Trên thực tiễn cho thấy vấn đề giao kết hợp đồng lao động chưa thực sự được người sử dụng lao động và người lao động chú trọng. Điều này khiến cho mục đích hợp đồng không thể đạt được, thậm chí còn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia giao kết hợp đồng. Để làm rõ vấn đề này, sau đây ES sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây nhé:
- Tổng hợp các mẫu hợp đồng lao động mới nhất áp dụng cho năm 2020
- Quy định bắt buộc về nội dung hợp đồng lao động mới nhất 2020
- Những điểm cần lưu ý trong phụ lục hợp đồng lao động
- Hướng dẫn cách viết hợp động lao động NHANH và CHI TIẾT nhất
- Cập nhật mẫu quyết định chấm dứt hợp đồng lao động mới nhất
- Những điểm mới về quy định hợp đồng lao động từ năm 2020
#1. Vi phạm hợp đồng lao động là gì?
Vi phạm HĐLĐ là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định của pháp luật về chấm dứt HĐLĐ, do chủ thể luật lao động thực hiện một cách có lỗi, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ), của nhà nước và xã hội.
#2. Phân loại vi phạm chấm dứt hợp đồng lao động
#2.1 Căn cứ vào chủ thể chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ vào các chủ thể, vi phạm chấm dứt HĐLĐ được phân thành các loại sau:
- Vi phạm chấm dứt của NSDLĐ. Trường hợp này hành vi chấm dứt HĐLĐ xuất phát từ ý chí của một bên chủ thể là NSDLĐ mà không có sự đồng ý của bên NLĐ.
- Vi phạm chấm dứt HĐLĐ của NLĐ. Khác với quyền chấm dứt HĐLĐ của NSDLĐ, pháp luật nước ta thông thoáng hơn cho NLĐ được tự do lựa chọn công việc phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân và gia đình họ.
- Vi phạm chấm dứt HĐLĐ của các chủ thể khác. Đây là trường hợp HĐLĐ bị chấm dứt không phải do một trong các bên mà là do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc trường hợp NSDLĐ sử dụng dịch vụ đến từ chủ thể khác gây ra vi phạm.
#2.2 Căn cứ vào nội dung và thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ vào nội dung và thủ tục chấm dứt HĐLĐ, vi phạm chấm dứt HĐLĐ được thành hai loại:
- Vi phạm chấm dứt HĐLĐ về mặt nội dung (căn cứ): Là trường hợp chấm dứt HĐLĐ nhưng không có căn cứ hợp pháp
- Vi phạm chấm dứt HĐLĐ về mặt thủ tục: Là trường hợp chấm dứt HĐLĐ không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ thủ tục chấm dứt HĐLĐ, bao gồm các trường hợp sau: chấm dứt HDLĐ vi phạm nghĩa vụ báo trước và trường hợp chấm dứt HĐLĐ vi phạm những thủ tục khác do pháp luật quy định.
#3. Hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm hợp đồng lao động
Theo Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt vi phạm về giao kết HĐLĐ, cụ thể như sau:
#3.1 Mức phạt vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
a) Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi:
- Không giao kết HĐLĐ bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên;
- Không giao kết đúng loại HĐLĐ với người lao động;
- Giao kết HĐLĐ không đầy đủ các nội dung chủ yếu của HĐLĐ;
- Giao kết HĐLĐ trong trường hợp thuê người lao động làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn của Nhà nước không theo quy định của pháp luật.
Các mức phạt cụ thể như sau:
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện HĐLĐ;
- Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ;
- Giao kết HĐLĐ với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
c) Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
- Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
- Buộc giao kết đúng loại hợp đồng với người lao động đối với hành vi không giao kết đúng loại HĐLĐ với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
#3.2 Mức phạt vi phạm thực hiện hợp đồng lao động
Theo Điều 10 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt Vi phạm quy định về thực hiện HĐLĐ, cụ thể như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với NSDLĐ có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi sau đây:
- Bố trí NLĐ làm việc ở địa điểm khác với địa điểm làm việc đã thỏa thuận trong HĐLĐ, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Bộ luật Lao động;
- Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, trừ trường hợp NSDLĐ và người lao động có thỏa thuận khác;
- Chuyển người lao động làm công việc khác so với HĐLĐ không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.
c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với NSDLĐ có hành vi cưỡng bức lao động, ngược đãi người lao động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
d) Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc trả lương cho người lao động trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện HĐLĐ đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
#3.3 Mức phạt vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt Vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt HĐLĐ, cụ thể như sau:
a) Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:
- Sửa đổi quá một lần thời hạn HĐLĐ bằng phụ lục HĐLĐ hoặc khi sửa đổi thời hạn HĐLĐ bằng phụ lục HĐLĐ làm thay đổi loại HĐLĐ đã giao kết trừ trường hợp kéo dài thời hạn HĐLĐ với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách quy định tại khoản 6 Điều 192 của Bộ luật Lao động;
- Không thực hiện đúng quy định về thời hạn thanh toán các khoản về quyền lợi của người lao động khi chấm dứt HĐLĐ;
- Không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định của pháp luật;
- Không trả hoặc trả không đủ tiền bồi thường cho người lao động khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật;
- Không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật.
Các mức phạt cụ thể như sau:
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với NSDLĐ có một trong các hành vi sau đây:
- Cho thôi việc từ 02 người lao động trở lên mà không trao đối với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở hoặc không thông báo bằng văn bản trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
- Không lập phương án sử dụng lao động theo quy định của pháp luật.
c) Biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động quy định tại khoản 1 Điều này;
- Buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác đã giữ cho người lao động đối với hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận, trả lại những giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.
Hãng Kiểm toán ES vừa tổng hợp đến bạn đọc những lưu ý quan trọng khi vi phạm hợp đồng lao động mới nhất 2020. ES xin gửi lời cảm ơn chân thành đến quý bạn đọc thời gian qua đã ủng hộ chúng tôi. Nếu có vấn đề chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/.Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!