Nghị định 132/2020/NĐ-CP Quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết sau khi được ký và ban hành có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2020 và áp dụng cho năm tài chính 2020 để thay thế Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Vậy so sánh giữa Nghị định 20và Nghị định 132 có gì khác nhau? Hãng Kiểm toán ES đã tổng hợp lại và qua nội dung bài viết dưới đây để bạn đọc cùng theo dõi nhé.
- Giao dịch liên kết là gì? Cẩm nang TOÀN TẬP về LIÊN KẾT mới nhất
- Hồ sơ trong giao dịch liên kết
- Công văn 48057/CT-TTHT về chính sách thuế đối với giao dịch liên kết
Trước hết các bạn lướt qua nội dung bên dưới nhé.
- #1. So sánh Nghị định 132/2020/NĐ-CP và Nghị định 20/2017/NĐ-CP
- #1.1 Quy định rõ phạm vi điều chỉnh của các bên liên kết
- #1.2 Nguyên tắc áp dụng
- #1.3 Thuật ngữ áp dụng
- #1.4 Các bên có quan hệ liên kết
- #1.5 Phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch LK
- #1.6 Nâng cao và áp dụng ngưỡng khống chế lãi vay
- #1.7 Chi phí lãi vay vượt mức khống chế
- #1.8 Bổ sung thêm đối tượng không áp dụng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay
- #1.9 Thay đổi khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn
- #1.10 Rõ ràng và mở rộng cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết
- #1.11 Bổ sung thêm trách nhiệm của Cơ quan thuế
- #1.12 Bổ sung thêm trường hợp miễn lập hồ sơ GDLK
- #1.13 Nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia khi công ty mẹ ở Việt Nam
- #1.14 Nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia khi công ty mẹ ở nước ngoài
- #2. Một số câu hỏi về Giao dịch liên kết thường gặp
#1. So sánh Nghị định 132/2020/NĐ-CP và Nghị định 20/2017/NĐ-CP
Nghị định 132/2020/NĐ-CP và Nghị định 20/2017/NĐ-CP Quy định về quản lý thuếcó nhiều điểm khác biệt. Tuy nhiên ở bài viết này ES điểm khác biệt cơ bản như sau:
#1.1 Quy định rõ phạm vi điều chỉnh của các bên liên kết
Nghị định 132: Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định là các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên có quan hệ liên kết;
Nghị định 20: Các giao dịch liên kết thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là các giao dịch phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế có quan hệ liên kết theo quy định tại Điều 5 của Nghị định;
#1.2 Nguyên tắc áp dụng
Nghị định 132: Còn 02 nguyên tắc. Bỏ nguyên tắc: Nguyên tắc giao dịch độc lập được áp dụng theo nguyên tắc giao dịch giữa các bên độc lập, không có quan hệ liên kết tại các Hiệp định thuế có hiệu lực thi hành tại Việt Nam của Nghị định 20/2017/NĐ-CP;
Nghị định 20: 03 nguyên tắc;
#1.3 Thuật ngữ áp dụng
Nghị định 132: Bổ sung thêm 03 thuật ngữ mới bao gồm:
- Thoả thuận của Nhà chức trách có thẩm quyền;
- Thỏa thuận quốc tế về thuế, Điều ước quốc tế về thuế;
- Tổ chức thay mặt nộp báo cáo;
Nghị định 20: Không đề cập tới 03 thuật ngữ nói trên;
#1.4 Các bên có quan hệ liên kết
Nghị định 132: Có 11 trường hợp. Sửa đổi điểm i từ "Một hoặc nhiều doanh nghiệp chịu sự..." sang thành "Các doanh nghiệp chịu sự..." và bổ sung thêm 01 trường hợp so với Nghị định 20 là đối tượng: Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế; vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản 2 điều 5 của Nghị định;
Nghị định 20: 10 trường hợp;
>>> Xem thêm bài viết quan hệ liên kết là gì? tại đây nhé!
#1.5 Phương pháp so sánh xác định giá của giao dịch LK
Nghị định 132: Quy định và hướng dẫn cụ thể tại Nghị định;
Nghị định 20: Đưa ra tuy nhiên chưa có hướng dẫn cụ thể. Hướng dẫn cụ thể trong điều 3 thông tư 41/2017/TT-BTC;
>>> Xem thêm các phương pháp xác định giá giao dịch liên kết tại đây nhé!
#1.6 Nâng cao và áp dụng ngưỡng khống chế lãi vay
Nghị định 132: Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;
Nghị định 20: Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế;
#1.7 Chi phí lãi vay vượt mức khống chế
Nghị định 132: Chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại điểm a khoản này. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;
Nghị định 20: Phần chi phí lãi vay vượt không được trừ và không được chuyển sang các năm sau;
#1.8 Bổ sung thêm đối tượng không áp dụng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay
Nghị định 132: Bổ sung thêm: Các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác);
Nghị định 20: Không quy định đối tượng nói trên;
#1.9 Thay đổi khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn
Nghị định 132: Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là khoảng giá trị từ bách phân vị thứ 35 đến bách phân vị thứ 75;
Nghị định 20: Khoảng giá trị giao dịch độc lập chuẩn là khoảng giá trị từ bách phân vị thứ 25 đến bách phân vị thứ 75;
#1.10 Rõ ràng và mở rộng cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết
Nghị định 132: Cơ sở dữ liệu thương mại là thông tin, số liệu tài chính, kinh tế được các to chức kinh doanh dữ liệu thu thập, tập hợp, chuẩn hoá, lưu trữ, cập nhật, cung cấp bằng các phần mềm hỗ trợ truy cập, quản lý với các công cụ, ứng dụng được lập trình sẵn, hỗ trợ tiện ích cho người sử dụng có thể tìm kiếm, truy cập và sử dụng dữ liệu tài chính, kinh tế của các doanh nghiệp trong và ngoài Việt Nam theo ngành nghề sản xuất kinh doanh, theo khu vực địa lý hoặc các tiêu chí tìm kiếm theo yêu cầu khác phục vụ mục đích so sánh, xác định đối tượng tương đồng trong kê khai và quản lý giá giao dịch liên kết;
Nghị định 20: Cơ sở dữ liệu do các tổ chức kinh doanh thông tin cung cấp, bao gồm thông tin tài chính và dữ liệu của doanh nghiệp do các tổ chức này thu thập từ các nguồn thông tin công khai và lưu giữ, cập nhật, quản lý sử dụng;
#1.11 Bổ sung thêm trách nhiệm của Cơ quan thuế
Nghị định 132: Bổ sung thêm: Tạo điều kiện cho người nộp thuế chứng minh, giải trình về số liệu, dữ liệu của đối tượng so sánh độc lập sử dụng trong Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết;
Nghị định 20: Không đề cập tới nội dung trên;
#1.12 Bổ sung thêm trường hợp miễn lập hồ sơ GDLK
Nghị định 132: Bổ sung thêm miễn lập hồ sơ xác định giá trong giao dịch liên kết khi thỏa mãn đồng thời 03 điều kiện sau:
- Chỉ phát sinh giao dịch với các bên liên kết là đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam; và
- Áp dụng cùng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp với người nộp thuế; và
- Không bên nào được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ tính thuế.
Nghị định 20: Không đề cập tới trường hợp trên;
>>> Xem thêm các trường hợp được miễn lập hồ sơ, miễn kê khai trong giao dịch liên kết tại đây nhé!
#1.13 Nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia khi công ty mẹ ở Việt Nam
Nghị định 132: Trường hợp người nộp thuế là Công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ mười tám nghìn tỷ đồng trở lên, có trách nhiệm lập Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia và nộp Báo cáo cho Cơ quan thuế chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính của Công ty mẹ tối cao;
Nghị định 20: Công ty mẹ tối cao tại Việt Nam có doanh thu hợp nhất toàn cầu trong kỳ tính thuế từ mười tám nghìn tỷ đồng trở lên, có trách nhiệm lập Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nhưng không có quy định phải nộp;
#1.14 Nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia khi công ty mẹ ở nước ngoài
Nghị định 132:
TH1: Không bắt buộc phải nộp cho cơ quan thuế Việt Nam trong trường hợp cơ quan thuế Việt Nam có thể nhận được báo cáo lợi nhuận liên quốc gia thông qua cơ chế trao đổi thông tin tự động (“AEOI”).
TH2: Phải nộp nếu thuộc các trường hợp sau:
- Quốc gia, vùng lãnh thổ nơi Công ty mẹ tối cao là đối tượng cư trú có Thỏa thuận quốc tế về thuế với Việt Nam nhưng không có Thỏa thuận của Nhà chức trách có thẩm quyền tại thời điểm đến hạn nộp Báo cáo;
- Quốc gia, vùng lãnh thổ nơi Công ty mẹ tối cao là đối tượng cư trú có Thoả thuận giữa Nhà chức trách có thẩm quyền với Việt Nam nhưng đã đình chỉ cơ chế trao đổi thông tin tự động hoặc không tự động cung cấp được cho Việt Nam;
- Trường hợp một tập đoàn nước ngoài có nhiều hơn 01 công ty con tại VN, Công ty mẹ tối cao phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế Việt Nam về công ty con được Công ty mẹ tối cao chỉ định thay mặt Công ty mẹ tối cao nộp Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia cho cơ quan thuế VN.
Nghị định 20: Không có quy định phải nộp báo cáo lợi nhuận liên quốc gia nếu Công ty mẹ ở nước ngoài;
#2. Một số câu hỏi về Giao dịch liên kết thường gặp
Hỏi: Thời hạn lập hồ sơ xác định giá trong giao dịch liên kết là khi nào?
Trả lời: Hồ sơ trong giao dịch liên kết được lập trước thời điểm kê khai quyết toán thuế TNDN hàng năm và được lưu trữ, xuất trình khi Cơ quan thuế yêu cầu.
Hỏi: Phụ lục I về giao dịch liên kết lập sai có được sửa và nộp lại không?
Trả lời: Phụ lục I về giao dịch liên kết lập sai bạn sửa lại và nộp lại bạn nhé. Bạn xem hướng dẫn lập Phụ lục I - Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết tại đây nhé.
Hỏi: Cách lập Báo cáo giao dịch liên kết như thế nào?
Trả lời: ES đã chia sẻ cách lập báo cáo giao dịch liên kết bạn xem tại đây nhé.
Trên đây là chia sẻ của Hãng Kiểm toán ES khi so sánh Nghị đinh 20 và Nghị định 132 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cám ơn bạn đã theo dõi.