ngoài C. Khi thanh toán tiền cho Nhà thầu, Bên Việt nam quy đổi số tiền này ra đồng Việt Nam khai vào chỉ tiêu (6) của Tờ khai thuế Nhà thầu nước ngoài.

- Trường hợp NTNN ký hợp đồng với Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện khai thuế, nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế để giao bớt một phần giá trị công việc trong hợp đồng Nhà thầu đã ký với Bên Việt Nam thì doanh thu tính thuế GTGT của Nhà thầu nước ngoài không bao gồm giá trị công việc, giá trị máy móc thiết bị do Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện.

Ví dụ 3: NTNN A ký hợp đồng xây dựng nhà máy xi măng Z với Bên Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng là 50 triệu USD (giá đã bao gồm thuế GTGT). Nhà thầu nước ngoài A đã ký hợp đồng với Công ty B của Việt Nam để giao một phần công việc xây lắp cho Công ty B thực hiện (Công ty B là nhà thầu phụ) với giá trị là 10 triệu USD. Doanh thu tính thuế GTGT của NTNN A trong trường hợp này được xác định như sau:

Doanh thu tính thuế GTGT = 50 triệu USD – 10 triệu USD = 40 triệu USD

- Trường hợp Nhà thầu phụ là Nhà thầu phụ nước ngoài không khai thuế, nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế GTGT của Nhà thầu nước ngoài là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được theo hợp đồng ký với Bên Việt Nam.

- Trường hợp hợp đồng nhà thầu có nhiều hoạt động kinh doanh, trong đó có một phần giá trị hợp đồng không thuộc diện chịu thuế GTGT thì doanh thu tính thuế của NTNN chỉ bao gồm phần doanh thu của hoạt động chịu thuế GTGT.

- Đối với dịch vụ giao nhận, kho vận quốc tế, doanh thu tính thuế GTGT không bao gồm cước vận chuyển quốc tế phải trả cho hãng vận chuyển (hàng không, đường biển).

- Đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài, doanh thu tính thuế GTGT là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được.

Cột 7: “Tỷ lệ GTGT”

Người nộp thuế xác định tỷ lệ (%) GTGT tính trên doanh thu tính thuế đối với hoạt động kinh doanh do Nhà thầu nước ngoài thực hiện theo hợp đồng và ghi vào chỉ tiêu này. Tỷ lệ (%) GTGT được quy định tại Thông tư số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính và được xác định cho từng ngành nghề cụ thể như sau:

STT Ngành kinh doanh Tỷ lệ (%) GTGT tính trên doanh thu tính thuế
1 Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm 50
2

a) Xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng

30
b) Xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu hoặc máy móc, thiết bị đi kèm công trình xây dựng 50
3 Vận tải, sản xuất, kinh doanh khác 30

- Trường hợp trong hợp đồng Nhà thầu có nhiều hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ khác nhau và tách riêng được giá trị của từng hoạt động trong hợp đồng thì người nộp thuế kê khai và xác định tỷ lệ GTGT tính trên doanh thu tính thuế theo từng hoạt động kinh doanh.

- Đối với hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ hướng dẫn, lắp đặt, đào tạo, vận hành, chạy thử..., nếu tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ khác thì khi xác định số thuế GTGT phải nộp áp dụng tỷ lệ GTGT của từng phần giá trị hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ GTGT trên doanh thu tính thuế là 30%.

Cột 8: “Thuế GTGT phải nộp”

Chỉ tiêu này phản ánh tiền thuế GTGT phải nộp của NTNN trong kỳ tính thuế.

Thuế GTGT phát sinh trong kỳ được tính theo công thức:

Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ (%) GTGT x Thuế suất thuế GTGT

Chi tiết:

Chỉ tiêu (8) = Chỉ tiêu (6) x Chỉ tiêu (7)

Cột 9: “Doanh thu tính thuế”

Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu tính thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của Nhà thầu nước ngoài theo quy định. Doanh thu tính thuế TNDN của NTNN là toàn bộ doanh thu không bao gồm thuế GTGT, chưa trừ các khoản thuế phải nộp (nếu có) mà Nhà thầu nước ngoài nhận được. Doanh thu tính thuế TNDN được tính bao gồm cả các khoản chi phí do Bên Việt Nam trả thay Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài (nếu có).

Cách xác định Doanh thu tính thuế Thu nhập doanh nghiệp để khai vào chỉ tiêu này trong một số trường hợp được xác định như sau:

- Trường hợp theo hợp đồng, doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được không bao gồm thuế TNDN phải nộp thì doanh thu tính thuế TNDN được xác định theo công thức:

Doanh thu tính thuế TNDN = Doanh thu không bao gồm thuế TNDN
1 - Tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

Ví dụ 4: NTNN C cung cấp cho Bên Việt Nam dịch vụ giám sát kỹ thuật xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm H, giá trị hợp đồng chưa bao gồm thuế GTGT là 500.000 USD. Ngoài ra, Bên Việt Nam thu xếp chỗ ở và làm việc cho nhân viên quản lý của Nhà thầu với giá trị là 50.000 USD. Theo hợp đồng, Bên Việt Nam chịu trách nhiệm trả thuế GTGT, thuế TNDN thay cho Nhà thầu nước ngoài. Theo quy định tại Thông tư số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính, tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu là 5%. Việc xác định doanh thu tính thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài như sau:

Doanh thu tính thuế TNDN = 500.000 + 50.000 = 578.947,37 USD
1 - 50% x 10%

Số tiền 578.947,37 USD này được xác định là doanh thu tính thuế TNDN của hợp đồng Nhà thầu nước ngoài C. Khi thanh toán tiền cho Nhà thầu, Bên Việt nam quy đổi số tiền này ra đồng Việt Nam khai vào chỉ tiêu (10) của Tờ khai thuế Nhà thầu nước ngoài.

- Trường hợp NTNN ký hợp đồng với Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc NTNN ngoài thực hiện kê khai thuế nhà thầu, nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế để giao bớt một phần giá trị công việc được quy định tại Hợp đồng nhà thầu đã ký với Bên Việt Nam thì doanh thu tính thuế TNDN của Nhà thầu nước ngoài không bao gồm giá trị công việc, giá trị máy móc, thiết bị do Nhà thầu phụ Việt Nam hoặc Nhà thầu phụ nước ngoài thực hiện. Trường hợp này không áp dụng trong trường hợp Nhà thầu nước ngoài ký hợp đồng với các nhà cung cấp tại Việt Nam để mua hàng hoá, dịch vụ phục vụ việc thực hiện Hợp đồng nhà thầu.

- Đối với trường hợp cho thuê máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ tiền cho thuê.

- Đối với dịch vụ chuyển phát quốc tế từ Việt Nam đi nước ngoài, doanh thu tính thuế TNDN là toàn bộ doanh thu Nhà thầu nước ngoài nhận được.

- Đối với chuyển nhượng chứng khoán, doanh thu tính thuế TNDN được xác định như sau:

+ Đối với chuyển nhượng chứng khoán (trừ trái phiếu thuộc diện miễn thuế) là tổng doanh thu bán chứng khoán tại thời điểm chuyển nhượng;

+ Đối với lãi trái phiếu (trừ trái phiếu thuộc diện miễn thuế) là tổng doanh thu bán trái phiếu (bao gồm mệnh giá ghi trên trái phiếu và số lãi trái phiếu nhận được) tại thời điểm nhận lãi.

Cột 10: “Tỷ lệ thuế TNDN”

Người nộp thuế xác định tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế đối với hoạt động kinh doanh do NTNN thực hiện theo hợp đồng và ghi vào chỉ tiêu này. Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu được quy định tại Thông tư số 134/2008/TT-BTC ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính và được xác định cho từng ngành nghề:

STT

Ngành kinh doanh

Tỷ lệ (%) thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế

1

Thương mại: Phân phối, cung cấp hàng hoá, nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị gắn với dịch vụ tại Việt Nam

1%

2

Dịch vụ, cho thuê máy móc thiết bị, bảo hiểm

5%

3

Xây dựng (bao gồm cả có bao thầu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị)

2%

4

Hoạt động sản xuất, kinh doanh khác, vận chuyển (bao gồm vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không)

2%

5

Cho thuê tàu bay, động cơ tàu bay, phụ tùng tàu bay, tàu biển

2%

6

Tái bảo hiểm

2%

7

Chuyển nhượng chứng khoán

0,1%

8

Lãi tiền vay

10%

9

Thu nhập bản quyền

10%

- Trường hợp trong hợp đồng Nhà thầu có nhiều hoạt động kinh doanh, cung ứng dịch vụ khác nhau và tách riêng được giá trị của từng hoạt động trong hợp đồng thì người nộp thuế kê khai và xác định tỷ lệ thuế TNDN tính trên doanh thu tính thuế theo từng hoạt động kinh doanh. Trường hợp không tách riêng được giá trị từng hoạt động kinh doanh thì áp dụng tỷ lệ thuế TNDN đối với ngành nghề kinh doanh có tỷ lệ thuế TNDN cao nhất cho toàn bộ giá trị hợp đồng.

- Đối với hợp đồng cung cấp máy móc thiết bị có kèm theo các dịch vụ hướng dẫn, lắp đặt, đào tạo, vận hành, chạy thử..., nếu tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ khác thì khi xác định số thuế TNDN phải nộp áp dụng tỷ lệ thuế TNDN riêng của từng phần giá trị hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không tách riêng được giá trị máy móc thiết bị và giá trị các dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ thuế TNDN trên doanh thu tính thuế là 2%.

Cột 11: “Số thuế được miễn giảm theo Hiệp định”

Chỉ tiêu này phản ánh số thuế được miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký kết giữa Việt Nam và Quốc gia/vùng lãnh thổ mà Nhà thầu nước ngoài thuộc đối tượng cư trú.

Trường hợp NTNN thuộc diện được miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định thì Bên Việt Nam ký hợp đồng gửi cho cơ quan thuế Hồ sơ thông báo thuộc diện miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định trong thời hạn 15 ngày trước thời hạn khai thuế. Trường hợp năm trước đó đã thông báo thuộc diện miễn, giảm thuế theo Hiệp định thì các năm tiếp theo chỉ cần thông báo các bản chụo hợp đồng kinh tế mới ký kết với các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam và nước ngoài (nếu có) có xác nhận của người nộp thuế.

Trường hợp NTNN không thuộc diện miễn thuế, giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì không kê khai vào chỉ tiêu này

Cột 12: “Thuế TNDN phải nộp”

Chỉ tiêu này xác định thuế TNDN phải nộp của NTNN trong kỳ tính thuế.

Thuế TNDN phải nộp trong kỳ được xác định theo công thức:

Thuế TNDN phải nộp

=

Doanh thu tính thuế TNDN

x

Tỷ lệ thuế TNDN

-

Số thuế được miễn, giảm theo Hiệp định

Chi tiết công thức:

Chỉ tiêu (12)

=

Chỉ tiêu (09)

x

Chỉ tiêu (10)

-

Chỉ tiêu (11)

Cột 13: “Tổng số thuế phải nộp vào NSNN”

Chỉ tiêu này phản ánh tổng số thuế phải nộp vào Ngân sách nhà nước trong kỳ đối với từng Nhà thầu nước ngoài.

Tổng số thuế phải nộp Ngân sách được xác định theo công thức:

Tổng số thuế phải nộp NSNN

=

Thuế GTGT phải nộp

+

Thuế TNDN phải nộp

Chi tiết công thức:

Chỉ tiêu (13)

=

Chỉ tiêu (8)

+

Chỉ tiêu (12)

Tổng Cột (6):

Số liệu ghi vào cột này là tổng cộng doanh số tính thuế GTGT (bao gồm cả thuế GTGT).

Tổng Cột (8):

Số liệu ghi vào cột này là tổng cộng thuế GTGT phải nộp trong kỳ của NTNN trong kỳ.

Tổng Cột (9):

Số liệu ghi vào cột này là tổng cộng doanh thu tính thuế TNDN (bao gồm cả thuế TNDN).

Tổng Cột (11):

Số liệu ghi vào cột này là tổng cộng số thuế được miễn giảm theo Hiệp định của NTNN trong kỳ.

Tổng Cột (12):

Số liệu ghi vào cột này là tổng cộng thuế TNDN phải nộp trong kỳ của NTNN trong kỳ.

Tổng Cột (13):

Số liệu ghi vào cột này là tổng cộng số thuế phải nộp NSNN mà Bên Việt Nam khấu trừ và nộp thuế thay cho NTNN.

B5: Các bạn thực hiện ghi dữ liệu

Các bạn tiến hành ghi dữ liệu, phần mềm cảnh báo ghi dữ liệu thành công như hình bên dưới:

Ghi dữ liệu thành công
Ghi dữ liệu thành công

Bước 5: Kết xuất tờ khai thuế nhà thầu;

Kết xuất file xml nộp tờ khai thuế nhà thầu qua mạng
Kết xuất file xml nộp tờ khai thuế nhà thầu qua mạng

Tiếp đến:

Lưu tờ khai thuế nhà thầu
Lưu tờ khai thuế nhà thầu

Note: Các bạn lưu không nên đổi tên file và lưu ở Desktop để nộp xong, sau khi nộp xong các bạn lưu vào file dữ liệu để lưu trữ sau nhé.

Như vậy, là các bạn đã hoàn thành việc kê khai thuế nhà thầu rồi nhé. Bước tiếp theo là các bạn thực hiện nộp tờ khai thuế qua mạng thôi.

Bước 6: Nộp tờ khai thuế nhà thầu qua mạng / nộp trực tuyến / in và nộp trực tiếp;

Nộp tờ khai thuế nhà thầu qua mạng cũng tương tự như nộp tất cả các tờ khai thuế qua mạng khác, nếu các bạn chưa biết cách nộp tờ khai thuế nhà thầu thì xem bài bên dưới nhé.

>>> Xem thêm hướng dẫn nộp tờ khai thuế qua mạng tại đây nhé!

Một số câu hỏi thường gặp về kê khai thuế nhà thầu

Hỏi: Thời điểm kê khai thuế nhà thầu như thế nào?

Trả lời: Thời điểm kê khai thuế nhà thầu được căn cứ như sau:

- Kê khai thuế nhà thầu theo lần phát sinh

Khai thuế đối với trường hợp nộp thuế GTGT tính trực tiếp trên GTGT, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ % tính trên doanh thu là loại khai theo lần phát sinh thanh toán tiền cho NTNN và khai quyết toán khi kết thúc hợp đồng nhà thầu

- Kê khai thuế nhà thầu theo tháng

Trường hợp bên Việt Nam thanh toán cho NTNN nhiều lần trong tháng thì có thể đăng ký khai thuế theo tháng thay cho việc khai theo từng lần phát sinh thanh toán tiền cho NTNN.

Hỏi: Thời hạn kê khai thuế nhà thầu như thế nào?

Trả lời: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhà thầu theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày thứ 10 (mười), kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

Nếu theo tháng ngày thứ 20 (hai mươi) của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.

Hỏi: Hồ sơ kê khai thuế nhà thầu gồm những gì?

Trả lời: Hồ sơ khai thuế gồm những hồ sơ:

- Tờ khai thuế nhà thầu (01/NTNN);

- Bản chụp hợp đồng nhà thầu, hợp đồng nhà thầu phụ có xác nhận của NNT (đối với lần khai thuế đầu tiên của hợp đồng nhà thầu);

- Bản chụp giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép hành nghề có xác nhận của NNT.

Như vậy, trên đây Hãng Kiểm toán ES vừa chia sẻ xong nội dung bài viết. Nếu có câu hỏi hay vướng mắc gì các bạn vui lòng đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/ hoặc để lại bình luận hoặc bên dưới bài viết toàn bộ các vấn đề về kê khai thuế nhà thầu. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!