Để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động chắc hẳn nhiều thành viên đã thắc mắc về nội dung của hợp đồng lao động ( gồm những nội dung gì, được quy định ở văn bản pháp luật nào …..) Sau đây, Hãng kiểm toán ES sẽ giúp các bạn giải đáp những thắc mắc đó dưới bài viết dưới đây nhé:
- Phạt vi phạm hợp đồng là gì? Phạt vi phạm hợp đồng có cần xuất hóa đơn không?
- Tổng hợp các mẫu hợp đồng lao động mới nhất áp dụng cho năm 2020
Để tiện theo dõi, các bạn có thể xem chi tiết những nội dung chính của bài viết dưới đây.
#1. Hợp đồng lao động là gì ?
Trước khi tìm hiểu về các nội dung của HĐLĐ thì chúng ta cần hiểu rõ về một khái niệm quan trọng,đó là Theo điều 15 của Bộ Luật lao động 2012:
#2. Cơ sở pháp lý của hợp đồng lao động
Các mẫu HĐLĐ dựa trên những quy định tại các luật, thông tư, nghị định sau đây:
- Bộ Luật lao động Số 10/2012/QH13;
- Nghị định 05/2015/NĐ-CP;
- Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH;
- Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH;
- Nghị định 148/2018/NĐ-CP;
- Nghị định 90/2019/NĐ-CP;
- Nghị định 28/2020/NĐ-CP.
#3. Hình thức giao kết hợp đồng
Căn cứ vào Điều 16, Bộ luật Lao động 2012 HĐLĐ phải được thể hiện dưới hình thức như sau:
- Đối với các hợp đồng có thời hạn trên 3 tháng: Hợp đồng sẽ phải được lập thành văn bản và làm thành 2 bản. Trong đó, người lao động giữ 1 bản, người sử dụng lao động giữ bản còn lại.
- Đối với các công việc có thời hạn dưới 3 tháng: Hợp đồng giao kết bằng lời nói cũng sẽ được chấp nhận, có giá trị pháp lý như hợp đồng bằng văn bản.
#4. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
– Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
– Tuân thủ pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
#5. Các mẫu hợp đồng lao động mới nhất
Mẫu hợp đồng lao động 2020 đang được áp dụng có nhiều loại khác nhau, được áp dụng cho các loại hình lao động, thời hạn sử dụng, mục đích sử dụng lao động khác nhau. Về cơ bản bao gồm:
- HĐLĐ xác định thời hạn, có thời hạn
- HĐLĐ không xác định thời hạn
- HĐLĐ theo thời vụ và theo vụ việc
>>>Xem thêm bài viết tổng hợp mẫu hợp đồng lao động tại đây nhé!
#6. Những nội dung cơ bản trong hợp đồng lao động
Theo quy định tại Bộ Luật lao động năm 2012 và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Dù giữa doanh nghiệp và người lao động ký hợp đồng theo hình thức nào, mẫu hợp đồng lao động nào thì cũng cần đảm bảo những nội dung sau đây:
1.Tên và địa chỉ của người sử dụng lao động
a) Tên doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức; trường hợp là cá nhân thuê mướn sử dụng lao động thì ghi họ và tên người sử dụng lao động theo chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu được cấp;
b) Địa chỉ của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân thuê mướn, sử dụng lao động theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định thành lập cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật;
c) Họ và tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ nơi cư trú, chức danh trong doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động.
2. Số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động
a) Số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền cấp của người lao động;
b) Số giấy phép lao động, ngày tháng năm cấp, nơi cấp giấy phép lao động của cơ quan có thẩm quyền cấp đối với lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam;
c) Văn bản đồng ý việc giao kết hợp đồng lao động của người đại diện theo pháp luật đối với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi;
d) Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi;
đ) Văn bản của người dưới 15 tuổi đồng ý để người đại diện theo pháp luật của mình giao kết hợp đồng lao động.
3. Công việc và địa điểm làm việc được quy định rõ ràng
a) Công việc: Công việc mà người lao động phải thực hiện;
b) Địa điểm làm việc của người lao động: Phạm vi, địa điểm người lao động làm công việc đã thỏa thuận; trường hợp người lao động làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi các địa điểm chính người lao động làm việc.
4. Thời hạn của hợp đồng lao động
Thời gian thực hiện HĐLĐ (số tháng hoặc số ngày), thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc thực hiện HĐLĐ (đối với HĐLĐ xác định thời hạn hoặc HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định); thời điểm bắt đầu thực hiện HĐLĐ (đối với HĐLĐ không xác định thời hạn).
5. Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác
a) Mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác.
Về chi tiết mức lương và các khoản phụ cấp được quy định tại Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH như sau:
“Điều 4. Tiền lương và các chế độ, phúc lợi khác ghi trong hợp đồng lao động
Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP bao gồm:
1. Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.
2. Phụ cấp lương, ghi các khoản phụ cấp lương mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
a) Các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.
b) Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động.
3. Các khoản bổ sung khác, ghi các khoản bổ sung mà hai bên đã thỏa thuận, cụ thể:
a) Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
b) Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động.
Đối với các chế độ và phúc lợi khác, như tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác thì ghi thành mục riêng trong HĐLĐ theo Khoản 11 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP.”
b) Hình thức trả lương
Người sử dụng lao động lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động mở tại ngân hàng.
c) Kỳ hạn trả lương
Người lao động hưởng lương giờ, ngày,tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận.
Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.
Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
6. Chế độ nâng ngạch, nâng bậc, nâng lương
Điều kiện, thời gian, thời điểm, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương mà hai bên đã thỏa thuận.
7. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi
a) Thời giờ làm việc trong ngày, trong tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của ngày, tuần hoặc ca làm việc; số ngày làm việc trong tuần; làm thêm giờ và các điều khoản liên quan khi làm thêm giờ;
b) Thời gian, thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc nghỉ trong giờ làm việc; thời gian nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
8. Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động
Ghi cụ thể số lượng, chủng loại, chất lượng và thời hạn sử dụng của từng loại trang bị bảo hộ lao động theo quy định của người sử dụng lao động.
9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế
a) Tỷ lệ % tính trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động và của người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế;
>>>Xem thêm bài viết Quy định về bảo hiểm xã hội 2020 tại đây nhé!
b) Phương thức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động và của người lao động.
10. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng
Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong việc đảm bảo thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
11.Các nội dung khác liên quan đến thực hiện nội dung mà hai bên thỏa thuận.
Trên đây là những nội dung chủ yếu phải có trong HĐLĐ khi bên doanh nghiệp bạn tiến hành ký kết với người lao động.
Hãng Kiểm toán ES vừa tổng hợp cho bạn đọc nội dung hợp đồng lao động mới nhất 2020. ES xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý bạn đọc thời gian qua đã ủng hộ chúng tôi. Nếu có vấn đề chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/.Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!