Lương NET, lương GROSS là gì? Cách tính thuế lương NET và lương GROSS như thế nào? ES sẽ chia sẻ với các bạn qua bài viết dưới đây.

    Cách tính thuế thu nhập cá nhân theo lương NET
    Cách tính thuế thu nhập cá nhân theo lương NET và lương GROSS

    Để tiện theo dõi, các bạn lướt qua nội dung dưới đây về cách tính thuế lương NET và lương GROSS trước nhé.

    Trước tiên hãy cùng ES tìm hiểu thế nào là lương NET và lương GROSS nhé.

    #1. Lương NET, lương GROSS là gì?

    - Lương NET là khoản lương mà người lao động nhận được từ chủ doanh nghiệp, công ty sau khi trừ đi các khoản phí. Các khoản phí ở đây bao gồm: Thuế TNCN, Các khoản trích BHXH; các khoản phí khác...

    - Lương GROSS là khoản lương mà người lao động nhận được bao gồm cả các khoản thuế TNCN, Bảo hiểm xã hội và một số khoản phí khác.

    >>> Xem thêm bài viết lương NET và lương GROSS tại đây nhé!

    #2. Cách tính thuế TNCN theo lương NET

    Trước khi tính thuế TNCN theo lương NET cần quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế theo bảng quy đổi Phụ lục 02/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC:

    BẢNG QUY ĐỔI THU NHẬP KHÔNG BAO GỒM THUẾ RA THU NHẬP TÍNH THUẾ
    (đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công)

    Stt Thu nhập làm căn cứ quy đổi/tháng
    (viết tắt là TNQĐ)
    Thu nhập tính thuế
    1 Đến 4,75 triệu đồng (trđ) TNQĐ/0,95
    2 Trên 4,75 trđ đến 9,25trđ (TNQĐ – 0, 25 trđ)/0,9
    3 Trên 9,25 trđ đến 16,05trđ (TNQĐ – 0,75 trđ )/0,85
    4 Trên 16,05 trđ đến 27,25 trđ (TNQĐ – 1,65 trđ)/0,8
    5 Trên 27,25 trđ đến 42,25 trđ (TNQĐ – 3,25 trđ)/0,75
    6 Trên 42,25 trđ đến 61,85 trđ (TNQĐ – 5,85 trđ)/0,7
    7 Trên 61,85 trđ (TNQĐ – 9,85 trđ)/0,65

    (Trích Phụ lục 02/PL-TNCN (Ban hành kèm theo Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính)

    Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế được tính như sau:

    Thu nhập làm căn cứ quy đổi = Thu nhập thực nhận + Các khoản DN trả thay - Các khoản giảm trừ

    Trong đó:

    a. Thu nhập thực nhận: Là tiền lương, tiền công không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng.

    b. Các khoản trả thay: Là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do DN trả cho người lao động.

    Chú ý: Trong các khoản trả thay nếu có tiền thuê nhà: Thì số tiền đó tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế tại đơn vị (chưa bao gồm tiền thuê nhà).

    c. Các khoản giảm trừ bao gồm: Giảm trừ gia cảnh; giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

    Để các bạn có sự hình dung rõ ràng hơn, Công ty TNHH Kiểm toán Es-Glocal sẽ lấy 1 ví dụ cụ thể:

    Ví dụ 1: Tháng 9/2020, Công ty TNHH Kiểm toán Es-Glocal ký hợp đồng lao động với Ông Nam với mức lương 31,5 triệu đồng/tháng.

    - Ngoài tiền lương Ông Nam được công ty trả thay phí hội viên câu lạc bộ thể thao 1 triệu đồng/tháng.

    - Ông Nam phải đóng bảo hiểm bắt buộc là 1,5 triệu đồng/tháng. Công ty chịu trách nhiệm nộp thuế TNCN cho ông Nam.

    - Trong năm Ông Nam chỉ tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, không có người phụ thuộc và không phát sinh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

    Cách tính thuế TNCN theo lương NET phải nộp hàng tháng cho Ông Nam như sau:

    - Thu nhập làm căn cứ quy đổi là:

    = 31.500.000 + 1.000.000 – (11.000.000 + 1.500.000) = 20.000.000

    - Thu nhập tính thuế (theo bậc 4 trên bảng quy đổi Phụ lục số 02/PL-TNCN) là:

    = (20.000.000 – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 22,9375 triệu đồng

    - Thuế TNCN Ông Nam phải nộp (áp dụng cách tính thuế rút gọn theo Phụ lục số 01/PL-TNCN theo TT 111/2013/TT-BTC ) là:

    = 22,9375 triệu đồng × 20% - 1,65 triệu đồng = 2,9375 triệu đồng

    Ví dụ 2: Tiếp theo VD trên ông Nam còn được công ty trả thay tiền thuê nhà là 6 triệu đồng/tháng.

    Cách tính thuế thu nhập cá nhân theo lương NET phải nộp hàng tháng cho Ông Nam như sau:

    Bước 1: Xác định tiền thuê nhà trả thay được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi:

    - Thu nhập làm căn cứ quy đổi (không gồm tiền thuê nhà):
    31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng – (11 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 20 triệu đồng

    - Thu nhập tính thuế (xác định theo Phụ lục số 02/PL-TNCN) là:
    (20 triệu đồng – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 22,9375 triệu đồng

    - Thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà):
    22,9375 triệu đồng + 11 triệu đồng + 1,5 triệu đồng = 35,4375 triệu đồng/tháng

    - 15% Tổng thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà):
    35,4375 triệu đồng × 15% = 5,3156 triệu đồng/tháng

    Vậy tiền thuê nhà được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi là 5,3156 triệu đồng/tháng

    Bước 2: Xác định thu nhập tính thuế

    - Thu nhập làm căn cứ để quy đổi thành thu nhập tính thuế:

    31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng + 5,3156 triệu đồng – (11 triệu đồng + 1,5 triệu đồng) = 25,3156 triệu đồng/tháng

    - Thu nhập tính thuế (quy đổi theo Phụ lục số 02/PL-TNCN):

    (25,3156 triệu đồng - 1,65 triệu đồng)/0,8 = 29,582 triệu đồng/tháng

    - Thuế thu nhập cá nhân phải nộp:

    29,582 triệu đồng × 20% - 1,65 triệu đồng = 4,2664 triệu đồng/tháng

    - Thu nhập chịu thuế hàng tháng của ông D là:

    31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng + 5,3156 triệu đồng + 4,2664 triệu đồng = 42,082 triệu đồng/tháng

    #3. Quyết toán thuế TNCN lương NET

    Theo Công văn 2204/TCT-TNCN ngày 25/5/2017 của Tổng cục thuế gửi Cục thuế TP Hà Nội quy định:

    Trả lời công văn số 27097/CT-TTHT ngày 4/5/2017 của Cục Thuế thành phố Hà Nội về việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

    Điểm b, Khoản 4, Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân quy định:

    “Trường hợp cá nhân thuộc diện quyết toán thuế theo quy định thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế của từng tháng được xác định trên cơ sở thu nhập tính thuế đã quy đổi”.

    Căn cứ quy định nêu trên, Tổng cục Thuế thống nhất với đề xuất của Cục Thuế thành phố Hà Nội: Công ty tính thu nhập có thuế từng tháng trên cơ sở quy đổi thu nhập chưa có thuế từng tháng, cuối năm cộng vào để xác định thu nhập tính thuế cả năm.

    Tổng cục Thuế thông báo để Cục Thuế thành phố Hà Nội biết./.

    #4. Cách tính thuế TNCN theo lương GROSS

    Cách tính lương gross được xác định như sau:

    Lương net = Lương gross - (Tiền BHXH + BHYT + BHTN + thuế TNCN)

    Như vậy:

    Lương gross = Lương net + (Tiền BHXH + BHYT + BHTN + thuế TNCN)

    VD: Cũng theo ví dụ trên nếu mức lương Gross của ông Nam nhận được là 31,5 triệu/tháng thì cách tính thuế TNCN như sau:

    Vì mức lương cao nhất để áp dụng đóng BHYT và BHXH năm 2020 là 29,8 triệu/tháng, nên ông Nam chỉ cần đóng ở mức đó thôi.

    Số tiền đóng BHXH: 29,8 triệu x 8% = 2,384 triệu đồng (1)
    Số tiền đóng BHYT: 29,8 triệu x 1,5% = 447.000 đồng (2)
    Số tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): 31,5 triệu x 1% = 315.000 đồng (3)
    Lương còn lại sau khi đóng bảo hiểm: 31,5 triệu – (2,384 triệu đồng + 447.000 + 315.000) = 28,354 triệu đồng.

    Số tiền áp dụng để đóng thuế TNCN: Lấy số tiền 28,354 triệu đồng – 11 triệu đồng (tiền giảm trừ gia cảnh cho bản thân) = 17,354 triệu đồng.

    Mức thuế TNCN của ông Nam sẽ được tính theo 3 bậc như sau:

    Bậc 1: Thu nhập tính thuế (=< 5 trđ) x thuế suất 5%: 5 triệu x 5% = 250.000 đồng (4)
    Bậc 2: Thu nhập tính thuế (>5 trđ đến 10 trđ) x thuế suất 10%: (10 trđ – 5 trđ) x 10% = 500.000 đồng (5).
    Bậc 3: Thu nhập tính thuế (>10 trđ đến 18 trđ) x thuế suất 15%: (17,354 trđ – 10 trđ) x 15%= 1,1031 trđ (6).
    Vậy tổng số tiền TNCN phải đóng = (1) + (2) + (3) + (4) + (5) + (6) = 4,9991 trđ.

    Số tiền còn lại sau cùng của ông Nam: 31,5 trđ – 4,9991 trđ = 26,5009 trđ.

    #5. Một số câu hỏi thường gặp về tính thuế theo lương NET và lương GROSS

    Hỏi: Lương NET, lương GROSS là gì?

    Trả lời: ES đã chia sẻ lương NET, lương GROSS là gì bạn xem tại đây nhé.

    Hỏi: Cách tính thuế TNCN theo lương NET?

    Trả lời: ES đã chia sẻ Cách tính thuế TNCN theo lương NET bạn xem tại đây nhé.

    Hỏi: Cách tính thuế TNCN theo lương GROSS?

    Trả lời: ES đã chia sẻ Cách tính thuế TNCN theo lương GROSS bạn xem tại đây nhé.

    Như vậy, ES vừa cùng các bạn tìm hiểu về cách tính thuế lương NET và lương GROSS. Nếu các bạn có vấn đề nào chưa rõ hoặc cần hỗ trợ các bạn để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn: https://esaudit.com.vn/hoi-dap/. Cám ơn các bạn, chúc các bạn thành công.