Mức lương tối thiểu vùng được quy định chi tiết với các vùng như thế nào? Kế toán sử dụng mức lương tối thiểu vùng để làm gì, mức lương này hiện nay đang được quy định như thế nào, Hãng kiểm toán Es-Glocal xin chia sẻ tới bạn đọc mức lương tối thiểu được cập nhật mới nhất theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP qua bài viết dưới đây.
- Mức lương và phụ cấp đóng BHXH năm 2020
- Tiền lương, phụ cấp không đóng BHXH
- Phụ cấp trách nhiệm có tính thuế TNCN và đóng BHXH không?
Nội dung chi tiết của bài viết bao gồm các mục sau:
- #1. Mức lương tối thiểu vùng là gì?
- #2. Đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng
- #3. Mức lương tối thiểu vùng
- #4. Thế nào là người lao động đã qua đào tạo học nghề
- #5. Nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn
- #6. Danh mục các vùng áp dụng mức lương tối thiểu
- #7. Quy định xử phạt đối với DN trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng
- #8. Các câu hỏi thường gặp
#1. Mức lương tối thiểu vùng là gì?
Mức lương tối thiểu vùng được hiểu là mức lương thấp nhất mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động.
#2. Đối tượng áp dụng mức lương tối thiểu vùng
Căn cứ theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương này chi phối các đối tượng bao gồm:
- Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
- Doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).
#3. Mức lương tối thiểu vùng
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định như sau:
- Vùng I: 4.420.000 đồng/người/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên vùng I;
- Vùng II: 3.920.000 đồng/người/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên vùng II;
- Vùng III: 3.430.000 đồng/người/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên vùng III;
- Vùng III: 3.070.000 đồng/người/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên vùng IV.
Lưu ý: đối với lao động đã qua học nghề, đào tạo: mức lương được trả cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng nói trên. Tổng kết lại các trường hợp như sau:
Đối tượng | Vùng I | Vùng II | Vùng III | Vùng IV |
Lao động phổ thông | 4.420.000 đồng/tháng | 3.920.000 đồng/tháng | 3.430.000 đồng/tháng | 3.070.000 đồng/tháng |
Lao động đã qua đào tạo, học nghề | 4.729.400 đồng/tháng | 4.194.400 đồng/tháng | 3.670.100 đồng/tháng | 3.284.900 đồng/tháng |
#4. Thế nào là người lao động đã qua đào tạo học nghề
Người lao động được công nhận là đã qua đào tạo học nghề khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ;
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên;
- Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề;
- Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác;
- Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học;
- Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;
- Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.
#5. Nguyên tắc áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn
Mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn được áp dụng căn cứ theo các nguyên tắc sau:
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó;
- Doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
- Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
- Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại thuộc vùng III.
#6. Danh mục các vùng áp dụng mức lương tối thiểu
>>> Bạn đọc tham khảo danh mục các vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng tại đây nhé!
#7. Quy định xử phạt đối với DN trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng
Nhắc lại về bản chất mức lương tối thiểu vùng, lương tối thiểu vùng là khoản lương làm căn cứ cho người sử dụng lao động trả lương cho người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng. Doanh nghiệp trả lương người lao động thấp nhất bằng mức này. Vậy đối với các doanh nghiệp cố tình chi trả tiền lương cho người lao động thấp hơn mức tối thiểu này thì sao, căn cứ theo Nghị định 28/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với cá nhân, doanh nghiệp thực hiện chi trả lương NLĐ thấp hơn mức tối thiểu vùng như sau:
Đối với người sử dụng lao động là cá nhân, phạt tiền:
- Từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng với vi phạm từ 1- 10 người lao động;
- Từ 30.000.000 - 50.000.000 đồng với vi phạm từ 11- 50 người lao động;
- Từ 50.000.000 - 75.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người lao động trở lên.
Trường hợp doanh nghiệp là đối tượng sử dụng lao động: mức xử phạt áp dụng gấp đôi so với cá nhân.
#8. Các câu hỏi thường gặp
Hỏi: Lương tối thiểu vùng với lương cơ sở có giống nhau không?
Đáp: Khác nhau, lương tối thiểu vùng là mức lương tối thiểu doanh nghiệp phải trả người lao động cho từng vùng cụ thể, lương cơ sở là mức lương áp dụng tính lương cho lao động làm việc theo chế độ tiền lương nhà nước quy định.
Hỏi: Doanh nghiệp trả lương cho NLĐ thấp hơn mức tối thiểu vùng bị phạt bao nhiêu?
Đáp: Doanh nghiệp bị phạt theo các mức như sau:
- Từ 40- 60 triệu với vi phạm từ 1- 10 người;
- Từ 60- 100 triệu với vi phạm từ 11- 50 người;
- Từ 100- 150 triệu trở lên với vi phạm trên 50 người.
Hỏi: Lao động đã qua đào tạo lương tối thiểu được nhận là bao nhiêu?
Đáp: Lao động đã qua đào tạo được nhận lương cao hơn ít nhất 7% so với lương tối thiểu vùng doanh nghiệp hoạt động.
Trên đây là chia sẻ của Hãng Kiểm toán ES về mức lương tối thiểu vùng cập nhật mới nhất cho năm 2021. Nếu có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ, bạn đọc có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn dưới đây để được hỗ trợ trong thời gian sớm nhất: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết Mức lương tối thiểu vùng, chúc các bạn thành công!