Kế toán là một bộ phận không thể thiếu trong hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải ai cũng hình dung được công việc cơ bản kế toán phải làm trong doanh nghiệp là gì? Để giúp các bạn sinh viên mới ra trường cũng như bạn đọc hình dung ra được công việc của một kế toán, Hãng Kiểm toán Es-Glocal (http://es-glocal.com/) xin chia sẻ với bạn đọc công việc cơ bản của kế toán.
- Chuẩn mực kế toán là gì? Hệ thống 26 Chuẩn mới kế toán Việt Nam
- Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán
- Thông tư số 70/2015/TT-BTC Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiếm toán
- Thông tư 09/2021/TT-BTC hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán
Để tiện theo dõi các bạn lướt qua nội dung dưới đây trước nhé:
#1. Kế toán là gì?
- Kế toán là việc đo lường, xử lý và truyền đạt thông tin tài chính và phi tài chính về các thực thể kinh tế như các doanh nghiệp và tập đoàn. Kế toán, vốn được gọi là "ngôn ngữ kinh doanh", đo lường kết quả hoạt động kinh tế của một tổ chức và chuyển tải thông tin này đến nhiều người dùng, bao gồm các nhà đầu tư, chủ nợ, ban quản lý và các cơ quan quản lý. Những người hành nghề kế toán được gọi là kế toán viên.
- Thuật ngữ "kế toán" và " báo cáo tài chính " thường được sử dụng như những từ đồng nghĩa.
#2. Những công việc cơ bản của kế toán phải làm trong doanh nghiệp
#2.1 Công việc đầu năm
- Kê khai và nộp tiền thuế môn bài đầu năm. Hạn nộp tiền thuế môn bài là ngày 31/1
- Nộp tờ khai thuế GTGT, TNCN tháng 12 hoặc quý IV
+ Nếu kê khai theo tháng thì hạn nộp là 20/01
+ Nếu kê khai theo quý thì hạn nộp là 30/01
- Nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính quý IV
- Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý IV. Hạn nộp là 30/01
#2.2 Công việc hàng ngày
- Thu thập tất cả các hóa đơn đầu vào, đầu ra phát sinh của doanh nghiệp;
- Kiểm tra tính hợp lý, hợp lệ của hóa đơn như: Tên công ty, Mã số thuế, địa chỉ, số tiền...
- Hạch toán và kiểm tra hóa đơn, chứng từ vào phần mềm kế toán;
- Sắp xếp, lưu giữ chứng từ một cách cẩn thận và khoa học
- Làm các công việc khác theo yêu cầu của Giám đốc, kế toán trưởng...
Lưu ý: Việc lưu trữ các hóa đơn, chứng từ kế toán phải đảm bảo được hóa đơn, chứng từ kế toán không rách, nhàu nát, hỏng....và cơ quan Thuế chấp nhận được.
#2.3 Công việc phải làm hàng tháng
- Lập tờ khai thuế GTGT theo tháng (DN kê khai theo tháng) và kiểm tra, đối chiếu với hóa đơn nhận được của tháng đó trước khi nộp cơ quan thuế;
>>>Xem thêm bài viết Cách xác định kê khai thuế GTGT chi tiết tại đây!
- Lập tờ khai thuế TNCN (DN kê khai thuế GTGT theo tháng và có số thuế TNCN phải nộp);
- Lập tờ khai các loại thuế khác (Nếu có);
- Tính khấu hao TSCĐ và phân bổ CCDC;
- Tính lương cho NLĐ và các khoản trích theo lương;
- Xuất kho, tính giá xuất kho và lập bảng tính giá thành;
- Đối chiếu công nợ khách hàng, nhà cung cấp, các khoản tạm ứng cho nhân viên;
- Nộp tiền BHXH và tiền thuế (Nếu có phát sinh);
- Lập Báo cáo Quản trị và Báo cáo tài chính theo tháng (Ban Giám đốc yêu cầu);
Lưu ý: Khi lập tờ khai thuế nếu phát sinh số thuế phải nộp thì hạn nộp tờ khai cũng là hạn nộp tiền thuế
#2.4 Công việc phải làm hàng Quý
- Lập tờ khai thuế GTGT theo Quý (Nếu DN kê khai thuế GTGT theo Quý);
- Lập tờ khai thuế TNCN (Nếu DN kê khai theo quý và có phát sinh thuế TNCN phải nộp);
- Lập Báo cáo THSD hóa đơn;
- Tạm tính và nộp thuế TNDN và thuế TNCN (Nếu có phát sinh);
- Lập Báo cáo Quản trị và Báo cáo tài chính theo Quý (Ban Giám đốc yêu cầu);
#2.5 Công việc kế toán phải làm cuối năm
- Lập Báo cáo thuế cho tháng cuối năm hoặc Quý IV: Tờ khai thuế GTGT; Báo cáo tình hình sử dụng HD; Tờ khai thuế TNCN (Nếu có);
- Kiểm kê Quỹ, Hàng tồn kho và biên bản đối chiếu công nợ;
- Lập tờ khai quyết toán thuế TNDN và thuế TNCN theo năm;
- Đối chiếu sổ sách và lập BCTC năm: Bảng cân đối kế toán, Kết quả hoạt động kinh doanh; Cân đôi TK (DN dùng TT133/2016/TT-BTC) hoặc Lưu chuyển tiền tệ (DN dùng TT200/2014/TT-BTC);
- In sổ sách, chứng từ và trình ký;
- Nộp thuế TNDN và thuế TNCN (Nếu có phát sinh).
#3. Những lưu ý quan trọng giúp kế toán hoàn thiện công việc tốt nhất
Các bạn cần cập những Chính sách – Luật thuế mới nhất
- Để có thể trở thành 1 kế toán thuế giỏi và chuyên nghiệp bạn cần hiểu rõ và nắm vững những luật thuế mới nhất hiện hành để tránh làm sai. Gây thất thoát cho doanh nghiệp.
- Các bạn có thể vào các trang chuyên về kế toán như: Tổng cục thuế: gdt.gov.vn| Webketoan.vn | Danketoan.com… để tham khảo.
- Hoặc các trang web mất phí nhưng uy tín và chi tiết như: Tanet.vn...Tại đây họ sẽ giúp các bạn đọc đúng các thông tư, nghị định. Phân tích luật và so sánh các thông tư, văn bản, nghị định trước đây với những thông tư, văn bản, nghị định hiện nay mà bạn không phải mất công đọc và phân tích toàn bộ nội dung của các thông tư, văn bản, nghị định đó.
- Việc cập nhật các thông tư nghị định mới nhất về thuế sẽ giúp các bạn tận dụng được hết những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với Doanh nghiệp một cách kịp thời để giảm số thuế phải nộp cho DN.
#4. Những câu hỏi thường gặp liên quan đến công việc của kế toán
Hỏi: Những công việc cơ bản kế toán phải làm trong doanh nghiệp là gì ?
Trả lời: Các công việc cơ bản kế toán phải làm trong doanh nghiệp đã được mình trình bày trong bài viết, bạn xem chi tiết tại đây nhé.
Hỏi: Kỳ kê khai thuế hiện tại ổn định trong vòng bao nhiêu lâu?
Trả lời: Từ khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực thì kỳ kê khai thuế ổn định trọn năm dương lịch.
Như vậy, Hãng Kiểm toán ES đã chia sẻ về các công việc cơ bản của kế toán phải làm trong doanh nghiệp. Nếu có vướng mắc hay câu hỏi gì các bạn có thể để lại bình luận bên dưới hoặc đặt câu hỏi theo đường dẫn https://esaudit.com.vn/hoi-dap/ để được giải đáp ngay những vấn đề liên quan tới công việc cơ bản kế toán phải làm trong doanh nghiêp. Cảm ơn các bạn, chúc các bạn thành công!