Tài khoản 113 là tài khoản gì? Ý nghĩa của tài khoản 113 và cách hạch toán tài khoản 113 theo thông tư 200 như thế nào? Hãng kiểm toán ES xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết Tài khoản 113, mời các bạn cùng theo dõi!

z2192114434197-9d3e15e462284a36048c76c2c9043d01
Tài khoản 113 - Tiền đang chuyển

Để tiện theo dõi các bạn lướt qua nội dung dưới đây trước nhé.

Đầu tiên, mời các bạn tìm hiểu về nguyên tắc kế toán tài khoản 113 - Tiền đang chuyển.

#1. Nguyên tắc kế toán

Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tiền của doanh nghiệp đã nộp vào Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, đã gửi bưu điện để chuyển cho Ngân hàng nhưng chưa nhận được giấy báo Có, đã trả cho doanh nghiệp khác hay đã làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản tại Ngân hàng để trả cho doanh nghiệp khác nhưng chưa nhận được giấy báo Nợ hay bản sao kê của Ngân hàng.

Tiền đang chuyển gồm tiền Việt Nam và ngoại tệ đang chuyển trong các trường hợp sau:

- Thu tiền mặt hoặc séc nộp thẳng vào Ngân hàng;

- Chuyển tiền qua bưu điện để trả cho doanh nghiệp khác;

- Thu tiền bán hàng chuyển thẳng vào Kho bạc để nộp thuế (giao tiền tay ba giữa doanh nghiệp với người mua hàng và Kho bạc Nhà nước).

#2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 113 - Tiền đang chuyển

Bên Nợ:

- Các khoản tiền mặt hoặc séc bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ đã nộp vào Ngân hàng hoặc đã gửi bưu điện để chuyển vào Ngân hàng nhưng chưa nhận được giấy báo Có;

- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ là tiền đang chuyển tại thời điểm báo cáo.

Bên Có:

- Số tiền kết chuyển vào tài khoản 112 - Tiền gửi Ngân hàng, hoặc tài khoản có liên quan;

- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ là tiền đang chuyển tại thời điểm báo cáo.

Số dư bên Nợ:

Các khoản tiền còn đang chuyển tại thời điểm báo cáo.

Tài khoản 113 - Tiền đang chuyển, có 2 tài khoản cấp 2:

- Tài khoản 1131 - Tiền Việt Nam: Phản ánh số tiền Việt Nam đang chuyển.

- Tài khoản 1132 - Ngoại tệ: Phản ánh số ngoại tệ đang chuyển.

#3. Cách hạch toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

a) Thu tiền bán hàng, tiền nợ của khách hàng hoặc các khoản thu nhập khác bằng tiền mặt hoặc séc nộp thẳng vào Ngân hàng (không qua quỹ) nhưng chưa nhận được giấy báo Có của Ngân hàng, ghi:

Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132)

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (thu nợ của khách hàng)

Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ

Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính

Có TK 711 - Thu nhập khác

Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).

b) Xuất quỹ tiền mặt gửi vào Ngân hàng nhưng chưa nhận được giấy báo Có của Ngân hàng, ghi:

Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132)

Có TK 111 - Tiền mặt (1111, 1112).

c) Làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản ở Ngân hàng để trả cho chủ nợ nhưng chưa nhận được giấy báo Nợ của Ngân hàng, ghi:

Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132)

Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng (1121, 1122).

d) Khách hàng trả trước tiền mua hàng bằng séc, doanh nghiệp đã nộp séc vào Ngân hàng nhưng chưa nhận được giấy báo Có của Ngân hàng, ghi:

Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132)

Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.

đ) Ngân hàng báo Có các khoản tiền đang chuyển đã vào tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp, ghi:

Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng (1121, 1122)

Có TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132).

e) Ngân hàng báo Nợ các khoản tiền đang chuyển đã chuyển cho người bán, người cung cấp dịch vụ, ghi:

Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán

Có TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132).

g) Việc đánh giá lại số dư ngoại tệ là tiền đang chuyển được thực hiện tương tự phương pháp kế toán đánh giá lại số dư ngoại tệ là tiền mặt (xem tài khoản 111)

#4. Một số câu hỏi thường gặp về TK 113

Hỏi: Tài khoản 113 có số dư có được không?

Trả lời: Tài khoản 113 chỉ có số dư bên nợ bạn nhé.

Hỏi: Ý nghĩa của TK 113 là gì?

Trả lời: ES đã chia sẻ ý nghĩa tài khoản 113 bạn xem tại đây nhé.

Hỏi: Cách hạch toán TK 113 như thế nào?

Trả lời: ES đã chia sẻ cách hạch toán TK 113 bạn xem tại đây nhé.

Như vậy, Hãng Kiểm toán ES vừa chia sẻ về Tài khoản 113 - Tiền đang chuyển. Nếu có vấn đề chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!