Khấu hao tài sản cố định là hoạt động mà bất kì doanh nghiệp nào cũng cần phải thực hiện nhưng liệu có phải tất cả các TSCĐ sử dụng trong DN đều phải trích khấu hao hay không? Sau đây, Hãng Kiểm toán ES xin chia sẻ tới bạn đọc bài viết những tài sản cố định không phải trích khấu hao TSCĐ trong doanh nghiệp
- Chi phí khấu hao TSCĐ chưa sử dụng được trừ khi tính thuế TNDN không
- Cách xác định nguyên giá và định khoản TSCĐ nhập khẩu
- Điều kiện ghi nhận TSCĐ
Dưới đây là nội dung chi tiết, mời các bạn cùng theo dõi!
Những Tài sản cố định nào không phải trích khấu hao MỚI NHẤT 2020
#1. Quy định về những tài sản cố định không phải trích khấu hao
Theo điều 9 Thông tư 45/2013-TT/BTC quy định:
Tất cả TSCĐ hiện có của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao, TRỪ những TSCĐ sau đây:
- TSCĐ đã khấu hao hết giá trị nhưng vẫn đang sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- TSCĐ khấu hao chưa hết bị mất.
- TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính).
- TSCĐ không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp.
- TSCĐ sử dụng trong các hoạt động phúc lợi phục vụ người lao động của doanh nghiệp (trừ các TSCĐ phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp như: nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn giữa ca, nhà thay quần áo, nhà vệ sinh, bể chứa nước sạch, nhà để xe, phòng hoặc trạm y tế để khám chữa bệnh, xe đưa đón người lao động, cơ sở đào tạo, dạy nghề, nhà ở cho người lao động do doanh nghiệp đầu tư xây dựng).
- TSCĐ từ nguồn viện trợ không hoàn lại sau khi được cơ quan có thẩm quyền bàn giao cho doanh nghiệp để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
- TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp.
Căn cứ theo quy định trên thì tất cả tài sản cố định của doanh nghiệp đều phải trích khấu hao dù tài sản đó đang không sử dụng, tài sản chờ thanh lý. Nhưng chi phí khấu hao của tài sản đó có được tính vào chi phí được trừ không?
Căn cứ Thông tư 78/2014/TT-BTC tại Điều 6, Khoản 2, Điểm 2.2 quy định các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau
“2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
….
i) Trường hợp tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Doanh nghiệp phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.”
Căn cứ theo quy định trên:
– Đối với các tài sản không sử dụng, không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì chi phí khấu hao của tài sản không được tính vào chi phí được trừ. Doanh nghiệp trích khấu hao tài sản theo đúng quy định của Thông tư 45/2013/TT-BTC và loại khỏi chi phí tại ô B4 khi làm quyết toán thuế TNDN.
– Đối với tài sản dừng do sản xuất theo mùa vụ dưới 9 tháng, tài sản tạm dừng để sửa chữa, bảo dưỡng theo định kỳ, di dời chuyển địa điểm với thời gian dưới 12 tháng sau đó tài sản đó tiếp tục phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
+ Doanh nghiệp vẫn trích khấu hao tài sản theo quy định và chi phí khấu hao của tài sản được tính vào chi phí đươc trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
+ Doanh nghiệp lưu giữ hồ sơ về thời gian tạm ngừng, lý do tạm ngừng việc sử dụng tài sản.
#2. Thời gian tài sản cố định tạm dừng hoạt động có được trích khấu hao?
Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tạiKhoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
"Trường hợp tài sản cố định thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp đang dùng cho sản xuất kinh doanh nhưng phải tạm thời dừng do sản xuất theo mùa vụ với thời gian dưới 09 tháng; tạm thời dừng để sửa chữa, để di dời di chuyển địa điểm, để bảo trì, bảo dưỡng theo định kỳ, với thời gian dưới 12 tháng, sau đó tài sản cố định tiếp tục đưa vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong khoảng thời gian tạm dừng đó, doanh nghiệp được trích khấu hao và khoản chi phí khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế."
Như vậy tài sản cố định tạm dừng hoạt động vẫn được trích khấu hao, đúng với tinh thần của Thông tư 45/2013/TT-BTC khi khẳng định Hao mòn tài sản cố định là sự giảm dần giá trị sử dụng và giá trị của tài sản cố định do tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh, do bào mòn của tự nhiên, do tiến bộ kỹ thuật ...
Lưu ý: Doanh nghiệp phải lưu giữ và cung cấp đầy đủ hồ sơ, lý do nhằm chứng minh của việc tạm dừng tài sản cố định khi cơ quan thuế yêu cầu.
Gợi ý khi hạch toán chi phí khấu hao khi tài sản ngừng hoạt động:
Chi phí khấu hao trong thời gian tài sản ngừng hoạt động nên đưa hết vào trong kỳ (tháng) kế toán đó để phản ánh đúng bản chất, ghi nhận một khoản chi phí khấu hao đã phát sinh.
Kế toán tránh treo chi phí khấu hao đối với máy móc, thiết bị trong thời ngừng hoạt động ở tài khoản 154, vì như thế sẽ làm sai lệch, rối loạn về giá thành.
Bút toán xử lý chi phí khấu hao tài sản ngừng hoạt động:
Nợ TK 641, TK 642 (nếu TSCĐ phục vụ cho bộ phận bán hàng, quản lý).
Nợ TK 632 (đối máy móc, thiết bị ở khâu sản xuất).
Có TK 214 (chi phí khấu hao TSCĐ ngừng hoạt động).
Những trường hợp chi phí khấu hao tài sản cố định không hợp lệ khi xác định thu nhập tính thuế:
Về nguyên tắc, tài sản cố định chưa thay đổi mục đích sử dụng thì doanh nghiệp vẫn được trích khấu hao. Nói cách khác, tài sản cố định còn trên sổ kế toán mà chưa khấu hao hết thì kế toán được quyền trích khấu hao.
Tuy nhiên, một số trường hợp Luật thuế không công nhận chi phí khấu hao, kế toán cần lưu ý quy định tại điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC:
- Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, trừ tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp (nhà nghỉ giữa ca, nhà ăn công nhân ...).
- Chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).
- Chi khấu hao đối với tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo chế độ quản lý tài sản cố định và hạch toán kế toán hiện hành (tức các tài sản đem cầm cố, góp vốn sẽ không được trích khấu hao).
- Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định (không thông báo phương pháp khấu hao với cơ quan thuế, khấu hao nhanh vượt mức 2 lần so với khấu hao đường thẳng ...).
- Khấu hao đối với tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị.
- Phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô).
- Khấu hao đối với công trình trên đất vừa sử dụng cho sản xuất kinh doanh vừa sử dụng cho mục đích khác thì không được tính khấu hao vào chi phí được trừ đối với giá trị công trình trên đất tương ứng phần diện tích không sử dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lưu ý: Đối với tài sản là công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, ... không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định theo quy định (thời gian sử dụng dưới 1 năm hoặc nguyên giá tài sản dưới 30 triều đồng) thì chi phí mua tài sản nêu trên được phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 3 năm.
#3. Hỏi đáp về khấu hao tài sản cố định
Hỏi: Có những phương pháp trích khấu hao tài sản cố định nào?
Trả lời: Mời các bạn tìm hiểu những phương pháp khấu hao tài sản cố định mới nhất qua bài viết về phương pháp trích khấu hao tài sản cố định của ES tại đây.
Hỏi: TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp có cần trích khấu hao không?
Trả lời: TSCĐ khác do doanh nghiệp quản lý mà không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ TSCĐ thuê tài chính) thì không cần phải tiến hành trích khấu hao.
Hỏi: TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất có phải trích khấu hao không?
Trả lời:TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất lâu dài có thu tiền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lâu dài hợp pháp thì DN không cần phải tiến hành trích khấu hao.
Hỏi: Thời gian TSCĐ tạm dừng hoạt động có phải trích khấu hao không?
Trả lời: Việc trích khấu hao tài sản cố định trong thời gian tạm dừng hoạt động đã được ES chia sẻ trong bài viết tại đây, mời các bạn cùng theo dõi.
Trên đây, Hãng Kiểm toán ES vừa chia sẻ về các tài sản cố định không phải trích khấu hao, nếu có vướng mắc hay cần hỗ trợ vui lòng đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/ hoặc để lại bình luận bên dưới bài viết về những tài sản cố định không phải trích khấu hao TSCĐ trong doanh nghiệp này nhé.
Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!