Bảo hiểm thai sản cho nam là gì? Lao động nam được hưởng những quyền lợi gì khi vợ mang thai, sinh con? Hãng kiểm toán Es-Glocal xin trân trọng chia sẻ tới bạn đọc những quy định về bảo hiểm thai sản cho nam qua bài viết dưới đây.
- Thay đổi MỚI trong Bảo hiểm xã hội năm 2020
- Bảo hiểm thai sản - Tổng hợp quy định chung
- Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp - QUYỀN LỢI người lao động
Bài viết bao gồm những nội dung chính như sau:
#1. Bảo hiểm thai sản là gì?
Bảo hiểm thai sản là một trong các chế độ của bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng vai trò bù đắp một phần thu nhập cho lao động nữ mang thai, sinh con, nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con bị gián đoạn công việc do nghỉ sinh, lao động nam có vợ mang thai, sinh con. Bảo hiểm thai sản được áp dụng cho cả lao động nam và nữ.
#2. Đối tượng được hưởng bảo hiểm thai sản
Bảo hiểm thai sản được áp dụng cho các đối tượng bao gồm:
- Lao động nữ mang thai;
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;
- Lao động nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi;
- Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;
- Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con.
#3. Lao động nam được hưởng chế độ thai sản khi nào?
Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các đối tượng nêu trên được hưởng bảo hiểm thai sản khi:
- Đối với người lao động sinh con hoặc nhận con nuôi: đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước sinh hoặc nhận nuôi con;
- Đối với người lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên, khi mang thai phải nghỉ dưỡng thai (theo chỉ định của cơ sở khám chữa bệnh): phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 3 tháng trở lên (trong vòng 12 tháng trước sinh)
- Trường hợp người lao động thỏa mãn điều kiện hưởng chế độ thai sản nhưng nghỉ việc trước thời điểm sinh con hoặc nhận con nuôi: người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thai sản như bình thường, tuy nhiên phải tự làm thủ tục hưởng trợ cấp.
Vậy kết luận lại: người lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc có vợ sinh con hoặc nhận nuôi con được hưởng bảo hiểm thai sản.
#4. Mức hưởng BH thai sản
TH1: Lao động nam đang tham gia BHXH bắt buộc có vợ sinh con
Thời gian nghỉ hưởng chế độ:
- Vợ sinh thường 1 con: 05 ngày làm việc;
- Vợ sinh con phải phẫu thuật hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi: 07 ngày làm việc;
- Vợ sinh đôi: 10 ngày làm việc, từ sinh ba thì thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc (tối đa không quá 14 ngày làm việc;
- Vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật: 14 ngày làm việc.
Trong đó: Thời gian hưởng chế độ không tính ngày lễ, tết, nghỉ hàng tuần, ngày nghỉ được tính bắt đầu từ ngày làm việc sau khi vợ sinh.
Mức hưởng chế độ thai sản:
Trường hợp này lao động nam nghỉ theo ngày nên mức hưởng chế độ thai sản cũng được tính theo ngày tương ứng, cụ thể:
Trong đó: Mức hưởng theo tháng được xác định bằng mức lương bình quân của 6 tháng đóng BHXH liền kề gần nhất (hoặc của các tháng đóng BHXH đối với trường hợp chưa đóng đủ 6 tháng)
TH2: Lao động nam có vợ sinh con, vợ chết hoặc suy giảm sức khỏe sau sinh
Đối với lao động nam có vợ sinh con mà người vợ chết hoặc bị suy giảm sức khỏe sau sinh, lao động nam được hưởng các quyền lợi sau:
- Cả chồng và vợ đều tham gia BHXH, vợ chết sau sinh: chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian còn lại của người vợ.
- Nếu vợ tham gia BHXH nhưng không đủ điều kiện về thời gian đóng (từ đủ 6 tháng đến 12 tháng trước sinh) mà chết: chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
- Chồng tham gia BHXH mà không nghỉ việc khi vợ chết sau sinh thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản với thời gian còn lại của người vợ.
- Chồng tham gia BHXH mà vợ chết hoặc gặp rủi ro sau khi sinh, không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh thì chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
TH3: Lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con dưới 6 tháng tuổi, chỉ có cha tham gia bảo hiểm từ 6 tháng trở lên trong vòng 12 tháng trước vợ sinh, nhận nuôi con
Trường hợp này, người cha tham gia bảo hiểm được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, mức trợ cấp cho mỗi con được tính bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng người vợ nhận sinh con hoặc nhận nuôi con (mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng, vậy mức trợ cấp 1 lần bằng 2.980.000 đồng/một con)
#5. Hồ sơ hưởng BHTS
Lao động nam nghỉ do vợ sinh con đủ điều kiện hưởng BH thai sản cần chuẩn bị bộ hồ sơ sau:
- Giấy khai sinh có họ tên cha (hoặc giấy chứng sinh) và sổ hộ khẩu;
- Trường hợp con chết: giấy chứng tử (hoặc trích lục khai tử của con) hoặc trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của mẹ, nếu con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh (nếu có);
- Giấy xác nhận của cơ sở y tế trong trường hợp sinh con dưới 32 tuần tuổi hoặc sinh con phải phẫu thuật (nếu có);
- Mẫu C07a-HD
Bộ hồ sơ này cần phải được nộp về cơ quan Bảo hiểm xã hội trong vòng 55 ngày kể từ ngày người lao động quay trở lại làm việc (tối đa 10 ngày kể từ ngày doanh nghiệp tập hợp đủ hồ sơ phải chuyển lại cho BHXH)
#6. Các câu hỏi thường gặp
Hỏi: Tiền trợ cấp thai sản cho nam lấy thế nào?
Đáp: Lao động nam nếu làm thủ tục nhận trợ cấp thai sản qua công ty thì lấy theo hình thức đã đăng ký với cơ quan bảo hiểm, nếu tự làm hồ sơ thai sản thì nhận trực tiếp tại đơn vị bảo hiểm nơi làm hồ sơ.
Hỏi: Trợ cấp một lần được nhận mấy lần?
Đáp: Trợ cấp một lần được tính cho mỗi lần sinh, người lao động chỉ cần đảm bảo thỏa mãn điều kiện hưởng thì có thể nhận nhiều lần trợ cấp một lần.
Hỏi: Lao động nam đóng bảo hiểm dưới 6 tháng khi vợ sinh con có được hưởng BH thai sản không?
Đáp: Lao động nam có vợ sinh con chỉ cần đang tham gia BHXH bắt buộc thì được hưởng trợ cấp thai sản.
Trên đây là toàn bộ quy định về Bảo hiểm thai sản cho nam của Hãng kiểm toán ES. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi!